Hàng loạt hãng tàu biển ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga, doanh nghiệp Việt tính phương án nào?
Đi cùng lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, các hãng tàu biển lớn thế giới gồm MSC, Maersk Line, CMA CGM... đồng loạt thông báo tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga.
Thông báo trên có hiệu lực đối với các khu vực bao gồm Baltics, Biển Đen và Viễn Đông Nga.
Theo chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông, trong ngày 01/3, có rất nhiều hãng tàu biển như Maerks Line, MSC, CMA CGM …, đã đồng loạt dừng khai thác tuyến đi Nga tại các khu vực bao gồm Baltics, Biển Đen và Viễn Đông của Nga.
Đây là diễn biến mới liên quan đến lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, sau khi nước này thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" và tấn công Ukraine.
Với diễn biến trên, hàng hóa Việt Nam sẽ gần như không thể xuất khẩu sang Nga bằng đường biển.
Ba hãng tàu container lớn nhất thế giới đồng loạt ngừng vận chuyển hàng hóa đi và đến Nga
Maersk Line - hãng tàu container lớn nhất thế giới về quy mô đội tàu và năng lực vận chuyển hàng hóa, thuộc tập đoàn A.P Moller-Maersk của Đan Mạch, vận chuyển 1/5 lượng container lưu chuyển trên toàn cầu và đang điều hành các tuyến vận chuyển container đến St Petersburg, Kaliningrad tại biển Baltic, Novorossiysk tại biển Đen, và Vladivostok, Vostochny ở bờ biển phía Đông nước Nga.
Ngoài các tuyến vận tải chính là các tuyến Á-Âu và xuyên Đại Tây Dương, Maersk Line còn cung cấp phạm vi phủ sóng rộng rãi giữa Nam Mỹ và châu Âu cũng như đến châu Phi.
Ngày 01/3, tập đoàn Maersk Line đã thông báo tạm thời dừng tất cả hoạt động vận chuyển container đến và đi từ Nga.
Hãng tàu container lớn thứ hai thế giới có trụ sở chính tại Geneva (Thụy Sĩ) - MSC (Mediterranean Shipping Company) đang hoạt động trên hơn 200 đường biển vận chuyển thương mại, ghé qua hơn 315 cảng trên toàn cầu.
Trong một thông báo gửi tới khách hàng, hãng tàu container MSC cho biết, kể từ ngày 01/3, hãng sẽ “tạm thời ngừng vận chuyển tất cả hàng hóa đến và đi từ Nga.
Thông báo này có hiệu lực ngay đối với tất cả các cảng của Nga, tuy nhiên hai hãng tàu biển nói trên sẽ tiếp tục tiếp nhận và sàng lọc tất cả các đơn hàng vận chuyển thiết yếu như thực phẩm, thiết bị y tế và hàng viện trợ nhân đạo.
CMA CGM – hãng tàu vận chuyển container lớn nhất nước Pháp và là hãng vận tải container lớn thứ ba thế giới, đang cung cấp hơn 200 tuyến vận chuyển giữa 420 cảng tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới cũng ra thông báo tạm ngừng vận chuyển tất cả các hàng đến và đi từ Nga cho đến khi có thông báo mới với lý do quan ngại về an ninh.
Ngoài ngành vận tải biển thì ngành vận tải hàng không cũng bị ảnh hưởng mạnh, vì tiếp theo Canada và châu Âu thì mới đây chính quyền Mỹ đã tuyên bố chính thức đóng cửa không phận với Nga...
Có thể thay thế bằng phương thức vận tải đường sắt liên vận
Theo nhận định của một chuyên gia ngành Logistics, khi các hãng tàu container lớn trên thế giới đồng loạt thông báo không nhận hàng đến và đi từ Nga chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam với thị trường này, vì khi đó hàng hóa của Việt Nam sẽ không thể sang Nga và ngược lại bằng đường biển.
Tuy nhiên ảnh hưởng sẽ không lớn vì Nga nằm trong nhóm thị trường trung bình nhỏ của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Song, hàng hóa của Việt Nam vẫn có thể đến Nga bằng đường sắt, khởi hành từ ga Yên Viên (Gia Lâm) - Hà Nội theo tuyến liên vận nối vào mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc qua Kazakhstan để vào Nga; vì kể từ tháng 7/2021, Việt Nam đã bắt đầu khai thác tuyến đường sắt liên vận này.
Đó là vận chuyển hàng khô, còn đối với container lạnh như hàng thủy sản nếu vận chuyển bằng đường sắt sẽ có nhiều rủi ro; ở Việt Nam hiện chỉ có khoảng 18 container lạnh và chỉ đi quãng đường ngắn từ Việt Nam sang Trung Quốc, nếu sang Nga thì quá xa thì chắc chắn sẽ có vấn đề về chất lượng.
Những thuận lợi và thiệt hại mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi thị trường Nga bị cấm vận
“Việc các hãng tàu container lớn ngừng vận chuyển hàng hóa sang Nga sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu trên toàn cầu và tất nhiên Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, Nga không phải là đối tác lớn của Việt Nam nên mức độ ảnh hưởng không nhiều, và để tránh rủi ro các doanh nghiệp hoàn toàn có thể cân nhắc đến giải pháp thay thế thị trường Nga bằng một thị trường khác”, đại diện một doanh nghiệp và cũng là một chuyên gia Logistics nói với BizLIVE.
Vẫn theo vị chuyên gia này, cần xác định Nga không là đối tác thương mại lớn, nếu xét giữa thiệt hại và lợi ích đối với Việt Nam khi nước này bị cấm vận thì Việt Nam có lợi nhiều hơn hại.
Thứ nhất, Nga là thị trường xuất khẩu thép lớn bây giờ họ bị cấm vận thì Việt Nam sẽ xuất khẩu được nhiều thép hơn.
Thứ hai, Nga là nước xuất khẩu nhiều phân bón lớn và năm 2021 giá phân bón đã tăng cao, năm nay Nga lại bị cấm vận không xuất khẩu được sẽ là cơ hội để các nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ... sẽ thế chân Nga và gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư Việt Nam tại Nga và các nhà máy sản xuất chế biến của Việt Nam nằm trong lãnh thổ Nga thì bị ảnh hưởng.
Thứ ba, đối tác ở Nga cũng đang khó khăn do đồng Rúp bị mất giá, nếu phía Nga yêu cầu thanh toán bằng đồng Rúp họ sẽ bị lỗ, còn nếu ký hợp đồng theo giá USD sẽ rất khó vì giá USD ở Nga đang rất cao, và người dân nước này đang gặp khó khăn do chiến tranh.
Đó là những yếu tố mà doanh nghiệp xuất khẩu cần phải tính đến bên cạnh vấn đề logistic.
Nhìn chung, Nga chỉ là đối tác thương mại tầm trung về kim ngạch của Việt Nam nên tác động tiêu cực sẽ không nhiều, mà ngược lại sẽ có nhiều cái lợi cho Việt Nam. Nhưng nếu là thị trường Mỹ thì rất khác; nếu thị trường này có vấn đề sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam, vì Mỹ đang là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, đặc biệt quan trọng với hàng nông lâm thủy sản.