Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

TS. Nguyễn Ngọc Khánh - Đại học Mỏ địa chất

Ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nghị quyết này cho thấy, quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước về vai trò của kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Nghị quyết này được ban hành trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân sẽ là một trong những đối tượng chính tham gia, quyết định sự thành công khi nền kinh tế đất nước thực sự bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhận diện những rào cản và thách thức

Theo TS. Lê Tuấn Ngọc, ThS. Hoàng Thị Kim Oanh (2017), cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được đánh giá sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức.

Các ngành công nghiệp sáng tạo tăng trưởng mạnh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế so với các ngành sản xuất và dịch vụ truyền thống. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số (Bao gồm dữ liệu lớn - Big Data, Vạn vật kết nối internet - IoT, trí tuệ nhân tạo - AI); Công nghệ sinh học (Ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu); Lĩnh vực vật lý (Robot thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới…).

Mới đây, Hãng phân tích kinh tế Business Insider Intelligence đã đưa ra dự báo, đến năm 2020 nhiều ngành kinh tế cơ bản sẽ tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái IoT với tổng số tiền đầu tư cho các giải pháp IoT ước chừng 6 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, theo Công ty nghiên cứu Rand Europe (Anh), đến năm 2020, IoT sẽ đem lại doanh thu tiềm năng khổng lồ cho các ngành trên thế giới vào khoảng từ 1,4 - 14,4 nghìn tỷ USD - tương đương với mức GDP của cả Liên minh châu Âu.

Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá sẽ vượt ra khỏi quy mô công xưởng, doanh nghiệp (DN) khi vạn vật được kết nối bởi internet.

Cụ thể, không những tất cả máy móc thiết bị trong công xưởng được kết nối với nhau thông qua internet, rất nhiều cảm biến cũng đồng thời được lắp đặt để thu thập dữ liệu, từ đó giúp máy móc có thể “giao tiếp” với nhau mà không cần sự có mặt của con người, hay dây chuyền sản xuất sẽ được vận hành tự động một cách thích hợp ứng với lượng tồn kho.

Các DN sản xuất chi tiết cũng sẽ được kết nối với DN lắp ráp, DN vận chuyển, cửa hàng phân phối và tiêu thụ để thành một thể thống nhất. Quá trình sản xuất và thời hạn sản xuất được phối hợp với mục tiêu tăng hiệu suất và tối ưu hóa thời gian sản xuất, công suất và chất lượng sản phẩm trong các khâu phát triển, sản xuất, tiếp thị và thu mua.

Chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên đơn giản, hiệu quả hơn, khiến các chi phí thương mại sẽ giảm xuống, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cuộc cách mạng này cũng giúp làm tăng năng lực cạnh tranh của DN thông qua tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giảm chi phí; Khuyến khích đầu tư cho khoa học công nghệ và sản phẩm mới; Thúc đẩy thương mại điện tử và hình thành các mô hình kinh doanh mới, cải thiện hiệu quả và tạo ra các loại hình doanh thu mới…

Tuy nhiên, những hình dung về viễn cảnh thực sự của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 này để chuẩn bị và nhập cuộc không chỉ đặt ra những bài toán khó cho cơ quan quản lý nhà nước, mà cũng còn cả đối với cộng đồng DN, trong đó, có thể thấy rõ một số thách thức đối với khu vực DN tư nhân như sau:

- Hầu hết các DN chưa chuẩn bị sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0: Hiện tại, nhiều DN Việt Nam còn rất bị động với các xu thế mới, họ không hiểu bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0, không thấy được liên quan của các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, không sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng...

Một cuộc khảo sát về quan điểm đối với cách mạng công nghiệp 4.0 được Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội thực hiện mới đây với 2.000 hội viên chính thức thuộc Hiệp hội cho thấy, có 55% DN đánh giá cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết.

Tuy nhiên, về chiến lược, có đến 79% DN trong số này trả lời rằng họ chưa làm gì để đón sóng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; 55% DN cũng cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% DN đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% DN đang triển khai. Đối với các DN không quan tâm đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, 67% DN không thấy liên quan và ảnh hưởng nhiều đến DN; 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của DN không bị tác động nhiều; 76% DN cho rằng chưa hiểu rõ bản chất cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi đó, có đến 54% chưa có nhu cầu quan tâm.

- Bài toán hiệu quả từ lựa chọn đầu tư công nghệ: Đầu tư và ứng dụng công nghệ sẽ là yếu tố tiên quyết quyết định thành công trong cuộc Cách mạng 4.0. Tuy nhiên, trong làn sóng robot hóa, ngoài việc cẩn trọng trong chọn lựa đầu tư, DN còn phải hiểu và nhận thức thế mạnh riêng để có quyết định đúng đắn nhất, chứ không phải chạy theo xu hướng.

Các chuyên gia cho rằng, dù robot cần thiết cho DN sản xuất máy móc tinh vi, hay những dây chuyền cần tính chính xác, ổn định tuyệt đối, song cần có thêm thời gian thử nghiệm để tìm thấy ứng dụng tốt nhất trong toàn bộ dây chuyền sản xuất.

- Tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động trên thế giới và nguy cơ thất nghiệp: Nền kinh tế với trình độ tự động hóa cao và có tính sáng tạo, đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, bị thất nghiệp. Trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của Robot, dự báo số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay.

Như vậy, Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động trong bối cảnh lực lượng lao động lớn; lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ mất dần; nguy cơ tụt hậu xa hơn… Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh lao động Việt Nam đang trong tình trạng trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, năng suất lao động thấp, tay nghề và các kỹ năng mềm khác còn yếu...

Để vượt qua những khó khăn

Theo Nguyễn Thị Hải Bình (2017), cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo ra lợi thế cho những nước đi sau như Việt Nam, hình thành và phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp những nước đi trước trong khu vực và thế giới thông qua việc tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh vào sản xuất kinh doanh, quản lý những tiến bộ, thành tựu công nghệ (kể cả phương thức sản xuất, quản lý). Như vậy, Việt Nam có cơ hội lớn để tiếp cận và bước vào cuộc cách mạng sản xuất mới đang diễn ra trên thế giới.

Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân đặt ra mục tiêu chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60-65%. Bình quân giai đoạn 2016-2025, năng suất lao động tăng khoảng 4-5%/năm.

Phấn đấu nhiều DN tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Những mục tiêu này cũng cần gắn kết và đặt trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bởi dự báo viễn cảnh cuộc Cách mạng này sẽ không còn xa. Dự kiến, cuối năm nay, các cơ quan thuộc Chính phủ sẽ đánh giá lại tình hình, định hướng cuộc cách mạng này để có những tính toán kịp thời cho việc thích ứng với “cơn bão” tự động hóa. Trong bối cảnh đó, nhằm chủ động chuẩn bị trước cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cần chú ý một số vấn đề sau:

Về phía cơ quan quản lý

- Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hoá công nghệ…

- Ưu tiên phát triển các khu công nghệ cao, các vườn ươm công nghệ cao và các DN khoa học - công nghệ. Đẩy mạnh đầu tư, phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, đội ngũ các nhà khoa học. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ mới…

- Nhận diện những thế mạnh để có đối sách hợp lý. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư trong nước vào các lĩnh vực sản xuất và lắp ráp thiết bị, linh kiện kỹ thuật số phục vụ cho sự kết hợp kỹ thuật số vào các ngành công nghiệp, cho phép Việt Nam trực tiếp tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, cuộc cách mạng này có thể làm chuyển dịch xuất khẩu của Việt Nam thông qua phát triển sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp phụ trợ, góp phần tăng khả năng xuất khẩu sang thị trường quốc tế với giá trị gia tăng cao hơn…

Về phía DN

Để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các DN trong nước cần phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin. Cần quy trình hóa, số hóa được các hoạt động sản xuất, kinh doanh quan trọng của DN, tạo ra môi trường kết nối, an ninh, an toàn, từ đó mới áp dụng được các ứng dụng thông minh, tiện ích hơn của IoT, Cloud, Robot.

Các DN cần nghiên cứu các công nghệ tiên tiến của Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng chúng nhằm cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị. Trong tương lai, đổi mới về công nghệ sẽ tạo ra một phép màu cho dịch vụ cung ứng, cải thiện năng suất và hiệu suất về lâu dài. Các DN phải linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, tích hợp các công nghệ tiên tiến để giản tiện quy trình sản xuất, giảm thời gian giao hàng, rút ngắn vòng đời sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo khả năng quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh…

Phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của các DN công nghệ thông tin và viễn thông để hỗ trợ các DN trong nước chuyển đổi nhanh chóng để bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh việc cung cấp các giải pháp tổng thể về công nghệ thông tin và viễn thông, DN công nghệ thông tin cần đầu tư nghiên cứu các ứng dụng mới theo các xu thế tất yếu của công nghệ như: IoT, Cloud, AI, Big Data, xu thế bảo mật, xu thế thực tại ảo... Trong đó, mục tiêu cao nhất là nhằm giúp cho sức cạnh tranh của các DN Việt Nam được duy trì và phát triển bởi các hoạt động sản xuất kinh doanh tiết kiệm hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, chất lượng cao hơn, bảo vệ môi trường và an toàn hơn.         

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 6/2017;

2. ThS. Nguyễn Thị Hải Bình(2017), Chính sách tài chính trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 6/2017;

3. TS. Lê Tuấn Ngọc, ThS. Hoàng Thị Kim Oanh (2017), Nền công nghiệp 4.0 và thách thức đặt ra đối với lao động Việt Nam, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 6/2017;

4. Thanh Tâm, Hoài Sâm (2017), Doanh nghiệp và chiến lược “thích nghi 4.0”, Doanh nhân Sài Gòn;

5. Đình Anh (2017), Doanh nghiệp Việt còn bị động với xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, Báo điện tử Infonet.