Động lực tăng trưởng từ kinh tế số của Việt Nam

Theo Gia Bảo/ Báo Cần Thơ

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định 8 lĩnh vực ưu tiên cho chuyển đổi số, trong đó có ngành tài chính, y tế và giáo dục. Thực hiện chương trình này là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam, giai đoạn 2021-2030. Theo nhận định của các tổ chức trong và ngoài nước, Việt Nam có rất nhiều dư địa để thực hiện chuyển đổi số và cần tận dụng tốt các cơ hội để tạo sức mạnh cho nền kinh tế "hậu đại dịch COVID-19".

Tự động hóa một số khâu trong ngành may mặc sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Gia Bảo
Tự động hóa một số khâu trong ngành may mặc sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Gia Bảo

Nỗ lực phát triển kinh tế số

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, GDP chỉ tăng 2,6%, do ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, “nghẽn” đầu ra giao thương… Sang năm 2022, với những bước đi đột phá từ các chiến lược, chủ trương, định hướng phát triển, các tổ chức quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ, với tốc độ tăng 6,5-7% trong điều kiện được hỗ trợ từ sự phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới, dịch bệnh được kiểm soát tốt và nội lực phát triển nền kinh tế số quốc gia được củng cố.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giá trị nền kinh tế số của Việt Nam ước tính đạt 21 tỉ USD, tương đương với 6,1% GDP của Việt Nam vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 29% trong giai đoạn 2016-2021 và nhanh nhất trong ASEAN. Việt Nam cũng xếp hạng cao về số hóa trong bốn chỉ số toàn cầu phổ biến nhất, đó là: Chỉ số trí tuệ kỹ thuật số của Trường Fletcher, xếp hạng Việt Nam là một nền kinh tế “đột phá” với tốc độ phát triển nhanh chóng những tiến bộ kỹ thuật số, cùng với Thái Lan, Indonesia và Campuchia.

Chỉ số sẵn sàng kỹ thuật số toàn cầu của Cisco đã đưa Việt Nam vào giai đoạn “tăng tốc (cao)” (giai đoạn giữa của sự sẵn sàng kỹ thuật số), cùng với Trung Quốc, Ấn Ðộ, Thái Lan và Malaysia và xếp cao hơn Philippines, Indonesia, Campuchia và Lào. Chỉ số kết nối toàn cầu trong đó Việt Nam nằm trong nhóm “chấp nhận”, xếp thứ 55 trong số 79 quốc gia trên toàn cầu và thứ 5 trong ASEAN. Chỉ số chấp nhận kỹ thuật số và kết nối của Ngân hàng Thế giới,… đã xếp Việt Nam vào cùng nhóm với Thái Lan và Indonesia, đồng thời ghi nhận thành tích tốt của Việt Nam trong kết nối và tiến bộ trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số mới.

Còn theo báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, trong quý I/2022, ước tổng doanh thu kinh tế số đạt khoảng 53 tỉ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP. Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 2-2022 đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021.

Theo ADB, Việt Nam đã đạt được thành công bước đầu trong việc phát triển nền kinh tế kỹ thuật số trong 5 năm qua, bao gồm những cải cách pháp luật, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), nền tảng kỹ thuật số và an ninh mạng. Ðồng thời cả ba phân ngành tài chính - ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm đều đã áp dụng thành công các công nghệ kỹ thuật số mới trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, các chính sách khuyến khích và các quy định dành cho các công ty mới thành lập và các dịch vụ tài chính mới nổi,… dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng chưa từng có trong giai đoạn 2021-2025 và xa hơn nữa khi ngành này thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hòa nhập tài chính và tài chính xanh.

Cả Ngân hàng Thế giới và ADB đều dự báo rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới, bất chấp những bất định toàn cầu gia tăng. Một số yếu tố được kỳ vọng sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam, gồm: sự nhất quán của Chính phủ trong việc cải thiện thể chế (bao gồm cả bối cảnh thể chế kỹ thuật số), hội nhập quốc tế sâu rộng hơn khi tận dụng tốt tất cả các cơ hội từ 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, khu vực kinh tế tư nhân năng động hơn và sự gia tăng của tầng lớp trẻ hiểu biết về công nghệ, mang lại nhiều cơ hội cho thị trường lao động và người tiêu dùng trong nước.

Để tận dụng tốt các cơ hội

Các tổ chức quốc tế nhận định rằng, trong 10 năm tới, Việt Nam có nhiều cơ hội chuyển đổi số. Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 749/QÐ-TTg ngày 3/6/2020), mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% GDP và đến năm 2030, tỷ lệ này nâng lên mức 30%, đưa Việt Nam lọt vào tốp 30 quốc gia hàng đầu về Chỉ số đổi mới toàn cầu, Chỉ số phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT), Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu và Chỉ số An ninh mạng toàn cầu và trong tốp 50 quốc gia hàng đầu trong Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử và tăng năng suất lao động 8%/năm.

Theo ADB, 5 năm qua có thể nhìn thấy những bước phát triển trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ấn tượng của Việt Nam. Có thể kể đến động lực tăng trưởng từ một trong những ngành công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, là lĩnh vực CNTT-TT (nền kinh tế kỹ thuật số cốt lõi) đã đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 26,1% trong giai đoạn 2016-2021. Mở rộng thương mại điện tử đạt kết quả ấn tượng, quy mô thị trường thương mại điện tử ước tính đạt 13 tỉ USD, tương đương 3,4% GDP vào năm 2021, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 37,5%. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam có tỷ lệ thâm nhập mua sắm trực tuyến cao nhất với 70,8% trong quý III-2021. Có tới 60% doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển các nền tảng kinh doanh trực tuyến trong nước và quốc tế giữa doanh nghiệp với khách hàng và doanh nghiệp với doanh nghiệp…

Còn theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ các công ty sử dụng nền tảng kỹ thuật số, trang web thương mại điện tử, mạng xã hội trực tuyến và các ứng dụng chuyên biệt dành cho thiết bị di động tại Việt Nam đang tăng mạnh. Quá trình số hóa đang phát triển có thể được nhìn thấy trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ các lĩnh vực hàng đầu như ICT, thương mại điện tử và Fintech (công nghệ tài chính) cho đến các lĩnh vực công nghệ mới nổi như y tế và giáo dục. Việt Nam có hai trong số 12 công ty khởi nghiệp kỳ lân của ASEAN (các công ty có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên) - VNG và VNPay - các công ty công nghệ với các dịch vụ và sản phẩm hỗ trợ nền tảng đa dạng như trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính kỹ thuật số, Fintech và các công nghệ mới khác... Những nền tảng cơ sở này sẽ giúp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số và đạt các mục tiêu đề ra trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế cũng dự báo về những trở ngại liên quan đến số hóa  mà Việt Nam cần phải vượt qua. Ðó là mức độ nhận thức về chuyển đổi số và mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam vẫn thấp so với các quốc gia thành viên ASEAN. Khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chưa đầy đủ, thiếu kỹ năng kỹ thuật số (từ sử dụng máy tính cơ bản đến kỹ năng nâng cao) và hệ sinh thái đổi mới kém phát triển; đồng thời vẫn còn các rủi ro về quyền tài sản và an ninh mạng phức tạp. Vậy nên, Chính phủ có vai trò quan trọng và trực tiếp trong việc thiết lập chính sách tổng thể và khuôn khổ quy định cho điều hành, tạo điều kiện cho chuyển đổi số. Các bộ, cơ quan, địa phương liên quan phải phối hợp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về số hóa, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, hỗ trợ tài chính cho hoạt động số hóa và nuôi dưỡng khởi nghiệp, tận dụng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực số hóa.

Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, với hơn 50.000 doanh nghiệp CNTT, 955.000 nhân viên CNTT và 80.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT mỗi năm, Việt Nam đang ngày càng đạt được sức hút trong đầu tư công nghệ và khởi nghiệp. Tuy nhiên, lực lượng lao động của Việt Nam vẫn thiếu các kỹ năng cần thiết để khai thác triệt để nền kinh tế kỹ thuật số. Vì vậy cần phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao và nâng cao kỹ năng kỹ thuật số và kỹ năng mềm của người lao động để tận dụng đầy đủ các cơ hội số hóa.