Tài chính chuỗi cung ứng - Giải pháp hỗ trợ quản trị vốn lưu động và dòng tiền tại doanh nghiệp


Hoạt động tài chính chuỗi cung ứng kết nối các bên sản xuất, cung ứng và tiêu dùng, các công ty cung ứng và các tổ chức tín dụng sẽ cho phép các nhà cung cấp và phân phối tối ưu hóa quản lý vốn lưu động (VLĐ) bằng cách chuyển đổi các khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt và tiếp cận tín dụng với chi phí thấp hơn. Bài viết đánh giá thực trạng về quản trị VLĐ và dòng tiền tại các doanh nghiệp, từ đó làm rõ vai trò của tài chính chuỗi cung ứng trong giải quyết bài toán về VLĐ; Đồng thời phân tích những đặc điểm và yếu tố ảnh hưởng đến tài chính chuỗi cung ứng, làm cơ sở nhận diện hướng hành động để nâng cao hiệu quả của tài chính chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Thực trạng về quản trị vốn lưu động nói chung và quản trị dòng tiền nói riêng tại các doanh nghiệp

Quản trị VLĐ trong doanh nghiệp (DN) là việc nhà quản trị lựa chọn và đưa ra các quyết định tài chính liên quan đến việc huy động và sử dụng VLĐ (vốn bằng tiền, vốn phải thu và vốn tồn kho dự trữ), tổ chức thực hiện các quyết định đó nhằm đạt được mục tiêu đặt ra trong hoạt động kinh doanh của DN. Trong đó, tối ưu hóa dòng tiền là chìa khóa duy trì hoạt động kinh doanh ổn định hướng tới lợi nhuận bền vững. DN khi có khả năng đẩy mạnh chu kỳ biến doanh thu thành tiền sẽ cắt giảm được chi phí vận hành kinh doanh và biến năng lực này thành lợi thế cạnh tranh của DN.

Tổng hợp các báo cáo của PwC công bố trong năm 2019 và năm 2020 về tình hình sử dụng, quản trị VLĐ và nhu cầu về dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam càng cho thấy tầm quan trọng của các vấn đề này. Theo đánh giá chung từ PwC, trong giai đoạn 2014 – 2018, tỷ trọng chi phí vốn hay chi đầu tư cho tài sản dài hạn (CAPEX) trên doanh thu tại các DN giảm khoảng 3%. Mặt khác, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tương ứng trên doanh thu cũng chịu chung xu hướng giảm, mặc dù xét về số tuyệt đối cả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và CAPEX đều tăng. Điều này cho thấy tốc độ tăng các chỉ tiêu này không bắt kịp mức tăng trưởng về doanh thu toàn cầu.

Theo PwC, mức tăng CAPEX chỉ chiếm 55% mức tăng của dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, cho thấy nhu cầu cao trong sử dụng tiền để đầu tư vốn lưu động tại các DN. Đầu tư có thể là giải pháp hỗ trợ trong môi trường kinh doanh toàn cầu hiện tại chịu nhiều yếu tố rủi ro và không chắc chắn. DN có thể khai thác các cơ hội kinh doanh lẫn triển khai chính sách phòng ngừa trước những biến động liên tục từ những gián đoạn thị trường. Như vậy, nhận diện và giải quyết những vấn đề về vốn lưu động về mặt cấu trúc theo hướng bền vững, tức là tối ưu hóa dòng tiền, là một giải pháp cần được ưu tiên.

Tại Việt Nam, PwC công bố Báo cáo nghiên cứu vốn lưu động tại các DN Việt Nam “Dòng tiền phục vụ tăng trưởng” năm 2019, nghiên cứu và khảo sát hơn 500 DN niêm yết lớn nhất trên sàn chứng khoán và hoạt động trong 15 lĩnh vực. Báo cáo nhận định mặc dù các DN có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu vẫn gặp khó khăn trong việc tăng tốc độ luân chuyển doanh thu thành tiền. So với năm 2017, chu kỳ tiền mặt bình quân tại các DN tăng từ 65 ngày lên 67 ngày vào năm 2018.

Việc quản trị vốn lưu động kém hiệu quả còn được thể hiện qua thực trạng DN sử dụng đòn bẩy kinh doanh nhiều hơn, đặc biệt với các khoản vay ngắn hạn. Xuất hiện xu thế sử dụng nhiều hơn các khoản vay nợ để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh và khả năng thanh toán lãi nợ vay giảm (trong giai đoạn 2014 – 2018, tỷ lệ thanh toán lãi vay giảm 5%). Đồng thời, tỷ suất chi phí vốn trên doanh thu cũng giảm, từ 2,9% năm 2016 xuống 2,0% năm 2018 cũng là dấu hiệu cho thấy DN hạn chế sử dụng tiền vào đầu tư dài hạn mà tập trung vào đầu tư vốn lưu động. Điều này được nhận định là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn 2014 – 2018.

Như vậy, có thể thấy, với nhu cầu sử dụng tiền cho hoạt động của DN tăng và cơ hội giải phóng tiền từ hàng tồn kho và vốn công nợ còn dồi dào, việc triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả vận hành vốn lưu động và dòng tiền tại các DN tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Tài chính chuỗi cung ứng – giải pháp nâng cao hiệu quả vốn lưu động và dòng tiền tại các doanh nghiệp

Tài chính chuỗi cung ứng (Supply chain finance – SCF) hoặc Tài trợ chuỗi cung ứng là một phương thức nhằm tài trợ vốn lưu động và cải thiện dòng tiền trong DN, SCF cũng là giải pháp liên kết các dòng chảy trong chuỗi cung ứng: hàng hóa, dịch vụ, vốn, thông tin... Theo định nghĩa của Diễn đàn Tài chính chuỗi cung ứng toàn cầu, tài chính chuỗi cung ứng là việc vận dụng các phương thức và kỹ thuật tài chính và giảm thiểu rủi ro để tối ưu hóa việc quản trị vốn lưu động và khả năng thanh khoản được đầu tư vào các quy trình và giao dịch của chuỗi cung ứng. Khả năng hiển thị các luồng giao dịch cơ bản của một hoặc nhiều nhà cung ứng là một thành tố cần thiết trong các thỏa thuận tài chính mà các thỏa thuận này có thể được kích hoạt bởi các nền tảng công nghệ.

Về quy trình, tài chính chuỗi cung ứng là một quy trình ngược với chuỗi cung ứng hàng hóa thông thường. Với chuỗi cung ứng hàng hóa thông thường, quy trình vận hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ xuất phát từ bên cung cấp các yếu tố đầu vào quá trình sản xuất tới nhà sản xuất, kênh phân phối và kết thúc tại người tiêu dùng cuối cùng. Với tài chính chuỗi cung ứng, quy trình về dòng tiền được chảy từ người mua tới nhà cung cấp, có sự tham gia của bên trung gian là các tổ chức tài chính, ngân hàng.

Nhu cầu đẩy nhanh tốc độ tăng vốn hoặc bơm vốn vào chuỗi cung ứng là hệ quả của nhiều yếu tố, trong đó có toàn cầu hóa và tính phức tạp của thị trường cũng như chuỗi cung ứng và sự phát triển của hoạt động xuất – nhập khẩu. Xu hướng thị trường liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu đã thúc đẩy các DN tạo lập các cách tiếp cận hoặc giải pháp tích hợp cho những thách thức về chuỗi cung ứng cả về mặt hiện vật (vật chất) lẫn tài chính. Đặc điểm tài chính chuỗi cung ứng được thể hiện như sau:

Thứ nhất, các nền tảng công nghệ là một yếu tố quan trọng trong quá trình triển khai các mô hình và quy trình tài trợ của SCF. Mỗi sản phẩm SCF có những đặc điểm riêng biệt nhất định để phát triển phù hợp với những tiến bộ công nghệ. Trên thế giới, việc gia tăng vận dụng các giải pháp về SCF được thúc đẩy chủ yếu bởi sự phát triển của Fintech và bên thứ ba cung ứng sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, việc triển khai các loại hình này còn nhiều hạn chế. Mặc dù vậy, thời gian gần đây, các ngân hàng lớn tại Việt Nam đã tích cực và chủ động triển khai các loại hình SCF phục vụ nhiều đối tượng khách hàng, một số loại hình được cải thiện và nâng cấp với sự ứng dụng của nền tảng công nghệ trong xu thế chuyển đổi số. Các bên ứng dụng Fintech cung cấp nền tảng SCF như giải pháp bao thanh toán ngược (bao thanh toán bên mua hàng) và chiết khấu hóa đơn sẽ hỗ trợ thúc đẩy việc áp dụng SCF và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình áp dụng.

Thứ hai, SCF được nhận diện là một hệ sinh thái với các thành viên tham gia có những vai trò và trách nhiệm cụ thể. Việc phát triển thị trường SCF đòi hỏi sự chú ý đến các điểm đặc trưng và sự đa dạng để tất cả các thành viên tham gia thị trường hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế và độ phủ sóng tài chính cho các DN. Các thành viên có thể kể đến bao gồm: cơ quan chính phủ, nhà cung cấp tài chính, DN chủ đạo (DN cốt lõi), đơn vị cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, và cộng đồng (mạng lưới DN).

Cơ quan chính phủ có trách nhiệm xây dựng khuôn khổ pháp lý, xây dựng các kế hoạch thúc đẩy và quản lý thị trường hoạt động. Nhà cung cấp tài chính là các tổ chức cung cấp chương trình SCF (tại Việt Nam hiện nay chỉ có hệ thống ngân hàng), kết nối các DN chủ đạo, các đơn vị cung ứng/phân phối của họ, và các thành viên khác trong hệ sinh thái. Ngoài ra, hệ sinh thái cần các nhà cung cấp tài chính tài trợ trực tiếp cho các nền tảng công nghệ của bên thứ ba. DN chủ đạo thường là bên cung ứng hoặc bên mua hàng lớn, các DN này tạo điều kiện cho nhà cung ứng/phân phối của mình tham gia chương trình SCF. Đơn vị cung cấp các dịch vụ hỗ trợ là các DN quản lý tài sản đảm bảo, cung cấp nền tảng điện tử SCF, công ty vận tải, công ty quản lý chuỗi cung ứng, và các nhà cung cấp dịch vụ khác. Cộng đồng bao gồm mạng lưới các DN, hiệp hội DN, hoặc liên minh của những thành viên SCF…

Thứ ba, SCF gắn liền với tài chính bảo đảm. Các biện pháp bảo đảm có thể gắn liền với động sản (trang thiết bị, hàng tồn kho, các khoản phải thu…) hoặc là bất động sản (quyền sử dụng đất, nhà xưởng...). SCF cung cấp tín dụng ngắn hạn để tối ưu hóa VLĐ cho cả người mua và người bán, tuy nhiên, SCF hoạt động tốt nhất khi người mua có xếp hạng tín dụng tốt hơn người bán và do đó có thể tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn.

Các yếu tố nâng cao tính hiệu quả của tài chính chuỗi cung ứng gồm:

(i) Chia sẻ thông tin: Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, yếu tố chia sẻ thông tin giữa các thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng và giữa các bộ phận trong một tổ chức là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tính hiệu quả của chuỗi cung ứng nói chung và SCF nói riêng (Chen, 2003; Sahin và Robinson, 2005). Ngoài ra, chia sẻ thông tin là giải pháp trọng yếu để hướng tới những hiệu quả hoạt động cải thiện hơn trong các DN thuộc nhiều lĩnh vực. Chia sẻ thông tin cần thiết cũng giúp DN hoặc các thành viên trong chuỗi cung ứng vượt qua sự e ngại về rủi ro thông tin.

(ii) Hợp tác bên ngoài: Hợp tác bên ngoài là cơ chế phù hợp giúp tăng cường giá trị và lợi thế cạnh tranh của DN. Nguyên nhân do trong bối cảnh mạng lưới hoạt động của các thành viên trong nền kinh tế được thực hiện trên nền tảng tri thức, những yếu tố thuộc về đổi mới sáng tạo và công nghệ hiện đại thường là yếu tố không trực tiếp nằm bên trong nội tại của một DN mà là các mối liên kết với đối tác bên ngoài. Hợp tác bên ngoài có thể được nhìn nhận là những mối quan hệ kinh doanh phụ thuộc lẫn nhau về mặt chức năng, có ảnh hưởng đan xen, giao tiếp trực tiếp và cởi mở.

(iii) Nền kinh tế số hóa: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và ứng dụng CNTT rộng rãi như hiện nay, các DN tiến hành số hóa nhằm mục tiêu nâng cao tính hiệu quả, an toàn và minh bạch các giải pháp quản trị (Fairchild, 2005). Dễ dàng nhận thấy, số hóa có tác dụng cải thiện chất lượng quy trình ra quyết định, quản trị chi phí, là công cụ mở rộng tính hiện hữu và kiểm soát các giao dịch online và dữ liệu. Đây là bước khởi đầu hỗ trợ triển khai SCF đến từng đơn vị và hệ sinh thái nói chung. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi các DN duy trì tính hiệu quả và chất lượng của công tác số hóa thường có xu hướng vận dụng dễ dàng hơn các giải pháp tài chính hiện đại. Đồng thời, như đã phân tích ở trên, chính việc ứng dụng các nền tảng công nghệ cũng là một đặc điểm cơ bản của SCF.

(iv) Phát triển hệ thống tổ chức tài chính, tín dụng: Các tổ chức tài chính, tín dụng không thể nắm bắt đầy đủ và chính xác thông tin về các giao dịch phát sinh tại DN, đây là một yếu tố có khả năng gây rủi ro cho SCF. Như vậy, kết hợp với yếu tố chia sẻ thông tin, bản thân hệ thống tổ chức tài chính, tín dụng cũng cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng nghiệp vụ đánh giá rủi ro, nhận biết giao dịch giữa bên mua và bên bán để triển khai các dịch vụ tài trợ phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tài chính chuỗi cung ứng toàn cầu, Wikipedia;
  2. Bài viết “Tài trợ chuỗi cung ứng là gì?”, https://www.velotrade.com/guides/ vi/tai-tro-chuoi-cung-ung-la-gi/;
  3. Jean-Noel Beka Be Nguema, Zulqurnain Ali, 2021, “Exploring the factors influencing the adoption of supply chain finance in supply chain effectiveness: evidence from manufacturing firms”, Journal of Business & Industrial Marketing;
  4. PwC, 2019, Cash for growth or growth for cash? 2019/2020 Vietnam Working Capital Study;
  5. PwC, 2019, Working Capital Report 2019/20: Creating value through working capital - Unlocking cash in a digital age.

(*) Nguyễn Thị Thanh Huyền-Công ty cổ phần Dịch vụ và Phát triển Nam Phong

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 7/2022