Chất lượng quyết định tương lai của taxi công nghệ Việt

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát triển ở thị trường cung cấp ứng dụng đặt xe trực tuyến sau khi Grab thâu tóm Uber là rõ nét, nhưng để chiếm được lòng tin của người dùng còn phụ thuộc vào chất lượng. Liệu các hãng taxi công nghệ của Việt Nam có được bằng như Uber, Grab?

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển ở thị trường cung cấp ứng dụng đặt xe trực tuyến sau khi Grab thâu tóm Uber. Nguồn: Internet
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển ở thị trường cung cấp ứng dụng đặt xe trực tuyến sau khi Grab thâu tóm Uber. Nguồn: Internet

Sau khi Grab thâu tóm Uber, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã có một số công ty như Go-Jek ở Indonesia, Didi của Trung Quốc đang gửi hồ sơ lên Bộ này đề nghị muốn tìm hiểu, tham gia thị trường Việt Nam. 

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết vẫn chưa xem xét vì xét thấy đây là thời điểm chưa phù hợp. Điều này sẽ là cơ hội cho các hãng taxi công nghệ của Việt Nam.

Chất lượng phải hơn... Grab

Trên thực tế, các DN Việt đã có những động thái đáp trả việc Grab thâu tóm Uber. Phải kể tới như Phương Trang rót 2.200 tỷ đồng vào ứng dụng đặt xe cho khách hàng là Vivu và đổi tên thành Vato, Mai Linh Bike cam kết không tăng giá giờ cao điểm, Vinasun đề nghị quy hoạch taxi công nghệ trong “cuộc chiến” với Grab…

Tuy nhiên, vấn đề người dùng quan tâm nhất vẫn là chất lượng: các hãng taxi công nghệ của Việt Nam có được bằng hoặc hơn Uber, Grab không?

Tại tọa đàm “Grab thâu tóm, cơ hội nào cho DN Việt” mới diễn ra, ông Nguyễn Trí Dũng, Tổng Giám đốc công ty Phương Trang, khẳng định mục tiêu của DN là phục vụ khách hàng tốt nhất. 

“Chúng ta phải xây dựng một phần mềm của Việt Nam để hoạt động, tạo ra sự kết nối (một sàn thương mại điện tử) để có thể đối chọi với Uber, Grab”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, ông Dũng kiến nghị Nghị định sửa đổi Nghị định 86 cần sớm ra đời để Vato có cơ sở hoạt động. 

Nhìn rõ quyết tâm của các DN Việt, song bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đưa lời khuyên: “Chúng tôi đã bỏ rất nhiều thời gian để tìm hiểu vì sao khách hàng thích Grab hay Uber. Tôi mong muốn các DN vận tải phải nhìn lại bản chất, phải thay đổi chất lượng dịch vụ, chứ không phải chỉ thay đổi công nghệ. Mỗi giai đoạn, người tiêu dùng càng đòi hỏi cao hơn. Chúng ta phải tự đào thải những gì chưa phù hợp, lạc hậu, chứ không chờ người khác đào thải mình”. 

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư công nghệ số Toàn Cầu, thừa nhận: “Phải cảm ơn Uber và Grab đã vào thị trường Việt Nam, khiến bản thân các DN vận tải, DN taxi truyền thống hay công ty công nghệ chúng tôi phải thay đổi”.

Các DN vận tải đều có APP (ứng dụng), ai cũng làm APP mà mua rất rẻ, mua rẻ thì chất lượng không tương xứng, không tiếp cận được khách hàng, đó là điểm yếu.

Chất lượng quyết định tương lai của taxi công nghệ Việt - Ảnh 1

Vato, một phần mềm thuần Việt, đã bắt đầu tham gia “cuộc chiến” công nghệ

Liên kết để tăng cạnh tranh

“Các công ty công nghệ phải thay đổi để vừa đáp ứng yêu cầu hiện nay, vừa thích ứng với các loại hình vận tải khác nhau”, ông Hùng nói.

Vì thế, ông Hùng cho rằng các DN vận tải và công ty công nghệ cùng ngồi lại, bỏ cái tôi để chia sẻ, nếu tìm được tiếng nói chung thì hiệu quả hơn: “Không thay đổi thì sẽ bị tụt lùi và khách hàng sẽ là người thiệt thòi”. 

Đồng quan điểm, ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng nếu 77 hãng taxi sử dụng 77 APP thì sẽ rất khó cho người dùng. Bởi vậy, nên tập trung lại trong một APP để khách hàng dễ dàng lựa chọn. 

“Tôi ủng hộ người dùng quan tâm tới giá cả và dịch vụ, chứ không cần trung thành với một hãng nào. Tại sao các DN không kết hợp với nhau”, ông Chiến đặt câu hỏi. 

“Các DN nên kết hợp với nhau, tranh thủ trong tương lai hướng tới đa dịch vụ, tìm kiếm tiếng nói chung để có tiềm lực mạnh cạnh tranh”, ông Chiến hy vọng. 

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, việc sáp nhập của Grab và Uber tạo cảm hứng lớn cho các DN của Việt Nam, bằng chứng là có DN đầu tư tới 100 triệu USD. Biết đâu một ngày có thương hiệu Việt sẽ thôn tính cả Grab. Như tại Trung Quốc, không ai nghĩ Didi sẽ thôn tính được Uber. 

Tuy nhiên, ông Hùng nêu vấn đề: “Tại sao mình không thể bằng hoặc thậm chí hơn Grab. Tôi cho rằng các DN Việt Nam chỉ đơn thuần viết ra phần mềm mà không có trí tuệ nhân tạo trong hệ thống của mình thì rất khó cạnh tranh”.