Grab mua lại Uber mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam

Theo Nhân Hà/nhadautu.vn

Đó là ý kiến của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Xung quanh câu chuyện Grab mua lại thị phần của Uber ở khu vực Đông Nam Á.

Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Nguồn: internet
Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Nguồn: internet

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Trước khi trở thành “ông lớn” như hiện nay, cách đây 7 - 8 năm chúng ta còn không biết Uber là ai. Khi Uber vào Việt Nam, chúng ta chưa biết Grab là gì. Việc sáp nhập của Uber vào Grab tại Việt Nam cũng tương tự như Uber nhượng thị phần ở Trung Quốc.

Ông Hùng chia sẻ, khi xuất hiện một người khổng lồ, chúng ta thường có tâm lý lo ngại. Nhưng tôi cho rằng, việc Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Việc Grab thành công ở Đông Nam Á, giành lại thị phần của Uber, là ví dụ rất sinh động các doanh nghiệp ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam có thể trưởng thành, đứng vững trên thị trường của mình. Điều này tạo cảm hứng, và niềm tin tốt đẹp cho doanh nghiệp.

Theo ông Hùng, không có cơ hội nào không bao hàm thách thức. "Nhưng tôi cho rằng, cơ hội hiện nay rõ rệt hơn. Câu chuyện của Grab, thực sự cổ vũ cho sự sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam trong việc chinh phục thị trường Việt, thậm chí có thể vươn ra các quốc gia khác", ông Hùng nói.

Trong khi đó Nguyễn Xuân Thủy - Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng: Sự tồn tại của taxi và ứng dụng công nghệ gọi xe đã được đề cập nhiều. Trong quá trình xây dựng nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ GTVT đã tham khảo một số nước trong khu vực. "Điều chúng tôi nhận thấy đó là, thị phần taxi và thị phần gọi xe không bị triệt tiêu hoàn toàn dù mỗi nước có cách quản lý khác nhau. Chẳng hạn như tại Thái Lan, dù taxi vẫn chiếm ưu thế, Chính phủ đã cấm dịch vụ gọi xe qua điện thoại nhưng grab, Uber vẫn tồn tại. Câu trả lời ở đây nằm ở nhu cầu và thị hiếu của khách hàng', ông Thủy nói.

Ông Thủy khẳng định: “Nhà cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp với sở thích của người dân thì sẽ được ưa chuộng”. “Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, điều mà tôi mong muốn lúc này đó là sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng phần mềm gọi xe”, ông Thủy cho biết thêm.

Vụ phó Vụ Vận tải Bộ GTVT thông tin, có một số công ty, như Go-Jek ở Indonesia và doanh nghiệp này cũng đang mong muốn tìm hiểu, tham gia thị trường Việt Nam. Hay như Didi cũng đã gửi hồ sơ lên bộ GTVT nhưng cơ quan chức năng chưa xem xét vì thời điểm chưa phù hợp.

Còn ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội lại cho rằng, Grab và Uber sử dụng một nguồn vốn khổng lồ để thôn tính thị trường. Ban đầu, họ tạo ứng dụng để thu hút người tiêu dùng kèm theo đó là các khuyến mại cực lớn, điều mà taxi truyền thống không thể đáp ứng được bởi phải nộp thuế cao hơn nhiều. Trước khi vào Việt Nam, Uber và Grab đã nghiên cứu kỹ pháp luật nước ta, tìm kẽ hở để tăng lợi thế cho mình.

Theo ông này, các nước trên thế giới sau khi cho hoạt động thí điểm đã có những chỉ đạo quyết liệt để quản lý chặt chẽ đối với loại hình này. Liên minh Châu Âu đã có phán quyết Uber là loại hình kinh doanh vận tải.

Vị Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nêu quan điểm, ngay sau khi Uber và Grab vào Việt Nam, taxi truyền thống đã tiếp thu công nghệ và tạo cho mình ứng dụng đặt xe qua mạng tương tự. Ngay cả đơn vị nhỏ nhất của Hiệp hội Taxi Hà Nội là Taxi Phù Đổng cũng có ứng dụng đặt xe, đã được Bộ GTVT cho phép thử nghiệm. Chúng tôi nhìn nhận đây cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp taxi truyền thống.

“Ưu tiên của taxi truyền thống là giải quyết các khiếu nại của khách hàng, đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết, còn các vấn đề mang tính nội bộ của doanh nghiệp hay nội bộ giữa các hãng giải quyết sau”, ông Hùng nói.

Ông nói thêm, chúng tôi đã có đề xuất làm tổng đài chung tuy nhiên, các doanh nghiệp taxi hoạt động lâu năm, đã có tên tuổi không ủng hộ. Sau đó, chúng tôi đã kiến nghị xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng của Hiệp hội Taxi Hà Nội và đang đặt công ty phần mềm thiết kế. Đây là một sàn giao dịch dùng chung cho tất cả các hãng taxi Hà Nội, giúp tất cả mọi người khi đến Hà Nội có thể tải, truy cập phần mềm có thể lựa chọn hãng tuỳ thuộc vào tên tuổi hay giá cả đã hiển thị sẵn. Thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là áp dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

“Hiệp hội Taxi chỉ có nguyện vọng tạo sự bình đẳng, công bằng trong kinh doanh để có cơ sở đánh giá  về chất lượng phục vụ”, ông Hùng nói.