Tăng cường minh bạch thông tin doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khoá IX khẳng định: “Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế vĩ mô...” Ðến nay, dù giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nhưng năng lực cạnh tranh và chất lượng doanh nghiệp nhà nước Việt Nam còn thấp.
Một trong những nguyên nhân tình trạng trên là do hoạt động minh bạch thông tin của các doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế. Bài viết phân tích thực trạng minh bạch thông tin doanh nghiệp nhà nước, từ đó đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường tính hiệu quả của hoạt động này.
Minh bạch thông tin của doanh nghiệp nhà nước chưa niêm yết
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình công bố thông tin (CBTT) của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong năm 2016, tính đến 31/12/2016, có 241/620 DN (chiếm 38,87% số DN) gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện CBTT trên Cổng thông tin DN tại địa chỉ http://www.business.gov.vn. Trong khoảng 380 DN còn lại chưa thực hiện CBTT, chủ yếu là các DN thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương. Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu, mới có 7 bộ, ngành, 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 6 tập đoàn kinh tế có chuyên mục riêng về CBTT theo quy định pháp luật.
Năm 2017, tính đến 31/12/2017, mới có 265/622 DN (chiếm 42,6% số DN) gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện CBTT trên Cổng thông tin DN. Trong tổng số 9 loại báo cáo phải thực hiện công bố theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ về CBTT của DNNN thì hầu hết các DN trong số 265 DN đã CBTT chưa thực hiện việc công bố đầy đủ (trung bình mỗi DN chỉ công bố khoảng 5/9 loại báo cáo).
Cũng tính đến cuối năm 2017, có 55/77 DN (chiếm 71,42%) là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoặc DN lớn thuộc các bộ, UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương đã thực hiện CBTT theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, hầu hết các DN chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu tại Nghị định này; chỉ có 2/5 tập đoàn kinh tế thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng hạn việc CBTT theo quy định.
Minh bạch thông tin của doanh nghiệp nhà nước niêm yết
Theo quy định, hàng năm DN niêm yết cũng như DN có vốn Nhà nước niêm yết phải tuân thủ theo đúng yêu cầu CBTT của Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về CBTT trên thị trường chứng khoán (TTCK). Năm 2016 và 2017, Cổng thông tin trực tuyến về tài chính và chứng khoán Vietstock đã tiến hành cuộc khảo sát về mức độ tuân thủ các quy định CBTT bắt buộc theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC kết quả cho thấy: Năm 2017, có 672 DN niêm yết đủ điều kiện tham gia khảo sát; Năm 2016, có 639 công ty đủ điều kiện tham gia khảo sát. Qua 2 năm, số lượng các DNNN đạt chuẩn CBTT đã tăng từ 14 DN lên 19 DN, tương ứng với tỷ trọng tăng từ 14% lên 19%. Năm 2017, xét theo nhóm ngành, nhóm ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ công cộng, dịch vụ tiêu dùng có tỷ trọng DNNN đạt chuẩn cao nhất. Nhóm ngành kém tuân thủ nhất là dầu khí và nguyên vật liệu.
Đánh giá về tình hình minh bạch thông tin của doanh nghiệp nhà nước
Hoạt động công bố thông tin của DNNN đã dần chuyển biến, bước đầu tạo ra sự minh bạch trong xã hội, là một công cụ hữu hiệu để Nhà nước giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các DN này. Tuy nhiên, hoạt động CBTT của DNNN hiện nay vẫn còn tồn tại hạn chế, như:
Thứ nhất, DNNN thực hiện CBTT còn mang tính hình thức. Thông tin công bố trong 9 báo cáo của DNNN có 100% vốn nhà nước còn chung chung, thiếu diễn giải, khó hiểu, thậm chí nội dung lặp đi lặp lại qua các năm.
Đối với các thông tin bất thường, về quản trị công ty, chế độ đãi ngộ, thù lao đối với hội đồng quản trị (HĐQT), ban điều hành, ban kiểm soát công ty, chi phí kiểm toán và phi kiểm toán… công bố một cách sơ sài trong các báo cáo và chậm so với yêu cầu.
Thứ hai, việc minh bạch thông tin tự nguyện chưa được thực hiện nghiêm túc. Phần lớn các DNNN đều chưa thực hiện minh bạch thông tin tự nguyện. Mặc dù nhóm DNNN niêm yết có kết quả khá hơn nhưng các thông tin mới chủ yếu tập trung vào giới thiệu chung về DN, sản phẩm và dịch vụ của DN.
Thứ ba, trách nhiệm CBTT chưa được chú trọng. Các DNNN chưa phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm, phân công nhiệm vụ của các cá nhân, bộ phận liên quan thông qua quy chế nội bộ về CBTT; chưa báo cáo đầy đủ, trung thực cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để giám sát, đôn đốc thực hiện CBTT; chưa gửi các thông tin về người đại diện theo đúng quy định pháp luật, người được ủy quyền thực hiện CBTT về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phối hợp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều, song tựu chung do một số hạn chế sau:
Một là, hiệu quả hoạt động kém của các DNNN là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến động lực minh bạch thông tin kém. Mặc dù có nhiều đóng góp cho nền kinh tế quốc dân. Nhưng so với nguồn lực nhà nước mà khối DN này đang nắm giữ thì chưa như kỳ vọng. Việc hiệu quả kinh doanh kém hơn hẳn các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các DN cổ phần niêm yết, tỷ lệ nợ lớn, nợ xấu, hiệu quả sử dụng tài sản cũng trì trệ dẫn đến bản thân các DNNN không có động lực CBTT ra bên ngoài.
Hai là, bản thân các DNNN chưa nhận thức đầy đủ vai trò của CBTT. Đa số các trường hợp không tự giác thực hiện nghĩa vụ CBTT kịp thời, trung thực là do tâm lý "phòng thủ" của DN đối với cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến thuế, quản lý thị trường…
Ba là, quản trị DNNN phần lớn chưa hiệu quả. Điều này trực tiếp dẫn đến ý thức về CBTT của DN còn hạn chế. Mục đích chính của quản trị công ty cần được xác định là để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và đảm bảo hài hòa giữa các nhóm lợi ích trong DN. Đặc biệt đối với các DNNN niêm yết, vấn đề giám sát thông tin của cổ đông chưa thật sự đạt hiệu quả thông qua đại hội đồng cổ đông. Quyền lợi của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số chưa được coi trọng đúng mức. Về địa vị pháp lý, đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyền cao nhất trong DN, quyết định những vấn đề quan trọng nhất của DN. Song trên thực tế, nhiều đại hội đồng cổ đông chưa chú trọng đến quyền lợi thực sự của các cổ đông như: quyền chất vấn, yêu cầu người quản trị công ty phải trả lời về những vấn đề mà mình quan tâm.
Bốn là, vấn đề chi phí và lợi ích của minh bạch hóa thông tin đối với các đối tượng CBTT trên thị trường. Chi phí ở đây có thể kể đến các chi phí trực tiếp và gián tiếp của DN như thiết lập một hệ thống thông tin DN hiệu quả, thành lập bộ phận chuyên trách về CBTT, thực hiện CBTT, tạo điều kiện để công chúng có thể tiếp cận dễ dàng các thông tin. Ngoài ra, còn có chi phí cơ hội khi để “rò rỉ” thông tin về chiến lược kinh doanh ra bên ngoài, rủi ro mất lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh vì công bố quá nhiều thông tin… Trong khi đó, các lợi ích của minh bạch thông tin như là việc tăng hiệu quả kinh doanh, khả năng huy động vốn, tăng giá cổ phiếu... trong điều kiện của Việt Nam lại chưa rõ nét. Khi công chúng chưa coi trọng và đánh giá cao những nỗ lực của các DN thực hiện CBTT tốt thì những lợi ích của minh bạch hóa thông tin chưa lấn át được chi phí và rủi ro mà các DN gặp phải khi minh bạch hóa thông tin. Do đó, các DNNN chưa có động lực để thực hiện minh bạch thông tin trên TTCK. Mặt khác, các chi phí liên quan đến việc xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về minh bạch thông tin lại không lớn hơn chi phí liên quan đến việc tuân thủ các quy định về CBTT nên nhiều DN chấp nhận nộp phạt để không phải thực hiện minh bạch hóa thông tin theo quy định.
Tính đến cuối năm 2017, có 55/77 DN (chiếm 71,42%) là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoặc DN lớn thuộc các bộ, UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, hầu hết các DN chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu tại Nghị định này.
Giải pháp tăng cường minh bạch thông tin của doanh nghiệp nhà nước
Để tăng cường minh bạch thông tin DNNN tại Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực quản trị DN, một trong những điều kiện đảm bảo minh bạch thông tin hiện đang còn nhiều hạn chế.
Thứ nhất, tăng cường hiệu quả kinh doanh của các DNNN.
Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, các DNNN cần chú trọng đến các nội dung sau:
- Tái cấu trúc lại các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, đánh giá lại hiệu quả của từng dự án, tránh đầu tư tràn lan, ngoài các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, không kiểm soát được hiệu quả.
- Tái cấu trúc thị trường: DNNN cần đánh giá lại thị trường và sản phẩm kinh doanh của mình để đưa ra; đồng thời, dự báo biến động của thị trường, chú trọng đến việc đổi mới chất lượng, bao bì, triển khai các chiến lược kinh doanh, marketing một cách chuyên nghiệp.
- Tối ưu hóa các nguồn lực sử dụng trong DN, bao gồm máy móc, tài sản cố định, năng lực của đội ngũ nhân viên, lực lượng lao động, rút ngắn các quy trình sản xuất, loại bỏ các lãng phí trong DN.
- Tái cơ cấu vốn DN, trong đó giảm dần tỷ lệ nợ tại các DNNN, giải quyết các tồn đọng về tài chính thông qua công ty mua bán nợ hoặc thị trường hóa các khoản nợ.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống quản trị công ty.
Nhiều nghiên cứu, chỉ ra rằng, minh bạch và CBTT là một trong 3 nội dung quan trọng nhất để tăng cường hiệu quả quản trị công ty (bên cạnh yếu tố trách nhiệm của HĐQT, đối xử công bằng đối với các cổ đông). Việc tăng cường hiệu quả quản trị công ty cũng chính là tăng cường minh bạch thông tin trong DNNN. Nhằm hoàn thiện hệ thống quản trị công ty trong DNNN, cần chú trọng vào các nội dung chính sau đây:
- Vai trò của thành viên HĐQT độc lập và cơ chế ra quyết định của HĐQT: Để đảm bảo sự cân bằng và tính hữu hiệu trong hoạt động của HĐQT, DNNN cần chú trọng đến sự tham gia của thành viên độc lập và cơ chế ra quyết định của HĐQT. Thành viên độc lập, cơ chế và quy trình ra quyết định của HĐQT rất quan trọng bởi nó có liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng như: Phê chuẩn kế hoạch chiến lược, phê chuẩn kế hoạch kinh doanh và tài chính của DN, những quyết định liên quan đến việc tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên, bầu chọn chủ tịch HĐQT, tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu, tái cơ cấu tổ chức... Do đó, một quy trình đề cử HĐQT minh bạch, được tổ chức chặt chẽ và dựa trên việc đánh giá một loạt các kỹ năng, năng lực và kinh nghiệm, đặc biệt ở các DN nơi Nhà nước sở hữu toàn bộ hoặc phần lớn cổ phần và có tham gia vào việc đề cử HĐQT là vô cùng cần thiết.
- Đảm bảo quyền của cổ đông: Mục tiêu trọng tâm của tái cấu trúc là đảm bảo DN có đủ cơ chế hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ. Cơ chế này có liên quan đến điều lệ và quy chế quản trị công ty của DN. Cơ chế khuyến khích cổ đông thực hiện các quyền của họ phải được thực hiện đầy đủ, đúng đắn và kịp thời.
Ngoài ra, cơ chế này cũng đòi hỏi HĐQT phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời cho các cơ quan đăng ký và tổ chức có thẩm quyền các thông tin về DN, đặc biệt là các thông tin liên quan tới quyền của cổ đông và đảm bảo rằng điều lệ công ty, các quy định và tài liệu nội bộ không quy định thêm các nghĩa vụ khác của cổ đông ngoài các nghĩa vụ đã được luật pháp quy định.
- Hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ: Một hệ thống kiểm soát hiệu lực và kiểm toán nội bộ có tính độc lập cao đảm bảo cho hiệu quả quản trị công ty, từ đó minh bạch trong quản trị và trách nhiệm giải trình trở thành một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của DN. Hệ thống kiểm soát nội bộ mạnh, đồng nghĩa các chỉ số đánh giá rủi ro thấp. Rủi ro thấp và quản trị công ty tốt, tạo sự tin tưởng cao hơn nơi các cổ đông, và giá trị DN cũng sẽ tăng cao trong mắt các nhà đầu tư, ngân hàng, khách hàng và nhà cung cấp.
Thứ ba, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhà quản lý DNNN đối với minh bạch thông tin.
Nhà quản lý DN là người trực tiếp điều hành hoạt động của DN nên họ nắm được các thông tin về hoạt động cũng như “sức khỏe tài chính” của DN. Tuy nhiên, chính vì nắm bắt được rất nhiều thông tin và chịu sự chi phối từ phía các cổ đông lớn và vì lợi ích cá nhân đã dẫn đến việc không ít nhà quản lý DN che giấu thông tin hoặc đưa thông tin sai lệch về DN để trục lợi. Để nhà quản lý thực hiện việc CBTT tốt trong DN, cần gắn kết lợi ích của họ với lợi ích của các cổ đông, đồng thời cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để các nhà quản lý hành động vì lợi ích của cổ đông.
Muốn thực hiện được điều này, quy trình tuyển dụng nhà quản lý đối với các DNNN cần chặt chẽ và đáp ứng các chuẩn quốc tế hơn nữa, trong đó nhà quản lý giỏi không chỉ có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, mạng lưới quan hệ mà còn có sự chính trực và tuân thủ pháp luật. Chỉ khi bản thân người lãnh đạo cao nhất của DNNN ý thức được tầm quan trọng của minh bạch thông tin, xây dựng văn hóa minh bạch thông tin trong DN và chủ động thực hiện CBTT ra công chúng thì khi đó, minh bạch thông tin sẽ trở thành vũ khí để DNNN có thể cạnh tranh với các DN khác và phát triển bền vững.
Thứ tư, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử và đạo đức DNNN.
Ở các tập đoàn nước ngoài, bộ quy tắc ứng xử đạo đức là một nét văn hóa DN. Hiện nay, ở Việt Nam, rất nhiều công ty cổ phần niêm yết, công ty đại chúng cũng đã ban hành quy tắc ứng xử và đạo đức của riêng mình để chuẩn hóa hành vi, thái độ của nhân viên, nhà quản lý trong DN. Thông thường, bộ quy tắc đó quy định các vấn đề về ứng xử trong DN. Chẳng hạn ứng xử của các thành viên HĐQT đối với cổ đông, với nhà đầu tư, với người lao động, ứng xử của nhân viên trong DN với khách hàng, đồng nghiệp, với cộng đồng... Quy tắc ứng xử cũng là căn cứ để xử lý khi có vi phạm. Như vậy, việc ban hành và thực hiện các quy tắc ứng xử và đạo đức trong DN sẽ góp phần tăng cường việc minh bạch hóa thông tin trong DN.
Thứ năm, phát triển hệ thống thông tin trong DN.
Phát triển hệ thống thông tin là nâng cao chất lượng thông tin và dung lượng thông tin của DN nhằm cung cấp cho nhà đầu tư và thị trường cái nhìn sâu sắc hơn về tình hình của DN. Trước hết, nâng cao chất lượng thông tin được thể hiện ở yếu tố đảm bảo tính chính xác của các số liệu được trình bày ở các báo cáo tài chính. Các số liệu phải phản ánh đúng tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh thực của DN. Đồng thời, các số liệu phải được thể hiện rõ ràng và dễ hiểu, giúp người đọc có thể nắm bắt được thực trạng của DN, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng thông tin; số liệu cần phải được kiểm toán để đảm báo tính đúng đắn, hợp lý, tăng khả năng tin cậy của người sử dụng.
Bên cạnh đó, nâng cao dung lượng thông tin được thể hiện ở yếu tố tăng cường các thông tin được trình bày trong các bảng báo cáo tài chính. Để tăng cường thông tin, cần quy định nội dung tối thiểu, tức là các khoản mục cần có trên các báo cáo tài chính. Nội dung tối thiểu cần được liệt kê và quy định rõ ràng đối với từng báo cáo tài chính cụ thể. Thông tin về DN phải được công bố rộng rãi ra bên ngoài để các đối tượng tham gia thị trường có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn
Ngoài ra, hệ thống thông tin của DN còn bao gồm các thông tin tức thời về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh – thương mại và các thông tin về cơ cấu tổ chức và điều hành hoạt động của DN, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của các cổ đông lớn, các thành viên chủ chốt, cổ đông sáng lập. Yếu tố kịp thời của thông tin rất quan trọng, nó bảo đảm giá trị hữu ích của thông tin đối với người sử dụng. Đối với các thông tin về cơ cấu tổ chức và điều hành hoạt động của DN, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của các cổ đông lớn, các thành viên chủ chốt, cổ đông sáng lập... phải được công khai, thể hiện đầy đủ trên bản cáo bạch và phải công bố khi có sự thay đổi theo quy định của pháp luật. Đồng thời, DN phải thực hiện tốt công tác bảo mật thông tin nhằm đảm bảo các thông tin trước khi được công bố đã được bảo mật, hạn chế tối đa số người tiếp xúc với thông tin nhằm tránh tình trạng rò rỉ thông tin và tình trạng sử dụng thông tin nội bộ tạo ra các giao dịch nội gián.
Mặt khác, DN cần chú trọng đến việc xây dựng chính sách CBTT trong DN và cơ chế xác định trách nhiệm cá nhân tham gia vào quá trình CBTT. Điều này không chỉ thiết lập một khuôn khổ CBTT bên trong DN mà còn nâng cao trách nhiệm, ý thức của những cá nhân tham gia truyền tin trong DN như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, phát ngôn viên DN, thư ký DN... Các DNNN cũng cần có kế hoạch phát triển hạ tầng công nghệ thông tin nhằm chủ động tham gia tích hợp vào cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời cung cấp những báo cáo tài chính với ngôn ngữ định dạng tiên tiến.