“Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”


Đó là chủ đề được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lực chọn tuyên truyền cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2020.

“Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”
“Bảo vệ thanh, thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”

WHO nhằm gửi thông tin tới cộng đồng tác hại của việc nghiện chất Nicotine có trong các sản phẩm của thuốc lá, kêu gọi các quốc gia thực hiện các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá bao gồm thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…

Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm, người tiêu dùng tại Việt Nam đã chi tới 31.000 tỷ đồng cho việc mua thuốc lá. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất sức lao động vì đau ốm và tử vong sớm của 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra như ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.

Nhằm hạn chế gánh nặng bệnh tật này không còn cách nào khác ngoài việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong người dân. Tuy nhiên, hành trình này còn gian nan.

Nhìn vào tỉ lệ hút thuốc lá cao ở Việt Nam hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do người dân dễ dàng tiếp cận với thuốc lá ở bất kỳ nơi đâu.

Theo một số chuyên gia kinh tế, tỉ lệ hút thuốc cao còn do giá thuốc lá ở Việt Nam khá thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, việc giám sát, xử phạt chưa nghiêm của cơ quan chức năng cũng khiến cho cuộc chiến này vẫn còn nhiều khó khăn.

Có thể thấy, bên cạnh việc góp phần giảm bệnh tật, tử vong, giảm sự bất bình đẳng về sức khỏe, phòng chống tác hại của thuốc lá giúp ngăn những tác động xấu đến môi trường do việc trồng, sản xuất, buôn bán và tiêu thụ thuốc lá.

Phòng chống tác hại của thuốc lá còn góp phần phá vỡ vòng luẩn quẩn: sử dụng thuốc lá - đói nghèo; chấm dứt nạn đói, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế, ngăn ngừa biến đổi khí hậu. Việc tăng thuế thuốc lá có thể hỗ trợ bảo hiểm cho người nghèo, hỗ trợ chăm sóc y tế và các chương trình phát triển khác của chính phủ.

Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá cấp quốc gia, mỗi người dân đều có thể hành động để tạo ra một môi trường không khói thuốc, một thế giới bền vững như: không hút thuốc lá, bỏ thuốc, không hút gần mọi người; nhắc nhở người hút thuốc không hút thuốc nơi đông người, không hút tại nơi có quy định cấm; bảo vệ bạn bè, người thân khỏi tác hại của hút thuốc thụ động, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Nếu không hút thuốc, tiền mua thuốc lá có thể được sử dụng cho các chi tiết thiết yếu khác như thực phẩm, y tế và giáo dục...