Chủ động bước vào sân chơi hội nhập

Hải An

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn cần vượt qua.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã tác động mạnh đến tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Hội nhập kinh tế quốc tế đã tác động mạnh đến tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Một trong số những thành tựu đã đạt được của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) toàn diện của Việt Nam có thể đề cập tới là HNKTQT đã góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Nền kinh tế từng bước được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được tăng cường, nguồn nhân lực để cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Kinh tế Việt Nam đã đứng vững và phát triển trước những thách thức to lớn từ các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, minh bạch, bình đẳng hơn.

HNKTQT đã tác động mạnh đến tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái của Việt Nam năm 1988 chỉ đạt 86 USD - mức thấp nhất thế giới, nhưng đã tăng gần như liên tục qua các năm sau đó và đến năm 2018 là khoảng 3.000 USD/người/năm. Nếu như tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 1986 - 1990 chỉ đạt 4,4%/năm thì bình quân thời kỳ 1991 - 2011 đạt 7,34%/năm; đến năm 2017 đạt 6,81%, năm 2018 đạt 7%; quy mô nền kinh tế khoảng 240 tỷ USD.

HNKTQT thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh, giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam, mở rộng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu.

Việt Nam đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đạt gần 480 tỷ USD, gấp gần 2 lần GDP. Việt Nam có vị thế ngày càng lớn trong xuất khẩu hàng hóa toàn cầu và được xếp vào nhóm 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Tính lũy kế đến ngày 20/09/2019, cả nước có 29.854 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 357,65 tỷ USD. Hiện đã có khoảng 130 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào Việt Nam. Các đối tác đã cam kết viện trợ hơn 3 tỷ USD cho Việt Nam từ 2018 đến 2020.

HNKTQT thành công đã tạo thêm nội lực cho đất nước. Tuy nhiên, HNKTQT của Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn sau:

Một là, chính sách, pháp luật còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về HNKTQT chưa nghiêm và quyết liệt. Trình độ năng lực điều hành, quản lý kinh tế mà nhất là của các doanh nghiệp trong nước còn yếu kém.

Hai là, chiến lược NHKTQT chưa toàn diện, cụ thể dẫn đến chưa tận dụng được hết lợi ích của HNKTQT trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong một số trường hợp, HNKTQT còn bị động, chưa có cơ sở khoa học, thực tiễn phù hợp với thực trạng phát triển đất nước, chưa phát huy được đầy đủ các hiệu quả và lợi ích của hội nhập mang lại.

Ba là, trong nền kinh tế còn tồn tại một số hạn chế nội tại như: Cân đối vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc; Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh chậm được cải thiện; Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc; Tình hình sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn; Trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến, nhưng chưa thực sự đột phá…

Bốn là, một bộ phận đầu mối về HNKTQT tại một số bộ, ban, ngành và địa phương vẫn chưa chú trọng đến khâu phối hợp và tham vấn với các chương trình hành động về HNKTQT. Chính vì vậy, việc triển khai công tác hội nhập đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Với những tồn tại, hạn chế nêu trên, để nâng tầm HNKTQT với chất lượng cao, toàn diện, sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả hơn, ngoài sự quyết tâm đổi mới, nỗ lực hơn nữa của các ngành, các cấp, cần sự vào cuộc quyết liệt của mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

Theo đó, doanh nghiệp, người dân cần chủ động hơn, thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hội nhập, không để tình trạng vi phạm quy định pháp luật tiếp diễn, ảnh hưởng lớn uy tín và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam…