Không dễ lung lay vị thế trung tâm sản xuất của Việt Nam

Theo Thế Vinh/vnbusiness.vn

Vị thế trung tâm sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam sẽ không dễ lung lay xét về trung và dài hạn. Nhất là khi tác động của đại dịch COVID-19 đợt 4 dẫn đến ngưng trệ sản xuất chỉ là trong ngắn hạn và đang có những chuyển biến tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mới đây nhật báo Anh Independent có cho rằng do TP. Hồ Chí Minh, trung tâm xuất khẩu (XK) chính của Việt Nam, đang hạn chế đi lại do COVID-19, cho nên việc vận chuyển cà phê robusta từ Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều, trong khi đây là loại cà phê được dùng nhiều nhất để sản xuất cà phê hòa tan uống liền và một số nhãn hiệu cà phê espresso.

Xóa tan những hồ nghi

Theo nhật báo này, tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam gây thêm lo ngại cho các thị trường cà phê trên thế giới. Giá bán cho người tiêu dùng sẽ tăng trong những tháng tới, còn giá bán sỉ cà phê robusta đã tăng 50% trong năm nay.

Từ thông tin trên sẽ thấy vị thế của cà phê Việt trên chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu quan trọng như thế nào. Nhất là khi Việt Nam hiện là quốc gia XK cà phê đứng hàng thứ hai thế giới.

Ở Diễn đàn Kinh doanh quốc tế 2021 do Đại học RMIT tổ chức gần đây, giới chuyên gia quốc tế cũng nhìn nhận rằng cho dù đại dịch COVID-19 đem đến nhiều thách thức cho chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành cà phê, thì các nhà xuất khẩu của Việt Nam vẫn có thể thích ứng nhờ tìm tòi áp dụng những ý tưởng đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị cho hạt cà phê Việt Nam. 

Số liệu XK cà phê vào tháng 8/2021 vừa qua cũng minh chứng cho điều này. Theo đó, mặc cho tác động của COVID-19 thì giá XK bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 1.971 USD/tấn, tăng 2,6% so với tháng 7/2021 và tăng 7,1% so với tháng 8/2020. Và tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, giá XK bình quân cà phê ước đạt 1.071 USD/tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Như nhận định của TS. Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, ngành cà phê đã và sẽ tiếp tục là một ngành quan trọng trên bản đồ kinh doanh quốc tế của Việt Nam.

Nhìn từ những con số tích cực của XK cà phê sẽ phần nào xóa tan đi những bi quan, hồ nghi về vị thế của ngành nông lâm thủy sản Việt trên chuỗi cung ứng toàn cầu khi mà những gián đoạn do dịch COVID-19 đợt 4 gây ra chỉ là khoảng thời gian ngắn hạn. 

Còn về trung và dài hạn, nếu các nhà XK nông sản Việt tập trung vào giá trị gia tăng, biết tìm tòi áp dụng những ý tưởng đổi mới sáng tạo, thích ứng với tình hình mới giữa dịch bệnh thì vị thế của ngành nông sản Việt trên chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ càng vững chắc hơn.

Nêu ra vị thế của ngành nông sản cũng là để nhắc nhở đến các lĩnh vực XK chủ lực khác của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử... cũng cần củng cố vị thế trung tâm sản xuất của toàn cầu trong trung và dài hạn thay cho tình trạng ngưng trệ sản xuất trong ngắn hạn như hiện nay do dịch COVID-19 đợt 4.

Khó khăn chỉ là ngắn hạn

Điều này càng được ví von thấy rõ từ việc chỉ cần nhìn vào chiếc áo thi đấu bóng đá của ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo ở câu lạc bộ Manchester United (Vương quốc Anh) là thấy được vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào.

Bởi lẽ, như báo cáo mới đây được thể hiện từ ngân hàng HSBC cho thấy dù thu về 60 triệu USD từ việc bán áo đấu của Cristiano Ronaldo, câu lạc bộ Manchester United vẫn phải thông báo dời ngày giao hàng đến vài tháng vì các nhà máy của Adidas ở Việt Nam đang đóng cửa.

Rõ ràng, dịch bệnh diễn ra tại Việt Nam lại có thể làm gián đoạn chuyện bán áo đấu của cầu thủ siêu sao này. Nhưng, từ chuyện này lại thấy vị thế sản xuất của Việt Nam khi là quốc gia cung cấp gần 30% sản lượng toàn cầu của Adidas.

Tầm quan trọng về vị thế sản xuất của Việt Nam hiện đang được nhiều tờ báo lớn trên thế giới chia sẻ khi mà dịch COVID-19 đã gây ra những gián đoạn sản xuất đáng lo ngại lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Như trên tờ Financial Times của nước Anh, có cho rằng các nhà máy của những thương hiệu quốc tế lớn như Nike và Adidas ở Việt Nam trong thời điểm xảy ra dịch bệnh đã tạm ngưng hoạt động, gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, đến mức có người tiên đoán mùa Noel năm nay thế giới sẽ khan hiếm giày.

Còn theo ông Beth Timmins, nhà phân tích của hãng tin BBC, cách đây không lâu có cho biết, chừng một nửa số giày dép của Nike được sản xuất tại Việt Nam trong năm tài khóa vừa qua, nên hãng sẽ gặp nhiều thách thức trong chuỗi cung ứng.

Đặc biệt là Nike có hơn 450.000 nhân viên ở Việt Nam, và 80% là phụ nữ. Còn Puma, hãng giày dép của Đức có nhà máy ở Việt Nam, cũng có thể gặp phải những thách thức tương tự.

Chuyện lo lắng của các nhà quan sát quốc tế là đúng, nhưng đó là nguyên nhân khách quan khi dịch COVID-19 không loại trừ quốc gia nào, nên dẫn đến việc ngưng trệ sản xuất của các tập đoàn toàn cầu này ở Việt Nam là khó tránh khỏi. 

Nhưng qua đó cũng để thấy trách nhiệm lớn lao của Việt Nam khi việc khống chế dịch COVID-19 đang có những chuyển biến tích cực nhằm không để lung lay vị thế là trung tâm sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Ngay chính lãnh đạo các tập đoàn nước ngoài tại Việt cũng nhìn nhận điều này. Như khẳng định của ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, bất chấp tình cảnh hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19 gây ra.