Modern Diplomacy:

Việt Nam có khả năng thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu ở những ngành nhất định

Theo Khánh Linh/Modern Diplomacy/baoquocte.vn

Tận dụng tốt cơ hội hậu Covid-19, việc tái mở cửa ngành du lịch và khôi phục sản xuất công nghiệp cho thấy Việt Nam đã ngoạn mục vượt qua Covid-19 và sẵn sàng trở thành một trung tâm kinh tế mới ở châu Á, có khả năng thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu ở những ngành nhất định.

Việt Nam đã ngoạn mục vượt qua Covid-19 và sẵn sàng trở thành một trung tâm kinh tế mới ở châu Á. (Nguồn: Vietnam-briefing)
Việt Nam đã ngoạn mục vượt qua Covid-19 và sẵn sàng trở thành một trung tâm kinh tế mới ở châu Á. (Nguồn: Vietnam-briefing)

Bất chấp xu thế suy thoái toàn cầu, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 4 vừa qua dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7%, cao hơn đa số các nền kinh tế khác trong khu vực, trong khi lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát là 3%. IMF cũng cho rằng, năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7%, đồng nghĩa với việc hoàn toàn phục hồi sau Covid-19 nhờ nền tảng kinh tế ổn định và xuất khẩu tăng mạnh.

Forbes mới đây cũng đánh giá, “Việt Nam là một trong những điểm đến an toàn nhất trong thời Covid-19 do các biện pháp phòng dịch hiệu quả, chỉ với 355 ca nhiễm và 0 ca tử vong (cập nhật mới nhất)”.

Để thúc đẩy du lịch, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các biện pháp khuyến khích đầu tư và đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Quốc hội Việt Nam đang trao đổi về việc bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm 97% số doanh nghiệp Việt Nam, cũng như doanh nghiệp nhà nước. Điều kiện để các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi là phải chứng minh mình thực sự chịu thiệt hại trong năm 2020.

Việt Nam đang nhắm tới mục tiêu thu hút các tập đoàn toàn cầu dịch chuyển sản xuất sang quốc gia này sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực vào tháng 8 năm nay. Sau Singapore, Việt Nam là nước thứ hai ở Đông Nam Á có hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, tạo điều kiện cho 71% hàng hóa của nước này được nhập khẩu miễn thuế vào châu Âu. Đây thật sự là lợi thế cạnh tranh mới của ngành dệt may Việt Nam trước đối thủ Trung Quốc.

Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu gần 42 tỷ USD vào EU và kỳ vọng EVFTA sẽ đóng góp 2,4% vào tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cũng đang mong muốn đàm phán FTA với Mỹ.

Việt Nam đã mở cửa trở lại ngành du lịch. Khách trong nước đã được tự do đến các điểm du lịch, thực tế thể hiện Việt Nam đã thoát khỏi “bẫy Covid-19”. Du lịch Việt Nam đóng góp 9% GDP, trong đó 80% là du khách trong nước. Chuyên gia dự báo khi các đường bay quốc tế mở cửa trở lại, kết hợp với các gói khuyến mại, Việt Nam sẽ tranh thủ được cơ hội này, khi cả Thái Lan và Singapore vẫn chưa thể mở cửa trở lại do dịch bệnh.

Mặc dù vậy, một số ngành dịch vụ như cửa hàng nhỏ, nhà hàng, rạp chiếu phim và các điểm vui chơi giải trí khác vẫn chịu ảnh hưởng từ bệnh dịch. Cho tới khi và trừ khi cầu nội địa phục hồi hoàn toàn, một lượng lao động lớn vẫn sẽ có khả năng mất việc. Dự báo cho thấy gần 10,3 triệu lao động sẽ mất việc hoặc phải nhận mức lương thấp hơn. Các ngành giáo dục, đào tạo và hạ tầng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Việt Nam đã phê chuẩn gói kích thích kinh tế trị giá 2,66 tỷ USD, một trong những lĩnh vực ưu tiên là khuyến khích thương mại điện tử và marketing online, nhằm sử dụng các kênh phân phối này để tạo đầu ra cho khu vực sản xuất. Đào tạo từ xa cũng trở nên phổ biến hơn với các nền tảng học online và hội thảo trực tuyến. Lĩnh vực y tế cũng được dự báo sẽ “nở rộ” ứng dụng khám bệnh và kê đơn thuốc từ xa.

Trong trường hợp vaccine chống Covid-19 được sáng chế, Việt Nam có thể tranh thủ phát triển dây chuyền sản xuất giá rẻ. Vừa qua, Việt Nam đã ghi điểm với việc sản xuất thành công các bộ kit xét nghiệm Covid-19 và trang phục bảo hộ cá nhân (PPE). Việt Nam có thể nghiên cứu cơ hội sản xuất bộ kit giá rẻ thông qua liên doanh với cá các nước khác.

Trong giai đoạn hiện nay, cơ chế và hỗ trợ của Chính phủ, kết hợp với các hình thức ưu đãi thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thu hút đầu tư sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Vấn đề là Việt Nam có thể tranh thủ triệt để cơ hội và điều chỉnh chính sách để tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong thập niên tới hay không.