Tái cấu trúc tài chính đối với các doanh nghiệp xi măng niêm yết

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 10 kỳ 2-2015

Trong giai đoạn 2009 – 2014, cấu trúc tài chính doanh nghiệp ngành xi măng mất cân đối dẫn đến suy giảm sự cân bằng tài chính, tính độc lập về mặt tài chính và khả năng thanh toán, làm giảm hiệu quả kinh doanh. Trước tình hình đó, thực hiện tái cấu trúc tài chính là yêu cầu cấp thiết quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng cấu trúc tài chính doanh nghiệp xi măng niêm yết

Cấu trúc tài chính là sự kết hợp giữa nợ (bao gồm nợ ngắn hạn, nợ dài hạn) và vốn cổ phần, tất cả được dùng để tài trợ cho quyết định đầu tư của doanh nghiệp (DN). Giữa các DN khác nhau, cấu trúc tài chính cũng có thể khác nhau. Thậm chí cùng một DN nhưng ở các giai đoạn phát triển khác nhau thì cấu trúc tài chính cũng không giống nhau. Việc xác định một cấu trúc tài chính phù hợp trong từng giai đoạn phát triển có thể giúp DN tối đa hóa lợi nhuận. Xây dựng một cấu trúc tài chính phù hợp nhằm đảm bảo sự hợp lý giữa cấu trúc tài sản và nguồn tài trợ (cấu trúc nguồn vốn) được xem là mục tiêu chiến lược quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN. Quá trình tái cấu trúc tài chính phải có sự gắn liền giữa quá trình tái cấu trúc tài sản và tài cấu trúc nguồn vốn của DN.

Để nghiên cứu thực trạng tái cấu trúc tài chính DN xi măng niêm yết, bài viết tiến hành khảo sát 18 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và nghiên cứu trên các góc độ: quan hệ sở hữu, thời gian huy động và sử dụng vốn, phạm vi hoạt động vốn.

Căn cứ theo quan hệ sở hữu

Dựa trên quan hệ sở hữu vốn, cấu trúc tài chính của DN bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ phải trả. Các chỉ tiêu cơ bản phản ánh cấu trúc nguồn vốn của DN dựa theo quan hệ sở hữu bao gồm hệ số nợ, hệ số vốn chủ sở hữu, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu.

Hệ số nợ phải trả có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2009 – 2014, từ mức 57,96% năm 2009 tăng lên mức 70,4% năm 2014. Hệ số nợ phải trả bình quân trong giai đoạn này đạt 66% thấp hơn mức 73% của các DN vật liệu xây dựng (VLXD). Đối với nguồn vốn chủ sở hữu, quy mô vốn chủ sở hữu có xu hướng tăng lên, đặc biệt trong năm 2013 – 2014, với tốc độ tăng bình quân trong giai đoạn 2009 – 2014 là 8,78%, thấp hơn mức 9,64% của các DN VLXD. Tuy nhiên, hệ số vốn chủ sở hữu lại có xu hướng giảm xuống trong giai đoạn 2009 – 2014, tức mức 42,04% năm 2009 xuống còn mức 29,6% năm 2014. Như vậy, cấu trúc nguồn vốn của DN xi măng niêm yết đang có sự biến động theo hướng tăng dần hệ số nợ và giảm dần hệ số vốn chủ sở hữu. Trong giai đoạn 2011 – 2014, cấu trúc tài chính theo quan hệ sở hữu xoanh quanh cấu trúc 70% nợ phải trả và 30% vốn chủ sở hữu, gần tương đồng với cấu trúc vốn của ngành VLXD.

Trong cấu trúc nợ của các DN, căn cứ theo tính chất phải trả chi phí khi sử dụng nợ vay, cho thấy rằng các khoản nợ phải trả chi phí chiếm tỷ trọng cao, bình quân là 44%, có xu hướng tăng nhẹ và ổn định trong giai đoạn 2009 – 2014. Các khoản nợ chiếm dụng cũng đáp ứng bình quân 22% tổng nguồn vốn cho DN. Căn cứ theo thời hạn sử dụng vốn, nợ ngắn hạn có quy mô và tỷ trọng tăng dần trong tổng nguồn vốn, đáp ứng bình quân 38% trong tổng nguồn vốn. Cho thấy, DN xi măng sẽ chịu áp lực khả năng thanh toán cao. Trong số DN được khảo sát trong giai đoạn 2009 - 2014, các DN niêm yết trên sàn HOSE và HNX có hệ số nợ bình quân 62% và có xu hướng ổn định. Còn các DN niêm yết trên sàn UPCOM có hệ số nợ cao trên 75% và xu hướng tăng nhanh. Đây là nhóm DN có tác động lớn đến sự gia tăng hệ số nợ trong giai đoạn 2009 – 2014.

Căn cứ theo thời gian huy động và sử dụng

Dựa trên tiêu thức này cấu trúc tài chính của DN được chia thành nguồn vốn tạm thời và nguồn vốn thường xuyên. Hệ số nguồn vốn thường xuyên phản ánh tỷ trọng của nguồn vốn thường xuyên trong tổng nguồn vốn có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn 2009 – 2014 từ mức 69,02% năm 2009, xuống còn 57,84% năm 2014. Bình quân trong giai đoạn này đạt 62%. Điều này cho thấy việc đầu tư, mua sắm hình thành tài sản cố định và tài trợ cho một bộ phận tài sản lưu động thường xuyên đã giảm sút đáng kể, qua đó sẽ tác động làm giảm sự cân bằng tài chính của DN.

Căn cứ theo phạm vi huy động vốn

Căn cứ theo phạm vi huy động vốn, cấu trúc tài chính của DN bao gồm nguồn vốn bên trong và nguồn vốn bên ngoài. Tiêu thức phân loại này nhằm xem xét việc huy động nguồn vốn của một DN đang hoạt động.

Trong giai đoạn 2009 – 2014, cấu trúc tài chính theo phạm vi huy động đã có sự điều chỉnh rõ ràng. Nguồn vốn bên trong DN chiếm tỷ trọng chủ yếu tổng nguồn vốn huy động được và có xu hướng tăng lên, bình quân trong giai đoạn này đạt 57,87%. Nguồn vốn bên trong chủ yếu từ hoạt động cơ cấu lại tài sản lưu động, từ nguồn khấu hao và giảm các khoản đầu tư vào tài sản cố định đem lại. Việc gia tăng nguồn vốn bên trong giúp DN xi măng từng bước chủ động đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư, tiết kiệm chi phí sử dụng vốn và tránh áp lực phải thanh toán nợ đúng kỳ hạn khi hoạt động tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2009 – 2011, cấu trúc tài chính xoay quanh mức 53% nguồn tài trợ bên trong và 47% nguồn tài trợ bên ngoài. Sang giai đoạn 2012 – 2014, cấu trúc tài chính theo phạm vi huy động đã có sự thay đổi đáng kể xoay quanh mức 63% nguồn tài trợ bên trong và 37% nguồn tài trợ bên ngoài. Đây là sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, tăng cường nguồn tài trợ từ bên trong, giúp DN chủ động và độc lập hơn về nguồn tài trợ cho nhu cầu vốn kinh doanh. Với nguồn tài trợ huy động được, DN xi măng đã thực hiện sử dụng để trả bớt phần nợ phải trả và các khoản vay, nhằm giảm áp lực thanh toán. Đồng thời, tăng cường thực hiện đầu tư hình thành tài sản cố định, chi phí xây dựng cơ bản dở dang và tài trợ cho tài sản lưu động trong quá trình hoạt động kinh doanh

Như vậy, trong giai đoạn 2009 – 2014, quy mô vốn và tài sản của DN xi măng không ngừng tăng lên, chứng tỏ các DN xi măng ngày càng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, các DN xi măng niêm yết sử dụng nguồn vốn vay để tài trợ cho nhu cầu vốn kinh doanh là chủ yếu, cho thấy tính tự chủ, độc lập về mặt tài chính đã giảm sút. Trong cấu trúc vốn vay, chủ yếu là các khoản nợ ngắn hạn và có chi phí đã làm hạn chế khả năng thanh toán, khả năng đầu tư dài hạn. Những bất cập trong cấu trúc tài chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh doanh giảm xuống, không tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của ngành xi măng. Điều này đỏi hỏi cần giải pháp tái cấu trúc tài chính nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN.

Giải pháp tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp xi măng niêm yết tại Việt Nam

Một là, thực hiện tái cấu trúc tài chính theo hướng tăng cường nguồn vốn dài hạn, nguồn vốn chủ sở hữu.

- Đối với nguồn vốn chủ sở hữu: Để gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu, tăng cường độ vững mạnh tài chính các DN xi măng cần thực hiện tăng cường nguồn vốn từ phần lợi nhuận giữ lại, các DN cần thực hiện chính sách nhằm gia tăng lợi nhuận, thực hiện các giải pháp tăng doanh thu và giải pháp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Đa dạng các phương thức huy động vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành cổ phiếu thường hay cổ phiếu ưu đãi thông qua các phương thức như phát hành cổ phiếu bổ sung, phát hành thông qua phương thức cấn trừ nợ.

- Đối với nợ vay dài hạn: Trong thời gian tới, khi triển vọng nền kinh tế phục hồi, khả năng tiêu thụ xi măng đang có dấu hiệu tăng trở lại, nhiều ngân hàng thương mại đang và sẽ tiếp tục “bơm vốn”cho các DN xi măng để tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư mới. Những DN xi măng có khả năng tài chính và nền tảng hoạt động tốt sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng dài hạn của ngân hàng thương mại. Tận dụng thời cơ này để huy động vốn thực hiện các dự án cải tạo và mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh là hết sức cần thiết đối với DN xi măng. Ngoài ra, DN ngành xi măng nên xem xét và lựa chọn phương thức vay nợ dài hạn thông qua phương thức phát hành trái phiếu DN hoặc thuê tài chính.

Hai là, DN xi măng cần thực hiện tái cấu trúc tài chính phù hợp với giai đoạn phát triển DN. Trong giai hình thành và phát triển DN, nhu cầu đầu tư phát triển thị phần, cũng như hoạt động đầu tư khác để theo kịp tốc độ phát triển kinh doanh cùng ngày càng tăng lên. Vì vậy, nhu cầu vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh trong giai đoạn này cũng vẫn còn cao. Đây cũng là giai đoạn mà cấu trúc tài chính của DN có nhiều sự lựa chọn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của môi trường kinh doanh, tình hình tài chính, cơ hội kinh doanh và chiến lược tài chính của DN. Một DN mong muốn sự chắc chắn, ổn định trong hoạt động kinh doanh sẽ lựa chọn cấu trúc tài chính nghiêng về vốn chủ sở hữu là chủ yếu. Ngược lại, một DN dám chấp nhận rủi ro, kỳ vọng sự tăng trưởng nhanh sẽ lựa chọn cấu trúc tài chính có mức độ sử dụng nợ vay cao. Cân bằng giữa hai hình thái trên là DN mong muốn duy trì cấu trúc tài chính cân bằng giữa vốn chủ sở hữu và nợ vay.

Ba là, nâng cao nhận thức cho nhà quản trị về cơ chế tác động của đòn bẩy tài chính. Trong giai đoạn 2011 – 2014, hầu hết các DN được khảo sát đều có hiệu số BEP và rd nhỏ hơn 0. Điều đó cho thấy đòn bẩy tài chính khuyếch đại theo chiếu hướng âm, việc gia tăng nợ vay sẽ làm suy giảm lợi nhuận của chủ sở hữu. Trước hiện trạng này, các nhà quản trị của DN này không nên vay nợ thêm nữa, cần tập trung nguồn lực nâng cao hiệu quả kinh doanh, ưu tiên tài trợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu. Thực hiện tái cấu trúc tài chính theo hướng giảm dần hệ số nợ. Khi mặt bằng lãi suất trên thị trường có xu hướng giảm xuống, DN nên thực hiện đảo nợ, thực hiện tài trợ bằng khoản vay nợ có chi phí thấp hơn. Tăng cường nguồn vốn chủ sở hữu bằng cách thực hiện đàm phán với các chủ nợ thực hiện chuyển nợ thành cổ phần, phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và công chúng đầu tư. Việc tài trợ cho hoạt động đầu tư nâng cấp hoặc đầu tư mới có thể lựa chọn phương thức thuê tài chính nhằm giảm áp lực lên hệ số nợ. Cần tích cực khai thác hết công suất thiết bị, đẩy nhanh quá trình tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh doanh đón chờ điều kiện thuận lợi trong giai đoạn tới, khi nền kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực, thuận lợi cho ngành xi măng.

Bốn là, xây dựng các chỉ tiêu cảnh báo sớm cho các DN xi măng Việt Nam. Hệ thống chỉ tiêu cảnh báo sớm được đưa ra với mục đích để phát hiện ra các những yếu kém tiềm ẩn về mặt tài chính khi nó mới ở giai đoạn đầu và giúp khắc phục các vấn đề đó một cách đúng lúc, thực hiện tái cấu trúc kịp thời, phù hợp nhằm tránh cho DN lâm vào tình trạng khó khăn thanh toán, suy giảm lợi nhuận. Một số chỉ tiêu cảnh báo sớm đối với DN cần thực hiện:

* Hệ số thu nhập trên vốn đầu tư (ROIC)

ROIC

=

EBIT

Tổng vốn đầu tư

Việc sử dụng chỉ tiêu này để đánh giá hiệu quả đầu tư cần thực hiện so sánh với lãi suất vay vốn trên thị trường. Nếu ROIC lớn hơn lãi suất vay vốn, cho thấy rằng DN đang sử dụng hiệu quả tài sản, vốn kinh doanh và việc gia tăng vay nợ sẽ giúp làm gia tăng giá trị cho chủ sở hữu. Ngược lại, nếu ROIC thấp hơn lãi suất vay vốn, cho thấy tài sản và vốn kinh doanh của DN đang được sử dụng kém hiệu quả. Do đó, đây là chỉ tiêu cảnh báo sớm cho nhà quản trị DN thấy cần phải thực hiện phân tích kỹ tình hình tài chính của DN nhằm phát hiện nơi nào yếu kém, nguyên nhân tại sao và đưa ra giải pháp tái cấu trúc phù hợp.

* Hệ số nợ vay trên vốn đầu tư

Hệ số nợ vay trên tổng vốn đầu tư

=

Nợ vay có trả lãi

Tổng vốn đầu tư

Hệ số này cũng phản ánh mức độ rủi ro tài chính của DN. Chi tiêu này được sử dụng để cảnh báo những rủi ro tài chính của DN. Nếu hệ số này lớn hơn ngưỡng an toàn của ngành nghề kinh doanh, cho thấy rủi ro tài chính DN đối mặt là cao. Ngược lại, dưới ngưỡng an toàn của ngành, cho thấy mức độ rủi ro tài chính DN trong tầm kiểm soát.