Gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp

Viết Phương

Công tác phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa được như kỳ vọng. Do đó, cần tăng cường mối quan hệ gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa hai đối tượng này nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

Gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn: internet
Gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn: internet

Nhiều chuyển biến tích cực trong phối hợp giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp

Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về tăng cường hoạt động đào tạo gắn kết với doanh nghiệp. Các Nghị quyết Đại hội của Đảng đều đã xác định có cơ chế chính sách để gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, tăng cường sự quản lý của nhà nước về nhân lực và đào tạo nhân lực theo nhu cầu thị trường.

Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp là ”Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động trong nước và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tham gia xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên”

Trong những năm gần đây, gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã thực hiện nhiều nội dung như: tăng cường hợp tác với các nước để đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động; ký kết hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số tập đoàn kinh tế lớn trong việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong giải quyết việc làm.

Nhiều doanh nghiệp đã tự thành lập các cơ sở dạy nghề để đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình và cho xã hội. Đây là một mô hình gắn kết truyền thống giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề. Những cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp lớn, chủ yếu đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Điển hình như: Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore (Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore, Bình Dương), Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất (Khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi), Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải (Khu Phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, Quảng Nam)…

Sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề còn thể hiện ở nhiều hình thức khác như: trao đổi, cung cấp nguồn lực giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp; trao đổi thông tin giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp; hỗ trợ của doanh nghiệp với sinh viên học nghề; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp, đưa học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp. 

Ngoài ra, còn có các hình thức hợp tác như: tiếp nhận sinh viên, giáo viên dạy nghề giáo dục nghề nghiệp thăm quan tìm hiểu về doanh nghiệp, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp, mời chuyên gia doanh nghiệp về giảng dạy; doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên, tài trợ thiết bị dạy nghề đào tạo nghề cho nhà trường; hợp tác xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo; tham gia xây dựng chương trình đào tạo...

Hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp có thể coi là bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. Học sinh được tiếp xúc thực tế sản xuất tại doanh nghiệp nhiều hơn, kỹ năng nghề được nâng cao, có cơ hội việc làm tốt hơn.

Các cở sở đào tạo xây dựng được giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập gắn với thực tiễn, yêu cầu của xã hội. Các doanh nghiệp có được nguồn lao động bổ sung cho doanh nghiệp đúng với yêu cầu sản xuất, thời gian đào tạo cho người lao động mới khi vào làm việc tại doanh nghiệp được rút ngắn.

Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác dạy nghề

Thời gian qua, công tác gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng việc phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp vẫn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đạt như kỳ vọng.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ doanh nghiệp có đào tạo nghề cho lao động chiếm rất thấp (tỷ lệ chung là 36,29% và thấp nhất là các doanh nghiêp ngoài nhà nước 30,18%).

Điều 60 Bộ luật Lao động về trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chưa được doanh nghiệp thực hiện tốt. Trách nhiệm báo cáo kết quả đào tạo nghề nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong báo cáo hằng năm về lao động của doanh nghiệp cũng chưa được thực hiện đầy đủ.

Hình thức tiếp nhận học viên thực tập tại doanh nghiệp và của lao động của doanh nghiệp đến học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nhiều doanh nghiệp thực hiện hơn là các hình thức hợp tác khác. Tuy nhiên, chỉ có gần 5% số doanh nghiệp thực hiện và cao nhất là doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ có gần 14% số doanh nghiệp nhà nước thực hiện.

Việc doanh nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn nghề, chuẩn đầu ra, danh mục ngành/nghề đào tạo và xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tham gia đánh giá kết quả học tập của người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn rất hạn chế. Hơn nữa, mặc dù đã có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác dạy nghề, tuy nhiên theo khảo sát có rất nhiều doanh nghiệp không hề biết đến chính sách này.

Bên cạnh đó, chưa có các cơ chế, chính sách, phương pháp và công cụ để các cơ sở dạy nghề tổ chức theo dõi, thu thập thông tin về học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp cũng như tiếp nhận thông tin từ phía các doanh nghiệp để thay đổi phương pháp và nội dung đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động vẫn còn hạn chế.

Như vậy, để tăng cường hơn nữa sự tham gia sâu rộng về nhiều mặt của doanh nghiệp trong công tác giáo dục nghề nghiệp từ việc xây dựng tiêu chuẩn nghề, chuẩn đầu ra đến việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tiếp nhận học viên đến học tập, thực tập tại doanh nghiệp, đánh giá học viên tốt nghiệp, sử dụng học viên tốt nghiệp vào làm việc tại doanh nghiệp nhất thiết cần ban hành các chính sách khuyến khích, cũng như các chế tài thích hợp để doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo không còn là hai thực thể song song như hiện tại.