Doanh nghiệp và bài toán chuyển đổi số

Theo Đỗ Quyên/daibieunhandan.vn

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chủ động có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số. Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, vừa được Chính phủ ban hành. Trong bối cảnh dịch Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp Việt Nam thì sự hỗ trợ từ phía Nhà nước nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số sẽ là đòn bẩy giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức.

Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp.Nguồn: ITN
Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp.Nguồn: ITN

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98%. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng tiêu cực. Doanh thu sụt giảm trên 50%; số lượng doanh nghiệp nhỏ tạm ngừng hoạt động vào khoảng 24%. Yêu cầu về việc ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu. 

Mặc dù vậy, số liệu khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) với các đơn vị chức năng của Việt Nam từ gần 2.700 doanh nghiệp liên quan đến chuyển đổi số cho thấy, có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc. Khoảng 47% doanh nghiệp khi được khảo sát coi chuyển đổi lên môi trường số là nhu cầu cấp thiết, tuy nhiên, còn lạ lẫm. Từ các khảo sát cho thấy, hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa biết phải bắt đầu chiến lược chuyển đổi số từ đâu dù biết đây là con đường phải đi.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần phải hiểu đúng về sự khác biệt giữa số hóa và chuyển đổi số. Nói như các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, số hóa là sử dụng công cụ kỹ thuật số để tự động hóa và cải thiện cách làm việc hiện tại mà không thực sự làm thay đổi bản chất của nó hay tạo ra luật chơi mới.

Còn chuyển đổi số là một quá trình từ "sâu thành bướm", biến đổi uyển chuyển từ một cách làm hiện tại sang cách làm hoàn toàn khác biệt, trong một số trường hợp thay thế hoàn toàn các bộ phận của doanh nghiệp và cách thức vận hành để thu được nhiều giá trị hơn so với kiểu kinh doanh quy mô nhỏ, đòn bẩy thấp. Nếu chỉ đầu tư vào công nghệ nhằm số hóa các chức năng và quá trình hiện tại thì không đủ để chuyển đổi thực sự một doanh nghiệp hay cả một ngành, bởi đây mới là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi mang tính cách mạng đối với các quá trình cạnh tranh then chốt của doanh nghiệp.

Sự kiện 200.000 tấn vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp là minh chứng cho thấy sự hỗ trợ đồng hành từ Chính phủ, các bộ, ngành cùng sự chung tay từ phía doanh nghiệp. Không chỉ chính thức phân phối trên cả 7 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc, hàng tấn vải thiều của tỉnh Bắc Giang lần đầu tiên được xuất khẩu sang châu Âu qua mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng của Việt Nam do Viettel Post thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vận hành và phát triển. Sự kiện này đã đánh dấu hiệu quả bước đầu của chuyển đổi số trong vấn đề tiêu thụ nông sản và phần nào cho thấy sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp, trên cơ sở định hướng, hỗ trợ từ phía nhà nước. 

Được biết, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số bằng các Nền tảng số xuất sắc Make in Vietnam, đồng thời đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ có 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với chương trình, trong đó, tối thiểu 30.000 doanh nghiệp sẽ được trải nghiệm miễn phí các nền tảng.

Song song với đó, nhằm tạo môi trường pháp lý để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số; Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang lấy ý kiến cho Dự thảo Báo cáo nghiên cứu đề xuất Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự thảo có quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đề xuất các cơ chế thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo đòn bẩy để doanh nghiệp khai thác hiệu quả, làm chủ công nghệ, giải quyết bài toán về chuyển đổi số.