Lừa đảo trong hoạt động thương mại quốc tế: Thực trạng và khuyến nghị

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2021

Xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở ra nhiều cơ hội giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Song song với đó cũng xuất hiện không ít tình trạng lừa đảo khiến DN Việt Nam bị thiệt hại nặng nề.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Để tránh bị lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế, các cơ quan chức năng khuyến cáo DN cần cẩn trọng hơn trong giao dịch với các doanh nghiệp và đối tác nước ngoài. Bài viết phân tích thực trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế, từ đó đưa ra một vài khuyến nghị trong thời gian tới.

Thực trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế

Trong hoạt động thương mại quốc tế (TMQT), tình trạng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản (hàng, tiền) của các đối tác, bạn hàng khá phổ biến. Theo thời gian, các hoạt động này diễn ra ngày càng tinh vi, bất chất nỗ lực ngăn chặn của cơ quan chức năng mỗi quốc gia và sự cẩn trọng của các doanh nghiệp (DN).

Đối với cộng đồng DN Việt Nam, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng trong nước và thương vụ nước ngoài liên tục cảnh báo về hiện tượng lừa đảo trong giao dịch TMQT mà không ít DN Việt Nam đã từng mắc phải. Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid 19, tình trạng lừa đảo trong giao dịch TMQT càng có xu hướng tăng lên với thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.

Khảo sát cho thấy, giai đoạn trước năm 2020, đối tượng gây ra các vụ lừa đảo đối với các DN Việt Nam chủ yếu đến từ châu Phi. Nhiều cảnh báo đã được các cơ quan tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài đưa ra và yêu cầu DN Việt Nam không nên giao dịch thương mại khi chưa rõ ràng thông tin đối tác, tránh bị lừa, nhận hàng nhưng không thanh toán...

Trong vài năm gần đây, tình trạng lừa đảo đã xảy ra phổ biến hơn ở những thị trường tiềm năng như: Hoa Kỳ, Canada, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất... Cụ thể, năm 2020, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York (Hoa Kỳ) phát đi cảnh báo về việc giao dịch thương mại của các DN Việt Nam với đối tác tại thị trường Hoa Kỳ. Theo cảnh báo của cơ quan này, đã có một số DN Việt Nam bị thiệt hại trong việc thực hiện hợp đồng thương mại với đối tác tại thị trường Hoa Kỳ, chủ yếu do bị lừa, hoặc đối tác phá sản, không có khả năng thanh toán.

Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) cũng cảnh báo đối với các hành vi lừa đảo, gian lận thương mại của một số DN có trụ sở tại quốc gia này. Cụ thể, trong năm 2020 khi xảy ra đại dịch Covid-19, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE liên tục tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp DN Việt Nam nhận được lời mời chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận từ một số DN có trụ sở tại UAE. Trong đó, một số hình thức lừa đảo phổ biến như: giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu...

Một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến trong giao dịch thương mại quốc tế

Theo Bộ Công Thương, trong vài năm trở lại đây, các thủ đoạn lừa đảo trong giao thương đã trở nên tinh vi hơn, với đa dạng thức như: Sử dụng tin tặc thâm nhập địa chỉ thư điện tử của hai bên DN đang có giao dịch để đánh cắp thông tin; giả mạo nội dung giao dịch nhằm yêu cầu chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của kẻ lừa đảo. Cụ thể, các đối tượng sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của hai bên DN đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán. Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì hack email (hoặc tạo 1 tài khoản email có địa chỉ gần giống tuyệt đối với email của bên bán) để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.

Lừa đảo trong hoạt động thương mại quốc tế: Thực trạng và khuyến nghị - Ảnh 1

Các Thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài cảnh báo và lưu ý một số dấu hiệu để DN Việt Nam có thể nhận biết và phòng tránh như: Việc đàm phán giá cả, hợp đồng diễn ra dễ dàng, nhanh chóng, ít đàm phán mặc cả, chấp nhận giá cao; bắt đặt cọc để nhận khoản tiền đầu tư hoặc làm các thủ tục giấy tờ tại nước ngoài; không cung cấp hoặc các giấy tờ cung cấp của nhiều pháp nhân khác nhau; mở L/C tại ngân hàng không uy tín của nước thứ ba... Ngoài ra, các đối tác này còn có biểu hiện không trung thực trong giao dịch nhập khẩu, đưa ra nhiều yêu sách đối với bên xuất khẩu và tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng đã ký kết. Thậm chí, có biểu hiện cấu kết với ngân hàng chi nhánh để lảng tránh nghĩa vụ thanh toán... Cũng có tình trạng khách hàng thông báo mở tài khoản tại một ngân hàng uy tín, nhưng tài khoản không hoạt động (không có tiền), hoặc cho địa chỉ của người nhận bộ chứng từ không phải cán bộ/nhân viên ngân hàng của người mua...

Nhiều nhà nhập khẩu châu Phi còn thường dùng thủ đoạn đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở thư tín dụng L/C với lý do năng lực tài chính có hạn, chi phí giao dịch cao. Một số DN ngoại còn dùng thủ đoạn nhập khẩu 1-2 lần đầu với số lượng ít, thanh toán đầy đủ để tạo niềm tin. Sau đó, DN đề nghị ký hợp đồng lớn và trở mặt với lý do chất lượng hàng không đảm bảo, đòi trả lại tiền, không hợp tác để xử lý lô hàng nhằm chờ thanh lý...

Bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy, không ít DN Việt Nam khi giao dịch kinh doanh với các đối tác nước ngoài còn bất cẩn, mất cảnh giác, không kiểm tra chéo, cũng như không trao đổi trực tiếp với đối tác. Do vậy, những kẻ lừa đảo lợi dụng sự bất cẩn của các DN Việt Nam trong giao dịch như: không thẩm định các thông tin về DN đối tác, không sử dụng các biện pháp liên lạc trực tiếp khác (như điện thoại, fax) để xác minh thông tin về tài khoản nhận tiền hàng...

Tình trạng không ít DN Việt Nam trở thành nạn nhân của lừa đảo kinh doanh TMQT bắt nguồn từ một số nguyên nhân cơ bản sau:

Một là, tâm lý chủ quan, hám lợi nhuận cao của DN Việt Nam. Theo cơ quan chức năng, mặc dù đã có các cảnh báo, lưu ý đối với các DN trong nước, song do tâm lý chủ quan, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế, nên nhiều DN vẫn thực hiện các giao dịch. Ngoài ra, do mong muốn bán được hàng nên DN thường giành cho đối tác lợi thế trong các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là điều khoản thanh toán (DA- chấp nhận thanh toán và nhận chứng từ). Thực tế cho thấy, khâu này hay bị đối tác lợi dụng để chậm trả tiền, hoặc có thể không thanh toán, vì họ chỉ cần xác nhận trả tiền là có bộ chứng từ để nhận hàng.

Hai là, tính chuyên nghiệp của DN Việt Nam còn hạn chế. Không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về DN đối tác, không có người của phía Việt Nam sang làm việc… để chuyển hàng không giá trị, không đúng hợp đồng, hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, trừ nợ hoặc đòi bồi thường…

Ba là, tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến việc đi lại, gặp gỡ làm việc trực tiếp hoặc kiểm tra hàng hóa… bị gián đoạn, chuyển hướng sang hình thức giao thương online nên vẫn có nhiều DN Việt Nam bị lừa, thiệt hại nặng nề trong giao dịch.

Bốn là, các DN Việt chưa nghiên cứu kỹ đối tác khi đặt quan hệ làm ăn, tìm đối tác qua internet nhưng chưa có khâu thăm dò, kiểm tra.

Đề xuất giải pháp

Để giúp DN tránh bị lừa, đảm bảo an toàn và tránh rủi ro trong giao dịch cần chú ý một số vấn đề sau:

Về phía cơ quan quản lý

- Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu và cảnh báo, công bố danh sách một số DN có dấu hiệu lừa đảo, có hiện tượng làm ăn phi pháp để giúp DN Việt Nam cẩn trọng trong giao dịch với các công ty này.

- Thường xuyên cập nhật, thông tin về các dấu hiệu, thủ đoạn lừa đảo của các DN nước ngoài để DN Việt Nam biết và phòng tránh.

- Hỗ trợ pháp lý đối với các DN trong nước trong các vụ kiện, điều tra; Phối hợp với các quan quản lý về an ninh kinh tế tại các quốc gia nước ngoài để ngăn chặn các DN lừa đảo.

Về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu

- Cần kiểm tra kỹ thông tin đối tác, trong giao dịch lần đầu nên làm thử với trị giá hợp đồng vừa phải. Chú trọng thực hiện việc xác minh, thẩm định đối tác, nhất là các đối tác mới giao dịch lần đầu, đề nghị cung cấp các giấy tờ liên quan như: giấy phép kinh doanh, ID của người chủ DN… Đặc biệt, lưu ý và kiểm tra kỹ độ tin cậy khi có đơn hỏi hàng hóa trả giá quá cao, hoặc quá thấp so với mặt bằng.

- Thường xuyên giữ mối liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam như Thương vụ tại nước sở tại nhằm xác minh độ tin cậy của đối tác, nhất là các DN không có tiếp xúc trực tiếp hoặc tìm kiếm qua internet.

- Nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín quốc tế, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Qua đó, có thể đảm bảo tính an toàn và hạn chế tối đa rủi ro trong giao dịch, thanh toán.

- Đối với khâu thanh toán, DN lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho DN. Đối với thanh toán D/P, DN Việt Nam cần đưa ra các mức % đặt cọc để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng (tốt nhất là 50% trở lên). Không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (Nhờ thu chấp nhận chứng từ) hay chuyển tiền bằng Western Union cho việc thanh toán.

- Trước khi thực hiện giao dịch nên dùng email chính thức thay vì sử dụng các dịch vụ miễn phí từ gmail, yahoo... để tránh bị giả mạo; đồng thời, cần chủ động yêu cầu đối tác sử dụng email chính thức trong trường hợp đối tác cung cấp email từ các dịch vụ miễn phí kể trên. Bên cạnh đó, DN cũng cần liên hệ trực tiếp với đối tác thông qua các đường khác như điện thoại hay fax chính thức, nhất là khi đối tác yêu cầu thanh toán vào tài khoản khác với tài khoản đã ghi trong hợp đồng ký kết.

- Cảnh giác trong giao dịch với những DN mới quen biết hoặc chưa có giao dịch làm ăn với nhau. Trước khi tiến hành các cam kết làm ăn hoặc chuyển tiền trả trước cho các DN dạng này, cần tiến hành một số bước để xác thực sơ bộ về công ty/đối tác nước ngoài.

-  Cần tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài. Việc thực hiện thẩm tra có thể thực hiện qua các nguồn tin công khai, mua dịch vụ từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra tín dụng, qua kênh của Hiệp hội tại các nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại nước nhập khẩu…

- DN cũng cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng nhằm tăng khả năng thu hồi công nợ thông qua ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ DN tìm hiểu đánh giá các thông tin về đối tác nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.

- Chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật về TMQT của đội ngũ nhân lực làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường của DN mình.        

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2017), Luật Quản lý ngoại thương;

2. Vân Ly (2020), Cảnh báo doanh nghiệp bị lừa đảo khi giao dịch trực tuyến với nước ngoài, Thời báo Kinh tế Sài Gòn;

3. Thy Lê (2021), 'Điểm mặt' thủ đoạn lừa đảo khi giao dịch với doanh nghiệp ở UAE, truy cập từ link: https://vnbusiness.vn/giao-thuong/diem-mat-thu-doan-lua-dao-khi-giao-dich-voi-doanh-nghiep-o-uae-1076927.html;

4. Mai Phương (2020), Cảnh giác lừa đảo trong giao dịch quốc tế mùa dịch Covid-19, Báo Thanh niện điện tử;

5. Bộ Công Thương (2017), Cảnh báo lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.