Cần Thơ tăng nguồn hàng, sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường

Theo Khánh Nam/ Báo Cần Thơ

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tại các hệ thống phân phối lớn, công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì với lượng hàng hóa tăng mạnh so với trước.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa tại một doanh nghiệp trên địa bàn quận Ninh Kiều. Ảnh: Khánh Nam
Cán bộ Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa tại một doanh nghiệp trên địa bàn quận Ninh Kiều. Ảnh: Khánh Nam

Bộ Công Thương vừa có hàng loạt văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng các phương án ứng phó để sẵn sàng cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường theo các cấp độ diễn biến của dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.

Ðồng thời, đề nghị các doanh nghiệp phân phối cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, nhất là tại địa phương có dịch bệnh; chủ động liên hệ với các doanh nghiệp phân phối lớn để nắm thông tin nguồn cung hàng hóa trong hệ thống siêu thị nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu.

Hiện nay, tại các hệ thống phân phối lớn: chuỗi siêu thị Co.op Mart, Co.op Food, Co.op Extra, VinMart, Big C; Go!, Bách Hóa Xanh… công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vẫn được duy trì với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với bình thường; hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định.

Các hệ thống phân phối cũng đã sớm làm việc với các địa phương sản xuất nông sản tập trung, có sản lượng lớn để xây dựng kế hoạch, phương án chế biến, dự trữ, vận chuyển, lưu thông tiêu thụ nông sản trong hệ thống, phấn đấu tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ hai lần trở lên so với năm trước.

Nhờ vậy, nguồn cung hàng hóa đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, thị trường không có hiện tượng tăng giá đột biến, việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, không có hiện tượng ùn ứ.