Khung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp


Năng lực đổi mới sáng tạo là giá trị cốt lõi và là chìa khóa để doanh nghiệp vươn đến thành công trong tương lai. Mục đích của nghiên cứu này là hệ thống hóa các cơ sở lý thuyết một số nghiên cứu thực nghiệm trong nước và trên thế giới về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Nhóm tác giả đã phỏng vấn sâu ý kiến của một số chuyên gia để hiệu chỉnh mô hình nghiên cứu cho phù hợp với các điều kiện kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Khung phân tích đề xuất với các nhóm yếu tố cụ thể là gợi ý cho các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp có thể có những nghiên cứu thực tiễn sâu hơn về chủ đề cũng như tham khảo và đưa ra các chính sách phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Schumpeter (1934) là người rất có ảnh hưởng trong lý thuyết về đổi mới sáng tạo. Ông cho rằng, phát triển kinh tế được thúc đẩy bởi đổi mới sáng tạo thông qua những quy trình mang tính động lực, trong đó các công nghệ mới dần dần thay thế những công nghệ cũ. Schumpeter phân chia đổi mới sáng tạo thành 2 loại: (i) Các đổi mới sáng tạo “cơ bản” tạo ra những thay đổi đột phá, (ii) Các đổi mới sáng tạo “từng bước” sẽ liên tục tác động tạo nên những thay đổi dần dần.

Rogers (2003) định nghĩa tính đổi mới sáng tạo là “Mức độ mà một cá nhân hoặc một đơn vị chấp nhận trong việc áp dụng các ý tưởng mới sớm hơn bất kỳ thành viên khác của hệ thống”. Dalia et al (2011) cho rằng, đổi mới sáng tạo là sự giới thiệu, đưa đến với thị trường một sản phẩm, quy trình kinh doanh, hoặc mô hình kinh doanh mới, bằng cách thương mại hoá hoặc tối ưu hóa hiệu quả những hoạt động, sản phẩm sẵn có và góp phần làm tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, khoản 16 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013 định nghĩa: Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Cơ sở lý thuyết và lược khảo nghiên cứu trước

Romijin & Albaladejo (2002) cho rằng, năng lực đổi mới sáng tạo là những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tiếp thu, tinh thông và cải tiến các công nghệ hiện có và tạo ra các công nghệ mới. Còn theo Chen (2009), năng lực đổi mới sáng tạo là năng lực của DN bắt nguồn từ các quy trình, hệ thống, cơ cấu tổ chức có thể được huy động vào các hoạt động đổi mới sản phẩm hoặc quy trình.

Như vậy, năng lực đổi mới sáng tạo đề cập đến các yếu tố về khả năng nguồn lực để tạo ra kết quả đổi mới sáng tạo. Các yếu tố này cũng được gọi là các yếu tố ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo.

Các yếu tố như quản trị của tổ chức (Avlonitits et al, 1994), tiếp thị (Erdil, 2004), sản xuất (Fell et al, 2003), nghiên cứu và phát triển (Hagedroom & Cloodt, 2003) và sự tương tác giữa các yếu tố này đều đóng góp vào sự đổi mới sáng tạo tổng thể của một doanh nghiệp (DN).

Chuang và các cộng sự (2010) đo lường sự đổi mới của DN thông qua các khả năng của thị trường, khả năng của tổ chức và khả năng nghiên cứu phát triển (R&D). Các tác giả lập luận rằng, bộ phận tiếp thị của một DN có trách nhiệm xác định nhu cầu và các vấn đề của người tiêu dùng, mà cuối cùng kết quả của bộ phận tiếp thị được chuyển sang cho nhóm R&D làm dữ liệu đầu vào.

Bộ phận R&D sử dụng những dữ liệu đầu vào này để đưa ra các sản phẩm có khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, bộ phận R&D và bộ phận tiếp thị liên quan trực tiếp đến sự phát triển của DN về vấn đề sáng kiến/sản phẩm mới (Artz et al, 2003; Erdil, 2004).

Khung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp - Ảnh 1

Griliches (1979) là người tiên phong trong việc ứng dụng mô hình kinh tế lượng để nghiên cứu tác động của mức chi cho hoạt động R&D đến năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Ông cho rằng năng lực đổi mới của DN phụ thuộc vào “vốn kỹ thuật”, nhưng vốn kỹ thuật của DN không phải tự nhiên mà có, nó là kết quả của 3 nhóm hoạt động chủ yếu gồm: (i) Chi tiêu cho R&D của DN; (ii) Hoạt động R&D của các trường đại học/cơ sở nghiên cứu; (iii) Hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ của các tổ chức khoa học.

Tại Việt Nam, Nguyễn Quốc Duy (2015) khi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến đổi mới sáng tạo và ảnh hưởng của đổi mới sáng tạo đến kết quả kinh doanh của các DN phần mềm đã chỉ ra các yếu tố có tác động dương và mạnh đến đổi mới sáng tạo là: (i) sáng tạo ý tưởng; (ii) mối quan hệ liên kết; (iii) nghiên cứu phát triển và tiến bộ công nghệ; (iv) mối quan hệ với hiệp hội chuyên gia; (v) chính sách hỗ trợ đổi mới.

Tóm lại, nhu cầu đổi mới sáng tạo là nhu cầu tự nhiên, nó có thể xuất hiện trong bất kỳ loại hình DN nào, xuất hiện cả bên trong và bên ngoài DN bất chấp việc lãnh đạo DN đó có nhận thức được hay có dành ngân sách cho các hoạt động R&D về công nghệ hay nhân sự hay không (Schumpeter, 1934).

Khung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp - Ảnh 2

Trên cơ sở kế thừa quan điểm này cùng các nghiên cứu trước và tổng hợp ý kiến của một số chuyên gia, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 8 nhóm yếu tố có ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của DN kinh doanh tại Việt Nam: (1) Nhóm yếu tố thể chế/Sự hỗ trợ của cơ quan quản lý; (2) Nhóm yếu tố đặc trưng của doanh nghiệp; (3) Nhóm yếu tố thái độ đổi mới của lãnh đạo doanh nghiệp; (4) Nhóm yếu tố năng lực hiện hữu về công nghệ và con người; (5) Nhóm yếu tố hiệu quả điều hành trong tổ chức; (6) Nhóm yếu tố môi trường kinh doanh; (7) Nhóm yếu tố mối quan hệ với đối tác; (8) Nhóm yếu tố khả năng tiếp cận các nguồn lực từ bên ngoài.

Phương pháp nghiên cứu

Các lý luận về đổi mới sáng tạo và kết luận của các nghiên cứu thực nghiệm trước đã chứng minh cho sự đa dạng về các yếu tố có ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Nhằm đưa ra khung phân tích các yếu tố tác động đến năng lực đổi mới sáng tạo của DN phù hợp với môi trường kinh doanh ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu ban đầu và trên cơ sở mô hình này, thảo luận nhóm với các chuyên gia. Thảo luận nhóm được thực hiện lần lượt với các chuyên gia trong suốt tháng 4/2018 tại TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo là nhu cầu hiện hữu của các DN, nhưng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những khoa học cơ bản luôn đòi hỏi một nguồn ngân sách lớn, trong khi các DN thì luôn đề cao mục tiêu lợi nhuận do vậy họ có xu hướng chỉ đầu tư cho công nghệ ứng dụng, những công nghệ đã có kết quả rõ ràng. Điều này hàm ý rất cần đến vai trò “bà đỡ” của các cơ quan quản lý nhà nước về DN. Do đó khi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của các DN của Việt Nam không thể bỏ qua yếu tố này.

Bên cạnh đó, sự khác nhau khá rõ trong nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo giữa các lãnh đạo DN trong nước và lãnh đạo DN nước ngoài cũng đã được lưu ý. Lãnh đạo DN nước ngoài luôn chào đón các ý tưởng mới với thái độ thân thiện, khuyến khích nhân viên phản ánh các khó khăn trong công việc mà họ đang gặp phải, dành ngân sách nhiều hơn cho nhân viên để cập nhật các kỹ thuật/công nghệ mới nhất.

Một điểm cần được quan tâm khác, thực tế đã chứng minh các ý tưởng đổi mới thường xuất hiện trên bàn làm việc của lãnh đạo và “chết” ngay tại đó. Do đó, thái độ đổi mới của lãnh đạo DN phải giữ vai trò quyết định trong các yếu tố có thể ảnh hưởng đến năng lực đổi mới sáng tạo của DN.

Ngoài ra, môi trường kinh doanh ở Việt Nam nói chung và trên thế giới trong những năm gần đây được ghi nhận là khá biến động, tuy nhiên, xu hướng chung là luôn tiến lên phía trước. Tiến bộ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tạo sức ép rất lớn lên các DN phải đổi mới công nghệ nhưng không phải DN nào cũng đủ nhân sự hay các nguồn lực tài chính cần thiết.

Nếu DN chần chừ đổi mới thì cũng gặp phải sức ép rất lớn từ phía khách hàng. Kinh nghiệm của các công ty thành công chính là sự chủ động tạo ra hoặc tham gia vào các chuỗi cung ứng. Nếu chuỗi cung ứng mà DN tham gia càng lớn thì DN càng có khả năng đổi mới thành công.

Các quan sát cho các thang đo trong mô hình nghiên cứu đề xuất của nhóm tác giả đã được một số tác giả trong nước và ngoài nước sử dụng. Nhóm tác giả xin lược khảo và đề xuất thang đo như Bảng 1.

Tóm lại, thông qua quá trình đổi mới sáng tạo, DN mới nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh nước ta đã, đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và đổi mới sáng tạo chưa bao giờ là dễ dàng thì việc người đứng đầu DN cần quyết liệt thay đổi tư duy quản trị, tái cấu trúc DN, duy trì văn hóa, động lực đổi mới; củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.   

Tài liệu tham khảo:

  1. Duy, N.Q. (2015). Đổi mới sáng tạo và các nhân tố tác động - Tổng kết cơ sở lý thuyết. Tạp chí Kinh tế & Phát triển, 221(2), 37-46;
  2. Avlonitis, A.J., Kouremenos, A., & Tzokas. N. (1994). Assessing the Innovativeness of Organizations and its Antecedents: Project Innovstrat. European Journal of Marketing, 28(11), 5-28;
  3. Calvo, J.L. (2000). Una caracterización de la Innovación tecnológica en los Sectores Manufactureros Espanoles. Economía Industrial, 331, 139-150;
  4. Chen, C.J. (2009), Technology commercialization, incubator and venture capital, and new venture performance. Journal of Business Research, 62(1), 93-103;
  5. Chuang, L.M., Liu, C.C., Tsai, W.C. and Huang, C.M. (2010). Towards an analytical framework of organizational innovation in the service industry. African Journal of Business Management , 4(5), 790-799;
  6. Dalia, G., Salah, T., Elrayyes, N. (2011). How to measure organization innovativeness ? An overview of Innovation measurement frameworks and innovation audit. Egypt technology innovation and entrepreneurship center.