Tận dụng tốt hơn cơ hội từ CPTPP: Hãy quan tâm đến doanh nghiệp lớn
Những kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chưa được như kỳ vọng. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá cho rằng, “lâu nay chúng ta say mê với doanh nghiệp nhỏ” trong khi lẽ ra “cần quan tâm tới doanh nghiệp tầm trung và lớn” bởi nếu doanh nghiệp không đủ lực thì không thể tận dụng tốt cơ hội CPTPP.
Quá lưu tâm đến vấn đề ngắn hạn
Báo cáo kết quả triển khai CPTPP của các bộ, ngành, địa phương năm 2019 do Bộ Công thương vừa công bố có nhiều con số tích cực. Theo đó, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2%. Như vậy, Việt Nam đã xuất siêu 1,6 tỷ USD sang các nước CPTPP, trong khi năm 2018 phải nhập siêu 0,9 tỷ USD. Xuất khẩu tập trung vào điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị; thủy sản và dệt may.
Đáng chú ý, một số thị trường mà Việt Nam chưa có quan hệ Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng mạnh ngay sau khi CPTPP có hiệu lực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 29,9%, sang Mexico tăng 27,6%. Nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường này thì trong năm 2019 Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất siêu.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2%. Như vậy, Việt Nam đã xuất siêu 1,6 tỷ USD sang các nước CPTPP, trong khi năm 2018 phải nhập siêu 0,9 tỷ USD.
Những kết quả này có nỗ lực không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù vậy, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM Nguyễn Anh Dương cho rằng việc hiện thực hóa cơ hội từ CPTPP vẫn còn nhiều thách thức khi các doanh nghiệp còn quá lưu tâm đến những vấn đề ngắn hạn. Doanh nghiệp mới chỉ hiểu về thuế quan và cắt giảm thuế quan chứ chưa hiểu đầy đủ và có hệ thống về các khía cạnh khác như quy tắc xuất xứ, các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật (TBT) cũng như thiếu thông tin về mạng lưới nhà cung cấp trong và ngoài nước.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, mới chỉ có khoảng 40% số tỉnh thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP. Mặt khác, nhiều tỉnh, thành cho biết số lượng các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm đến việc xuất khẩu sang các nước CPTPP còn khiêm tốn. Đa số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu của CPTPP. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong năm 2019 cho thấy, dù chỉ có 13,6% doanh nghiệp không biết về CPTPP nhưng số doanh nghiệp tìm hiểu “tương đối kỹ” lại chiếm chưa đầy 2%. Chính vì vậy, kết quả thực hiện hiệp định này chưa được như kỳ vọng.
Đừng “chưa làm thật đã nghĩ đến làm giả”
Nhằm tận dụng tối đa cơ hội do CPTPP mang lại, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia Lê Đình Ân đề xuất “cần chỉ rõ bộ, ngành nào phải sửa văn bản gì để phù hợp CPTPP”. Đánh giá tác động CPTPP cũng cần xem xét ở cả hai chiều thuận và không thuận đối với kinh tế Việt Nam để có chính sách hợp lý, “trong khi lâu nay chúng ta chỉ nói nhiều về mặt lợi”. Đặc biệt, theo ông Ân, chúng ta đã truyền thông về hiệp định cho doanh nghiệp, nhưng phải chỉ rõ hơn cho doanh nghiệp xem họ cần phải làm gì.
Theo giới phân tích, cùng với tiếp tục hoàn thiện thể chế, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước quan trọng không kém. Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Dương, doanh nghiệp cần quan tâm xử lý hiệu quả các thách thức, đặc biệt trong cải thiện khả năng cạnh tranh, hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác.
Chúng ta nói rất nhiều đến việc muốn thành công thì phải đổi mới sáng tạo, nguyên Viện trưởng CIEM Lê Xuân Bá nói. “Nhưng làm sao đổi mới sáng tạo được khi cấp dưới không được trái ý cấp trên, nếu trái sẽ bị xử lý?”, ông đặt câu hỏi. Đồng thời, vị chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam dù đông về số lượng nhưng quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên “muốn đạt được lợi ích hội nhập cũng khó”.
“Lâu nay, chúng ta cứ say mê với doanh nghiệp nhỏ. Nhưng theo tôi, cần quan tâm tới doanh nghiệp tầm trung và lớn, bởi nếu doanh nghiệp không đủ lực thì không thể tham gia hội nhập, tận dụng cơ hội CPTPP thành công”, ông nói. Thêm nữa, vị chuyên gia này nhấn mạnh, doanh nghiệp cần phải giữ chữ tín trong kinh doanh, đừng “chưa làm thật đã nghĩ đến làm giả”.