Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2019

Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Hay nói cách khác, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vai trò quyết định trong việc huy động các nguồn lực

Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp (DN), phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ  đất nước. Nhờ đó, nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân có chuyển biến tích cực, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của DN, đội ngũ doanh nhân, hướng hoạt động của DN, doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Nếu tính bình quân mỗi DN, hợp tác xã có từ 2 -3 doanh nhân lãnh đạo và mỗi hộ kinh doanh, trang trại có 1 doanh nhân thì đội ngũ doanh nhân cả nước đã có hơn 2,5 triệu người. Nếu tính trong tổng số 3 triệu chủ hộ kinh doanh hoạt động trong khu vực phi chính thức thì ở nước ta đã có hơn 5 triệu doanh nhân.

Doanh nhân đóng vai trò quyết định trong việc huy động các nguồn lực tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động góp phần, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước. 

Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam những năm qua thể hiện ở các mặt chủ yếu sau:

Thứ nhất, doanh nhân là lực lượng xã hội đóng vai trò quan trọng trong giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thông qua tổ chức và điều hành sản xuất - kinh doanh, doanh nhân, DN góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) và hội nhập quốc tế. Trong đó, khu vực DN đóng góp trên 70% nguồn thu NSNN, tạo việc làm cho 7,4 triệu lao động, chiếm 81,7% lực lượng lao động phi nông nghiệp, hay 16,3% lực lượng lao động của toàn xã hội...

Thứ hai, trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đội ngũ doanh nhân góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Doanh nhân giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp mạnh, có vị thế, tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, chúng ta cũng đặt mục tiêu xây dựng được đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành cộng đồng doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…

Thứ ba, đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng trong tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: Đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng các công trình phúc lợi góp phần bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam góp phần xây dựng xã hội đoàn kết, đồng thuận, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Thứ tư, với số lượng lên tới hàng triệu người và chất lượng được nâng cao, đội ngũ doanh nhân nước ta đã hình thành một tầng lớp xã hội mới. Theo đó, đội ngũ doanh nhân nước ta tham gia ngày càng đông đảo vào các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và có vị thế ngày càng quan trọng hơn trong hệ thống chính trị - xã hội. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có tới 38 đại biểu là doanh nhân. Số lượng doanh nhân là đảng viên ngày càng tăng, cùng với đó, vai trò của các tổ chức cơ sở đảng ở khu vực kinh tế tư nhân cũng tăng lên. Nhiều tổ chức cơ sở đảng trong các DN đã phát huy tốt vai trò của mình. Những doanh nhân tiêu biểu trong đội ngũ này sẽ tham gia ngày càng nhiều hơn, có vai trò quan trọng trong các tổ chức chính trị - xã hội. Đó cũng là quy luật phát triển và là nhân tố thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Một bộ phận không nhỏ doanh nhân Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu tính liên kết, hợp tác bền vững để tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Một số DN, doanh nhân thiếu trách nhiệm với người lao động; nợ bảo hiểm xã hội, không chú ý đến an toàn toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm và đời sống tinh thần của người lao động. Nhiều DN sử dụng lãng phí, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại đến môi trường...

Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển mới

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động, trong đó có những DN mạnh, có vị thế, tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu xây dựng được đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành cộng đồng DN có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…

 Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các DN Việt Nam nói riêng. Với nhận thức đội ngũ doanh nhân là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu chiến lược CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là bước đột phá góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời đại mới. Phát triển đội ngũ doanh nhân để có thể đảm đương trọng trách đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Một là, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng thời với việc công khai minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển. Nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền kinh doanh, tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh. Tiếp tục cải cách hành chính, bảo đảm các cơ quan và người thi hành công vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nhân. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Với số lượng lên tới hàng triệu người và chất lượng được nâng cao, đội ngũ doanh nhân nước ta đã hình thành một tầng lớp xã hội mới. Theo đó, đội ngũ doanh nhân đã tham gia ngày càng đông đảo vào các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và có vị thế ngày càng quan trọng hơn trong hệ thống chính trị - xã hội.

Hai là, xây dựng hệ thống các biện pháp hỗ trợ doanh nhân tham gia khu vực kinh doanh chính thức, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, chú trọng phát triển doanh nhân ở khu vực nông thôn. Khuyến khích hoạt động liên kết, mua bán và sáp nhập DN và áp dụng các biện pháp phù hợp để tăng nhanh số lượng DN có quy mô vừa; thúc đẩy hình thành và phát triển một số DN lớn, đủ sức thực hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ba là, tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân. Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Ðổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng của doanh nhân. Ðề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Xây dựng quy chế và hướng dẫn, quản lý hoạt động tôn vinh khen thưởng DN, doanh nhân, bảo đảm hiệu quả thiết thực.

Bốn là, phát huy vai trò của hệ thống các tổ chức đại diện của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân, hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập và liên kết hiệp hội DN; mở rộng hoạt động vận động chính trị trong giới doanh nhân; tập hợp và phản ánh nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của doanh nhân, tham mưu cho Ðảng và Nhà nước về các chính sách kinh tế - xã hội; thực hiện các biện pháp thúc đẩy phát triển DN, doanh nhân.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp phát triển đội ngũ doanh nhân. Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân; Thể chế hóa đường lối chính sách đối với doanh nhân của Ðảng bằng các chương trình hành động cụ thể; Tăng cường đại diện của doanh nhân trong cơ cấu của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Sáu là, bản thân mỗi chủ DN cần có ý thức nâng cao trình độ học vấn, các kiến thức chuyên ngành, kiến thức văn hóa, kinh tế, pháp luật và xã hội… Theo kết quả điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê: Các DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm tỷ trọng lớn nhất 98,1% (507,86 nghìn DN); trong đó DN vừa có gần 8,5 nghìn DN chiếm 1,6%; DN nhỏ là 114,1 nghìn DN chiếm 22% và DN siêu nhỏ là 385,3 nghìn DN, chiếm cao nhất với 74,4%. Như vậy, hiện nay, ở nước ta tỷ lệ các DN siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn nhất, các DN này đa phần đi lên các hộ kinh doanh cá thể hoặc xuất phát từ những ý tưởng kinh doanh của cá nhân các chủ DN. Doanh nhân - những người chủ DN hơn bất cứ ai trong DN cần có ý thức nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của DN mình, cần tìm hiểu những kiến thức mới, những ứng dụng khoa học kỹ thuật để cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí…

Doanh nhân cần chủ động trang bị đầy đủ các kiến thức về tài chính kế toán, quản trị DN, quản lý nhân sự, hiểu biết về kinh tế phát luật, văn hóa xã hội, văn hóa DN…; thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, trau dồi những kỹ năng cần thiết để có đủ sức “đứng vững” và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.       

Tài liệu tham khảo:

Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;

Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế, 2011, tr.33;

Vũ Tiến Lộc, Doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, http://bizlive.vn;

Hoàng Văn Hoa: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.246-255;

Klaus Schwab, World Economic Forum (2018), The Global Competitiveness Report.