Các tỉnh phía Nam sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi kinh tế

Theo V.Lê/dangcongsan.vn

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 những tháng qua đã khiến cho hoạt động sản xuất-kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Cho tới thời điểm này, khi tình hình dịch bệnh đang có những tín hiệu tích cực, các địa phương cũng đã sẵn sàng tâm thế để bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế theo kế hoạch, giải pháp đã được xây dựng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh cũng như chuẩn bị cho việc phục hồi kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ, các địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, dựa trên thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh nhằm khôi phục và phát triển kinh tế.

 Việc nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp, dựa trên nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”.

Triển khai theo chỉ đạo trên, các địa phương khu vực phía Nam đã xây dựng những kịch bản sẵn sàng đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương mình.

Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, Thành phố tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 30/9 với phương châm triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên từng địa bàn cụ thể. Thành phố xác định, phòng chống dịch, tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, đây là nhiệm vụ trọng yếu. Từng bước mở cửa nền kinh tế, là yêu cầu cấp thiết. Phương châm “mở cửa” của Thành phố là không quá chậm so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra, nhưng cũng không chủ quan nôn nóng, mà phải thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, không mở cửa nếu không tuyệt đối an toàn. Thành phố hiện đang thí điểm nới lỏng giãn cách tại một số đơn vị, địa phương. Cụ thể, quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, một số Khu công nghiệp, Khu chế xuất, doanh nghiệp FDI đủ điều kiện đang được cho hoạt động có kiểm soát. Thành phố cũng cho phép các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) ở một số lĩnh vực được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày. Cho phép các shipper được hoạt động liên quận, huyện và thành phố Thủ Đức từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày với điều kiện phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế theo đó chia ra với lộ trình thực hiện 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn đầu từ 1/10 đến 31/10, giai đoạn 2 từ 1/11 đến 15/1/2022, và giai đoạn sau đó. Để triển khai, UBND Thành phố sẽ sớm ban hành các chính sách đối với doanh nghiệp để phục hồi kinh tế, các chính sách về thu hút nguồn lực vào kinh tế, xã hội, nhất là hệ thống y tế…

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã nhận thức đúng đắn và sâu sắc tình hình Thành phố đang ở trong giai đoạn rất quan trọng. Vì thế, trong từng quyết định đều phải lưu ý và hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra, nếu có rủi ro thì khắc phục, không để hậu quả lớn.

Tại Bình Dương, việc phục hồi kinh tế cũng đang được ưu tiên tại các “vùng xanh”. Đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng quan điểm của tỉnh là tuyệt đối không chủ quan, không nóng vội mở cửa, khôi phục lại các loại hình kinh doanh, dịch vụ. Bình Dương xem xét từng bước nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp với mức độ phòng, chống dịch bệnh của từng địa phương và theo lộ trình cùng với các biện pháp, giải pháp kiểm soát chặt chẽ. Tinh thần chung cũng là sản xuất phải an toàn, an toàn mới được sản xuất. 

Theo đó, lộ trình giai đoạn 1 từ 15/9 đến 31/10, tỉnh ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các “vùng xanh”; tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt “vùng đỏ”, “điểm đỏ”; mở rộng “vùng xanh”; thần tốc xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Giai đoạn 2 từ sau 31/10, trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng”, tỉnh mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch như karaoke, vũ trường, quán bar, massage...

Giai đoạn 3, từ sau 31/12, trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng”, sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động.  Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn thì tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành y tế, tỉnh sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Cùng với TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai hiện cũng đứng trước áp lực lớn trong việc vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi kinh tế. Theo dự kiến, từ ngày 20/9 tới, Đồng Nai sẽ triển khai thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Trước mắt, tỉnh sẽ cho “vùng xanh” được mở cửa từ từ, “vùng đỏ” vẫn giữ như cũ. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thiết yếu, xây dựng được mở cửa trở lại. Các dịch vụ không thiết yếu vẫn chưa hoạt động.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc “mở cửa” và phục hồi kinh tế cần dựa trên sự thận trọng, chặt chẽ,  đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng của người dân. Việc "mở cửa" được tiến hành từng bước theo lộ trình hướng tới sự bền vững; thường xuyên đánh giá và cập nhật tình hình dịch bệnh cũng như mức độ nguy cơ.

Để đảm bảo an toàn trong phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được kết nối với địa phương xanh, đưa người lao động vào các khu công nghiệp xanh để phục hồi sản xuất. Đồng Nai cũng giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn sản xuất. Chính quyền chỉ hỗ trợ doanh nghiệp chứ không làm thay cho doanh nghiệp, tạo ra một cơ chế linh hoạt để chia sẻ trách nhiệm, cộng đồng trách nhiệm trong thời gian sắp tới.   

Dù đã tính toán, cân nhắc và đưa ra các phương án cụ thể để phục hồi kinh tế, sẵn sàng bắt tay ngay vào triển khai các giải pháp khi dịch bệnh được kiểm soát tốt nhất song các địa phương đều khá thận trọng và đều dựa trên tinh thần chung “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”.

Theo các chuyên gia kinh tế, trước làn sóng dịch thứ 4 kéo dài từ cuối tháng 4/2021 tới nay hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất, rời thị trường do không “trụ” được. Cùng với đó, việc thực hiện giãn cách xã hội cũng dẫn tới nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất bị đứt gãy. Các tỉnh thành khu vực phía Nam là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Tại các địa phương là “tâm chấn” của đại dịch gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… hầu như không một ngành hay lĩnh vực nào không chịu ảnh hưởng.

Chính vì thế, trong lộ trình mở cửa trở lại, các tỉnh, thành phía Nam khẳng định đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước…

Tuy nhiên, câu chuyện quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh có lẽ không chỉ dựa trên kế hoạch, các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước mà còn phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp cũng đang xây dựng cho mình một kịch bản riêng để nhanh chóng triển khai khi trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, máy móc, phụ kiện nhập khẩu. Bên cạnh đó, còn là vấn đề nguồn nhân lực khi mà nguồn lao động tại chỗ đang bị thiếu hụt do một lượng lớn lao động đã trở về các địa phương tránh dịch; một số chuyên gia, công nhân kỹ thuật là người nước ngoài chưa trở lại Việt Nam. Những điều này đã và đang là hạn chế, làm chậm quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, chúng ta cùng hi vọng, những khó khăn trên sẽ nhanh chóng được khắc phục, tháo gỡ. Các doanh nghiệp với tâm thế sẵn sàng, sẽ kịp thời thích ứng và hấp thụ tốt các chính sách trong giai đoạn “mở cửa”.