Tỉnh Tiền Giang:

Kiểm soát chặt hoạt động thu mua nông sản

Theo Tuấn Lâm/Báo Ấp Bắc

Gần đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng liên quan đến người trên phương tiện (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) thu mua, vận chuyển hàng hóa, nông sản. Từ đó, Tiền Giang đang tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động này để đảm bảo công tác phòng, chống dịch nhưng hàng hóa vẫn lưu thông thông suốt.

Lực lượng chức năng kiểm tra người điều khiển phương tiện thu mua nông sản. Ảnh: Tuấn Lâm
Lực lượng chức năng kiểm tra người điều khiển phương tiện thu mua nông sản. Ảnh: Tuấn Lâm

Hàng loạt vi phạm

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết, thời gian qua, Sở GTVT Tiền Giang đã triển khai nhiều văn bản hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương để tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp thuận lợi trong vận chuyển, thu mua hàng hóa, nông sản trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong hoạt động trên đã phát sinh các ca nhiễm và ổ dịch trong cộng đồng liên quan đến người trên phương tiện vận chuyển. Cụ thể, người trên phương tiện vận chuyển tại Cảng cá Mỹ Tho (TP. Mỹ Tho); xã Bình Phục Nhứt, xã Tân Thuận Bình (huyện Chợ Gạo); xã Yên Luông (huyện Gò Công Tây); xã Đông Hòa (huyện Châu Thành); xã An Hữu (huyện Cái Bè)… sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả, hoặc có giấy xét nghiệm còn hạn nhưng qua kiểm tra lại dương tính với SARS-CoV-2.

Hay vào lúc 15 giờ ngày 4/9, tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, Tổ công tác tiến hành chặn dừng, kiểm tra xe ô tô tải mang biển kiểm soát 66H-125.70 do anh L.M.T. (sinh năm 1990, ngụ thị trấn Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) điều khiển đang lưu thông hướng TP. Hồ Chí Minh về Tiền Giang.

Qua công tác kiểm tra, anh T. có giấy test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2 nhưng đã hết hạn 2 ngày. Do đó, Tổ công tác yêu cầu anh T. đi xét nghiệm test nhanh tại Phòng khám Phước Thịnh Sài Gòn và kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Anh T. được Phòng khám Phước Thịnh Sài Gòn chuyển đến Bệnh viện Dã chiến tại Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang để tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp theo.

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, không chỉ giấy xét nghiệm hết hạn, lực lượng tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở các cửa ngõ của tỉnh vừa liên tục phát hiện gần 20 trường hợp tài xế sử dụng giấy test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-Cov2 tẩy xóa, sửa ngày nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Theo thông kê, tại 2 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở Tân Hương và Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, thời gian qua đã cho quay đầu xe không cho vào địa bàn gần 100 trường hợp, trên 2.000 trường hợp buộc cập nhật mã QR hết hạn.

Còn trên địa bàn huyện Châu Thành vừa mới xuất hiện các ổ dịch mới liên quan đến hoạt động thu mua nông sản. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phục Quang cho biết, trên địa bàn huyện vừa phát hiện ổ dịch liên quan vựa dừa Vân Hiền (ấp Tây B, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành) với 15 F0, đa phần là công nhân thu mua dừa, 65 F1 nằm rải rác các xã Nhị Bình, Long Hưng, Song Thuận, Bình Trưng, Bàn Long, Kim Sơn. Qua quá trình truy vết, địa phương xác định 2 nguồn lây, trong đó có một nguồn lây liên quan đến thương lái mua bán dừa ở TP. Hồ Chí Minh.

Tăng cường kiểm soát

Đồng chí Nguyễn Phục Quang cho biết, trước diễn biến trên, huyện Châu Thành đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường thực hiện các một số nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch đối với các điểm buôn bán tạp hóa, hàng hóa thiết yếu, vựa trái cây, vựa rau, củ, quả, cửa hàng Bách Hóa Xanh, chợ... và các phương tiện đến giao nhận hàng hóa, thu mua nông sản.

Theo đó, người chủ và những người trong hộ hoặc cơ sở buôn bán kinh doanh, tài xế, nhân viên, người làm công, phụ xe, người thu gom nông sản từ chốt kiểm soát phòng, chống dịch về cơ sở thu mua phải thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần từ ngày 6/9/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Đối với các phương tiện đến giao nhận hàng hóa, thu mua nông sản phải thực hiện giao dịch ngoài chốt kiểm soát phòng, chống dịch xã, cấp quy định theo khung giờ và số ngày giao dịch trong tuần đối với từng loại hình (mua bán nông sản, giao hàng hóa thiết yếu cho chợ, các điểm mua bán...) để thực hiện quản lý. Bên cạnh đó, tài xế và người đi chung không được xuống xe khi không có yêu cầu của cơ quan chức năng khi giao hàng và yêu cầu chủ cơ sở ghi lại cụ thể về thời gian, biển số xe, tên người, hàng hóa để quản lý phòng, chống dịch.

Riêng đối với các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển hàng hóa, tiến hành sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng quét mã QR trên Giấy nhận diện “luồng xanh” để kiểm tra nhanh các thông tin về phương tiện, người trên phương tiện, hiệu lực của giấy xét nghiệm COVID-19, hành trình vận chuyển và thực hiện theo đúng quy định.

Trường hợp sau khi quét mã QR phát hiện thông tin không đầy đủ, chính xác, lực lượng làm nhiệm vụ yêu cầu người trên phương tiện phải khai báo y tế đầy đủ thì phương tiện mới được lưu thông qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch dịch và yêu cầu người trên phương tiện tiếp tục tự cập nhật lại các thông tin trên phần mềm tại địa chỉ www.luongxanh.drvn.gov.vn hoặc ứng dụng “Luồng xanh”. Nếu phát hiện người trên phương tiện dương tính với SARS-CoV-2, lực lượng làm nhiệm vụ tổ chức cách ly theo quy định.

“Bên cạnh đó, các lực lượng liên ngành tuần tra, kiểm soát cần tổ chức các cuộc kiểm tra đối với các điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa (cảng, bến, kho, bãi, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất…) nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới” - Thượng tá Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm.

Đồng chí Trần Văn Bon cũng đã chỉ đạo các đơn vị tuần tra, kiểm soát tiến hành siết chặt người trên phương tiện thu mua, vận chuyển hàng hóa, nông sản từ tỉnh, thành phố khác khi đến tỉnh Tiền Giang. Theo đó, người trên phương tiện ngoài chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương như trước đây thì cần chủ động liên hệ nơi đến để bố trí, sắp xếp vị trí tập kết hàng hóa phù hợp.

Đồng thời, nếu người trên phương tiện có thời gian hoạt động trên 1 ngày phải đảm bảo “3 tại chỗ” trong suốt quá trình thu mua vận chuyển hàng hóa, nông sản tại khu vực đã đăng ký (không được thu mua rải rác của từng hộ dân riêng lẻ mà phải có điểm tập kết hàng hóa cố định). Đồng thời, yêu cầu tất cả người trên phương tiện phải thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 tại điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận, xếp dỡ hàng hóa.

Đối với phương tiện vận tải lưu thông nội tỉnh, người trên phương tiện khi thu mua, vận chuyển hàng hóa, nông sản phải đảm bảo có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 không quá 72 giờ; chỉ được lưu thông qua lại giữa các “vùng xanh” (vùng an toàn) với nhau, không được đi nơi khác ngoài khu vực hoặc điểm đã đăng ký đến.

Đối với trường hợp di chuyển từ vùng có nguy cơ cao hơn sang vùng có nguy cơ thấp hơn (trừ “vùng đỏ”) và ngược lại để thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản phải thực hiện đúng lộ trình di chuyển được xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi đi - nơi đến, phải chủ động liên hệ nơi đến để bố trí, sắp xếp nơi tập kết hàng hóa phù hợp.

Đối với các trường hợp di chuyển tại vùng nguy cơ rất cao (“vùng đỏ”) thì giao địa phương giám sát, hướng dẫn quy định cụ thể, tổ chức tạo điều kiện thuận lợi về lưu thông, vận chuyển, thu hoạch, thu mua, nơi giao nhận hàng hóa… giữa “vùng đỏ” với các vùng và ngược lại.

Ngoài ra, Sở GTVT Tiền Giang còn quy định đối với người trên phương tiện trên địa bàn tỉnh di chuyển khỏi địa bàn tỉnh sau đó quay về thì cơ sở phải đảm bảo địa điểm lưu trú tạm thời, không được rời khỏi địa điểm lưu trú tạm thời trong thời gian lưu trú, tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác tại khu vực lưu trú; trường hợp về nhà, phải ở phòng riêng biệt không tiếp xúc trực tiếp với mọi người xung quanh; trường hợp không tiếp tục tham gia vận chuyển, phải thực hiện theo quy định về phòng, chống dịch của địa phương nơi đang lưu trú. Các phương tiện vận chuyển không có đủ các điều kiện cho người lưu trú tạm thời thì được phép lưu trú ở ngay trên phương tiện.