Tái cấu trúc ngành bất động sản cần được thực hiện với cả thị trường, doanh nghiệp và sản phẩm
Sáng 12/4/2023, trong Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo, việc tái cấu trúc ngành bất động sản cần được thực hiện cả với thị trường, doanh nghiệp và sản phẩm, trong đó, quy hoạch là vấn đề cốt lõi.
Tạo sự thay đổi nhưng vẫn đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, hồ sơ dự án luật tương đối công phu, đặc biệt Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra báo cáo thẩm tra sơ bộ với nhiều nội dung quan trọng, sâu sắc.
Nhấn mạnh nội dung quan trọng trong việc phát triển thị trường bất động sản là về quy hoạch, xây dựng trục quy hoạch theo thời gian, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc tái cấu trúc cần được thực hiện cả với thị trường, doanh nghiệp, sản phẩm, trong đó, quy hoạch là vấn đề cốt lõi.
Đối với quy định về việc tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, Chủ tịch Quốc hội cho hay, Nghị quyết số 18/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khuyến khích hình thức thanh toán này, tuy nhiên, trong dự thảo Luật lại quy định tất cả việc thanh toán phải dùng hình thức này, quy định này thiếu tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội nêu, trong Nghị quyết số 18/NQ-TW có nội dung về xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin về đất đai; xây dựng cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật không có điều khoản, nội dung cụ thể để thể chế hóa nội dung này. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng tại dự thảo Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Bên cạnh đó, liên quan đến quản lý thị trường bất động sản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần rà soát, tổng kết những vướng mắc, tồn tại, hạn chế để có những điều chỉnh tổng thể, cả về sân chơi, người chơi, luật chơi trên thị trường bất động sản. Việc này nhằm tháo gỡ những hạn chế trước mắt cũng như những vướng mắc lâu dài, tránh làm phát sinh các vấn đề khác.
Đối với phạm vi điều chỉnh, dự án luật này có sự giao thoa với nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lần sửa đổi luật này là cơ hội lớn để giải quyết những vấn đề tổng thể, tạo ra sự thay đổi nhưng vẫn đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Nghiên cứu thêm về quy định cấm các hành vi thao túng thị trường
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, hiện nay, việc kinh doanh bất động sản phát sinh những loại hình mới như căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, công trình văn phòng kết hợp lưu trú… Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị làm rõ những loại hình mới này có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này không, và nếu có thì được thể hiện cụ thể ở điều, khoản nào trong dự thảo luật.
Cùng với đó, đối với các hành vị cấm tại Điều 9 dự thảo luật, đại biểu này đề nghị cần nghiên cứu thêm về các quy định cấm các hành vi thao túng thị trường, thổi giá đất,… bởi những hành vi này trên thực tế thời gian qua xảy ra rất nhiều, do chưa có quy định nên dẫn tới khó có biện pháp xử lý.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nguyên tắc giao dịch qua sàn bất động sản chỉ quy định đối với giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai. Còn lại khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, mua, cho thuê giao dịch qua sàn. Thực tế hiện nay các chủ đầu tư tùy điều kiện thực tế có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ sàn hoặc thành lập sàn riêng để giao dịch. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 1.000 sàn giao dịch bất động sản. Hầu hết các chủ đầu tư, tổ chức bán hàng thông qua sàn giao dịch của dịch vụ môi giới và các tổ chức môi giới.
Về đặt cọc trong giao dịch kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trước đây trong pháp luật kinh doanh bất động sản không có quy định về nội dung này.
Về điều tiết thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện chưa có quy định mang tính nguyên tắc điều tiết, các trường hợp phải điều tiết, các giải pháp điều tiết. Do đó, cơ quan soạn thảo mong muốn đưa nội dung này để trên cơ sở nguyên tắc chung, Chính phủ trong thẩm quyền được giao thực thi ban hành chính sách để bình ổn cũng như ưu tiên hoạt động giao dịch bất động sản trong một số trường hợp cần thiết.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát để đảm bảo quy định thống nhất, khả thi và bao phủ được các trường hợp đối với các quy định về hợp đồng kinh doanh bất động sản, về sàn giao dịch bất động sản.
Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, để đảm bảo đủ điều kiện trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra.
Đồng thời, lưu ý tập trung vào một số nội dung như: Tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Văn kiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững.