Thị trường xe đạp "cháy hàng" vì... Covid-19

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn

Trái ngược với tình trạng ảm đạm của nhiều mặt hàng khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, mặt hàng kinh doanh xe đạp vẫn tăng đột biến. Lượng xe đạp bán ra tại nhiều cửa hàng tăng mạnh, thậm chí luôn trong tình trạng cháy hàng vì quá tải.

Nhu cầu mua xe đạp tăng mạnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Nhu cầu mua xe đạp tăng mạnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Theo dõi thị trường có thể thấy, “cơn sốt” xe đạp bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 2020 và kéo dài cho đến nay vẫn chưa ngừng lại và được dự báo sẽ còn tiếp tục.

“Cơn sốt” xe đạp

Khi dịch bùng phát, các trung tâm thể dục, thể thao đóng cửa, nhiều người dân đã tìm đến xe đạp như một phương án cho việc vừa có thể hoạt động thể chất, lại vừa đảm bảo khoảng cách với những người tham gia giao thông khác.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Tôi đạp xe quanh Hồ Gươm đã 3 năm nay, tuy nhiên trước đây người dân chủ yếu đi bộ, nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện lệnh giãn cách nên nhiều người đã chuyển sang đạp xe, lượng người tham gia đã tăng lên khoảng 5 lần so với trước đây”.

Chị Thu Hương ở Linh Đàm, Hà Nội chia sẻ chị bị bệnh đau lưng, theo khuyến cáo của bác sỹ, chị thường xuyên tập yoga, nhưng từ khi phòng tập đóng cửa để phòng chống dịch, chị chuyển sang hình thức đạp xe quanh hồ Linh Đàm vào mỗi sáng.

Khảo sát của VnBusiness, tại phố Bà Triệu nhiều cửa hàng bán xe đạp luôn tấp nập khách ra vào tham khảo và mua xe đạp. Nhiều cửa hàng bán lẻ xe tại Hà Nội ghi nhận doanh số tăng kỷ lục, có ngày bán được 70-80 chiếc.

Do lượng khách đến quá đông và phải chờ đợi lâu, nhiều cửa hàng phải dành riêng một hàng ghế đợi cho các khách đến sau nhằm đảm bảo về khoảng cách, phòng chống dịch.

Anh Ngô Thanh Tú, chủ một cửa hàng bán xe đạp trên phố Bà Triệu cho biết, lượng khách mua xe đạp tăng mạnh từ giữa tháng 4, tuy nhiên từ tháng 5 lượng khách tăng đột biến, trung bình mỗi ngày cửa hàng bán từ 70 xe, doanh thu dao động trung bình 400 triệu đồng mỗi ngày. "có những thời điểm thị trường “khát” xe đạp tới mức những lô hàng mới được bán hết chỉ sau vài ngày cập bến", anh Tú cho hay.

Anh Hoàng Trung Phong, Giám đốc kinh doanh của Công ty cổ phần Thống nhất Hà Nội, chia sẻ, từ sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xe đạp trở nên sôi động. Đối tượng mua xe không chỉ tập trung ở lứa tuổi học sinh mà mở rộng ở mọi lứa tuổi.

Nhu cầu tăng cao khiến giá xe đạp tăng khoảng 10-20%, song nhiều người vẫn sẵn sàng chi từ vài triệu cho đến chục triệu đồng để sở hữu một chiếc xe đạp.

Giá xe đạp trên thị trường hiện nay cũng rất đa dạng để khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, các dòng xe có giá từ 3 triệu trở xuống được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ví dụ, xe đạp Thống Nhất chia làm 3 phân khúc. Dòng xe trẻ em có giá từ 1,5-1,8 triệu đồng/chiếc, xe người lớn từ 2-2,2 triệu đồng/chiếc, xe địa hình từ 2,8-3,2 triệu đồng/chiếc.

Bên cạnh đó, trên thị trường còn có phân khúc xe cao cấp với giá trên 10 triệu đồng cũng hấp dẫn người mua. Anh Tú cho biết: “Các dòng xe đạp cao cấp với mức giá trên 10 triệu đồng cũng thu hút nhiều người mua. Đây là những mẫu xe có chất lượng tương đối tốt, kiểu dáng đẹp, ít hỏng vặt”.

"Miếng bánh" hấp dẫn

Xuất phát từ những mối lo ngại việc tập trung đông người trong thời kỳ dịch bệnh, "cơn sốt" xe đạp ban đầu được cho chỉ là nhất thời và sẽ nhanh chóng chìm xuống. Nhưng hiện nhiều chuyên gia dự đoán rằng, cơn sốt này sẽ không dừng lại mà tiếp tục kéo dài.

"Thị trường xe đạp sẽ còn tăng đều và phát triển bền vững hơn chứ không còn đột biến do dịch Covid-19 như hiện nay. Bởi người dân ngày càng có xu hướng sử dụng phương tiện giao thông không gây hại môi trường. Số người lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi lại tăng mạnh để rèn luyện thể thao, tăng cường sức khỏe và bảo vệ môi trường", một chuyên gia nhận định.

Theo nghiên cứu của SSI Research, nhu cầu xe đạp trong nước ở mức 2,5 triệu chiếc/năm. Với giá bán 2-2,5 triệu đồng/chiếc, tổng quy mô của thị trường này rơi vào khoảng 5.000 - 6.000 tỷ/năm. 

Nhận thấy tiềm năng của thị trường xe đạp, một số cửa hàng nhỏ lẻ, doanh nghiệp, chuỗi siêu thị lớn cũng quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh này.

Đại diện thương hiệu xe đạp Thống Nhất cho biết, tính từ đầu năm đến nay, Công ty này đã bán được hơn 100.000 chiếc xe đạp, tăng gấp 1,5 lần so với cùng thời điểm đầu năm 2020, với tổng gần 400 cửa hàng và điểm phân phối các đại lý trên toàn quốc. Dự kiến sắp tới, công ty sẽ mở rộng, tăng thêm số điểm bán, phân phối xe đạp tại nhiều tỉnh thành hơn.

Trong khi đó, nhiều cửa hàng bán xe đạp thiết lập riêng một website và cập nhật hàng ngày. Bên cạnh đó, giới thiệu sản phẩm trên nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada…

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2021 của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, từ ngày 30/4, công ty đã kinh doanh thêm ngành hàng xe đạp tại siêu thị Điện máy Xanh Lê Văn Việt và Nguyễn Duy Trinh (TP. Hồ Chí Minh). Doanh nghiệp này đồng thời thông báo sẽ mở rộng quy mô kinh doanh ngành hàng này.

Chia sẻ thêm, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc Thế giới Di động cho biết, doanh thu mảng xe đạp tương đối khả quan. Các dòng xe được bày bán hiện nay bao gồm xe đạp leo núi, xe thể thao, xe thành phố, xe trẻ em. Trung bình, doanh số đạt được là 15 chiếc/siêu thị/ngày. Giá mỗi mẫu xe dao động trên dưới 3 triệu đồng.