Bốn trụ cột để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19

Theo C.Sơn/baogiaothong.vn

Các chuyên gia đóng góp giải pháp phục hồi kinh tế sau khi các địa phương nới dần lệnh giãn cách do dịch COVID-19 dần được kiểm soát.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19

Tháng 10, trình Chính phủ đề án phục hồi kinh tế

Tại Hội nghị trực tuyến "Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng" ngày 14/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng chương trình phục hồi này có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết và cần đảm bảo có thể triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Bất cứ sự chần chừ, chậm trễ nào trong triển khai các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19, sẽ không chỉ khiến càng nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, số doanh nghiệp có thể quay trở lại cũng sẽ giảm đi”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Trong đó, Chương trình phải tập trung phục vào hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị, cùng với phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Trung du, miền núi phía Bắc phải có giải pháp, kế hoạch phục hồi kinh tế nhanh, bắt kịp xu hướng của thế giới.

Các địa phương đẩy mạnh đổi mới và cải cách, cơ cấu lại nhanh nền kinh tế, thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược; Tập trung tạo môi trường đầu tư thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp với tinh thần cao nhất.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế và đầu tư công phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.

Đầu tư công là giải pháp tối ưu

Đóng góp ý kiến về các giải pháp phục hồi kinh tế sau khi các địa phương nới dần lệnh giãn cách, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Chính phủ đã và đang có rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, từ các nhóm giải pháp trước mắt như thúc đẩy tốc độ tiêm vaccine cho người lao động, các chính sách giảm chi phí cho doanh nghiệp đến cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn... và sẽ còn nhiều giải pháp hỗ trợ mạnh hơn, quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, ông Cung cũng nhấn mạnh, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nay đã xấu hơn rất nhiều so với một vài tháng trước. Nhiều ngành, lĩnh vực đã rơi vào thế đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi lưu thông hàng hóa, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất ngừng hoạt động khi các lần giãn cách tiếp tục kéo dài.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung

“Nay chống dịch và phục hồi kinh tế phải song song, không nên đặt vế nào cao hơn mới là mục tiêu kép. Kinh tế phục hồi sẽ tăng năng lực chống dịch. Nhưng có lẽ phải tạm đặt mục tiêu tăng trưởng sang một bên để lo chặn đà suy giảm kinh tế trước”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Ông Cung cũng đề nghị một Chương trình phục hồi, thúc đẩy kinh tế một cách toàn diện trong vòng 3 năm tới.

Chương trình phục hồi kinh tế này ông Cung kiến nghị tập trung vào 4 trụ cột chính: Từng bước mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa nền kinh tế; Phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng truyền thống và kinh tế số, gắn với đầu tư công; Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng thời khuyến khích đầu tư; Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Chương trình phục hồi kinh tế này trước hết sẽ thúc đẩy phục hồi sinh kế của người dân và doanh nghiệp, sau đó thúc đẩy tăng trưởng.

Do đó, theo nguyên viện trưởng CIEM, đầu tư công là một trong những giải pháp tối ưu để đẩy nhanh phục hồi kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh.

“Ưu tiên trước mắt là bao phủ vaccine và mở cửa kinh tế. Trong lúc này đừng đặt thêm những mệnh lệnh hành chính, giấy phép con như Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh và phải bỏ ngay cách làm ngăn sông cấm chợ, phải tạo ra sự luân chuyển hàng hoá thống nhất thông suốt thuận lợi dễ dàng”, ông Cung nhấn mạnh.

Ông Cung cũng kiến nghị ưu tiên hỗ trợ các ngành hàng thiết yếu, ngành nghề sản xuất hàng xuất khẩu, đóng góp cho xuất khẩu. Đồng thời tập trung vào khu vực kinh tế trọng như TP.HCM với những chính sách ưu đãi đầu tư như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án đầu tư mới ở mức cao hơn, dài hơn.

“Những chính sách ưu đãi trên trong Chương trình phục hồi vượt ra ngoài thẩm quyền Chính phủ nên rất cần sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Quốc hội”, ông Cung nói.

Có lộ trình và thận trọng

Chung quan điểm phải nhanh chóng triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh khi dịch từng bước được kiểm soát, song chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ lưu ý, việc hoạt động trở lại cần có lộ trình và hết sức thận trọng tuy theo từng đối tượng.

Ông Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Ông Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

“Trước mắt, một số đối tượng được phép hoạt động là những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine và những người từng nhiễm COVID-19 sau đó phục hồi; Và địa phương có hệ thống y tế chống chịu được, có đủ lực lượng và có tỷ lệ người dân đã tiêm vaccine đủ độ phủ rộng rãi”, ông Thụ nêu quan điểm.

Còn xét theo ngành nghề, ông Thụ đề nghị cho hoạt động trở lại theo thứ tự ưu tiên: Ngành sản xuất trong không gian rộng, khả năng lây lan thấp như sản xuất nông nghiệp; Sau đó là những nhà máy xí nghiệp sản xuất tập trung lớn và nhiều không gian chật hẹp, không gian kín (trường hợp này căn cứ vào khả năng kiểm soát dịch để cho phép các doanh nghiệp này từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh).

Những trường hợp có nguy cơ lây lan cao như các quán karaoke, quán bar... ông Thụ cho rằng phải thận trọng bởi “đây không phải nhóm sản xuất kinh doanh hàng thiết yếu mà nguy cơ lây lan nhiều. Nếu mở cửa thì phải sau các lĩnh vực khác có khả năng quản lý được".