Doanh nghiệp Nhà nước niêm yết, ngân sách sẽ có thêm 100 tỷ USD?

Theo Phương Dung/dantri.com.vn

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có góp ý về Dự thảo Luật Sửa đổi, Bổ sung một số Điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Ngân sách nhà nước sẽ có thêm 100 tỷ USD nếu các doanh nghiệp Nhà nước niêm yết. Nguồn: Dân trí
Ngân sách nhà nước sẽ có thêm 100 tỷ USD nếu các doanh nghiệp Nhà nước niêm yết. Nguồn: Dân trí

Theo VAFI, doanh nghiệp Nhà nước đổi mới theo hướng là doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước, phải niêm yết chứng khoán... sẽ giúp ngân sách Nhà nước thu được khoảng 100 tỷ USD trong 15 năm tới. Tuy nhiên, dự thảo Luật mang lại ít lợi ích cho nền kinh tế, cho cộng đồng doanh nghiệp và chưa giải quyết được những tồn tại trong đời sống quản trị doanh nghiệp.

"Mục tiêu soạn thảo Luật chưa rõ ràng hay chưa có những mục tiêu cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hay để cộng đồng doanh nghiệp được hưởng lợi ích to lớn từ việc làm Luật mới. Đồng thời, không tạo ra những tác động mạnh để giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp hay của nền kinh tế và những vấn đề tồn tại trong quản trị doanh nghiệp", VAFI đánh giá.

Bên cạnh đó, thủ tục thành lập doanh nghiệp phải đơn giản hơn nữa nhất là các doanh nghiệp liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng như phải kích thích sự phát triển của hệ thống các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đáng lưu ý, VAFI cho rằng, luật ra đời phải có những giải pháp mạnh mẽ để cải cách triệt để và toàn diện khối doanh nghiệp nhà nước. 

"Từ nhiều sự kiện như đã xảy ra tại Vinashin, Vinalines, Petro Vietnam… Chính phủ hầu như chưa có các giải pháp đủ mạnh để xóa bỏ tận gốc tình trạng quản lý yếu kém, tình trạng tham nhũng tràn lan trong khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)", văn bản nêu.

Đề xuất giải pháp, VAFI cho rằng, cần phải có những giải pháp quyết liệt để cải tổ DNNN. 

Theo đó, khái niệm DNNN phải đổi mới theo hướng DNNN phải là doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước, phải niêm yết chứng khoán, và thuộc Danh mục ngành nghề mà nhà nước cần nắm giữ chi phối.

Đồng thời, duy trì chỉ còn rất ít loại hình DNNN cần nhà nước nắm giữ 100% vốn. Tất cả DNNN khác, và doanh nghiệp có cổ phần nhà nước không thuộc đối tượng trên thì phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết chứng khoán.

Để ràng buộc trách nhiệm, theo VAFI, tất cả thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát của DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước mà không tuân thủ các quy định như trên thì tự động bị mất chức vụ mà không cần ý kiến quyết định của cấp có thẩm quyền.

"Nếu áp dụng đầy đủ và quyết liệt các giải pháp trên thì trong vòng 15 năm tới, ngân sách nhà nước sẽ thu được khoảng 100 tỷ USD, số tiền này vừa góp phần giảm mạnh nợ chính phủ đồng thời dư sức để VN phát triển hoàn chỉnh hệ thống giao thông hiện đại cho toàn quốc, phát triển được hệ thống đường sắt cao tốc Bắc Nam, hệ thống đường sắt nội đô tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh", VAFI kiến nghị.