Mô hình chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp


Phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã và đang trở thành vấn đề thời sự.

Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn ít
Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn ít

Đặc biệt, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cùng với những yêu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị của nông sản phẩm đã tạo dựng những mối quan hệ giữa ngân hàng, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu... Nhiều doanh nghiệp đầu mối đầu tư triển khai các chuỗi liên kết giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại cho lĩnh vực này bước đầu được triển khai, nhưng cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản là một trong những giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của toàn ngành Nông nghiệp. Thời gian qua, một số mô hình chuỗi giá trị đã được hình thành và chứng minh hiệu quả rõ rệt.

Chuỗi giá trị giữa ngân hàng và Tập đoàn TH True Milk

Tập đoàn TH của Việt Nam được biết tới là nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu trong nước và vươn tầm quốc tế. Thành công của chuỗi giá trị giữa ngân hàng và doanh nghiệp TH True Milk cũng đã được khẳng định.

Ngày 31/1/2018, tại quận Volokolamsk, tỉnh Moscow của Nga đã diễn ra Lễ Khánh thành trang trại bò sữa sản lượng cao TH. Đây là trang trại bò sữa sản lượng cao đầu tiên của tập đoàn TH trong khuôn khổ Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao (từ công nghệ đang sử dụng tại Việt Nam của TH True Milk) và một số dự án về thực phẩm với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD tại Liên bang Nga (Hà Nguyễn, 2020).

Trước đó, Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Vị Xuyên, Hà Giang được giới thiệu là có sự tư vấn đầu tư bởi BacABank và vận hành bởi Công ty TNHH trang trại bò sữa công nghệ cao Hà Giang, thuộc tập đoàn TH, có tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng, cũng sử dụng công nghệ của nước ngoài (BacA Bank, 2020)

Hiện nay trong thực tế tồn tại nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị khác nhau. Bên cạnh các mô hình liên kết hoàn chỉnh, NHTM cho vay doanh nghiệp đầu mối để cung ứng vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm cho hộ nông dân liên kết thì vẫn tồn tại các mô hình liên kết mà doanh nghiệp chỉ cam kết thu mua sản phẩm cho người dân, do vậy cả doanh nghiệp đầu mối và các hộ dân tham gia đều phải vay vốn NHTM.

Dự án "Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao" được khởi công xây dựng từ năm 2009 tại Nghệ An, tới nay TH đã sở hữu trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao lớn nhất Châu Á với quy mô đàn bò 45.000 con; nhà máy chế biến sữa công suất giai đoạn 1 đạt 200.000 tấn/năm. Sản phẩm sữa mang thương hiệu TH true MILK của tập đoàn TH đã chiếm hơn 40% thị phần trong phân khúc sữa tươi thị trường Việt Nam. Công nghệ được mua trọn gói của Israel (BacA Bank, 2020).

Sự thành công của Tập đoàn TH phải khẳng định là phần nào có được nhờ mối liên hệ chặt chẽ của BacABank trong tài trợ vốn trong chuỗi liên kết giá trị. Tuy nhiên, vai trò của trường đại học, viện nghiên cứu khoa học, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của Việt Nam trong mô hình chuỗi liên kết giá trị này rất mờ nhạt, hầu hết các tiến bộ khoa học công nghệ là của nước ngoài.

Thương hiệu nông sản an toàn VinEco

VinEco là thương hiệu nông sản an toàn do Tập đoàn Vingroup thành lập. VinEco đã đầu tư 14 nông trường, 3.000 ha nông nghiệp công nghệ cao sau hơn 5 năm gia nhập thị trường này. Mô hình chuỗi giá trị của VinEco còn có sự tham gia của 1.000 hợp tác xã - hộ nông dân liên kết hợp tác, 2.000 tấn nông sản tiêu thụ mỗi tháng và hiệu ứng “VinEco” lan tỏa trên trị trường… Các nông trường được quy hoạch thiết kế một cách khoa học gồm: khu sản suất đồng ruộng, khu nhà kính, khu sơ chế, đóng gói tự động, khu bảo quản. Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất của VinEco lên đến gần 3.000 ha, trong đó đã đưa vào canh tác gần 1.000 ha (Hải Đăng, 2020)

Bên cạnh việc mở rộng về quy mô sản xuất, các nông trường VinEco còn tiên phong trong việc đưa công nghệ nông nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới vào Việt Nam. Điển hình là công nghệ trồng trọt của Kubota (Nhật Bản), công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa của Netafim (Israel), công nghệ sản xuất trong nhà màng của TAP, trồng cây thủy canh bằng kỹ thuật màng mỏng dinh dưỡng NFT, công nghệ trồng cây rau mầm Microgreen…

Chuỗi giá trị của Vinamilk

Năm 2006, Vinamilk là doanh nghiệp tiên phong phát triển trang trại bò sữa với quy mô công nghiệp hiện đại nhất lúc bấy giờ với số tiền đầu tư 500 tỷ đồng. Toàn bộ hệ thống trang trại được xây dựng khép kín, tự động hóa với giống bò được tuyển chọn kỹ lưỡng nhằm đem đến năng suất sữa cao nhất, qua đó giúp Vinamilk chủ động được 50% nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Tổng đàn bò của Vinamilk từ 3.000 con (năm 1991) tăng lên 120.000 con năm 2017 (tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk tham gia trong chuỗi giá trị), mỗi ngày cung cấp khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu (Vinamilk, 2020).

Với kế hoạch phát triển trang trại mới, công ty đưa tổng số đàn bò của Vinamilk từ các trang trại và của các nông hộ tham gia chuỗi giá trị liên kết lên khoảng 200.000 con vào cuối năm 2021. Sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2022 sẽ tăng lên gấp đôi so với 5 năm trước, đạt 1.000 - 1.200 tấn/ngày, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa phục vụ nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu. Với chiến lược này, nguồn cung sữa nguyên liệu trong nước sẽ tiếp tục tăng cao trong 5 năm tới: 2022-2025, góp phần làm giảm tỷ lệ phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vinamilk (2020)

Chuỗi liên kết của AGPPS tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 17/1/2014, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã ký hợp đồng tín dụng trị giá 70 triệu USD với Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam để tiếp tục phát triển mô hình Cánh đồng mẫu lớn. Trước đó, từ năm 2010, AGPPS đã bắt đầu thực hiện "Chuỗi sản xuất lúa gạo theo quy trình bền vững" thông qua mô hình Cánh đồng mẫu lớn, tạo ra chuỗi giá trị gắn liền từ sản xuất của hộ nông dân đến cung ứng và tiêu thụ của doanh nghiệp, nhưng đến năm 2014 mới có ngân hàng nước ngoài đầu tiên chính thức tham gia chuỗi giá trị liên kết với doanh nghiệp – hộ nông dân (AGPPS, 2020).

AGPPS đã xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng tiêu thụ lúa tươi với bà con nông dân. Nông dân được cung ứng giống, thuốc, phân bón với lãi suất 0% suốt vụ, được hỗ trợ miễn phí các khoản bao bì, vận chuyển, sấy và thu mua lúa theo giá thị trường. Nếu giá lúa chưa ưng ý, bà con có thể gửi trong kho 30 ngày không tính phí lưu kho và chờ đến khi giá lúa hợp ý để bán. Thông qua hợp đồng tín dụng triển khai từ đầu năm 2014, Standard Chartered Bank cung cấp một gói hỗ trợ tài chính với sản phẩm thiết kế riêng cho AGPPS. Số tiền tài trợ tín dụng không lớn nhưng những giá trị khác mà Standard Chartered đem lại cho AGPPS, tạo nên chuỗi giá trị giữa ngân hàng – doanh nghiệp và hộ nông dân.

Trong mô hình này, có thể thấy, vai trò của ngân hàng rất rõ nhưng không có sự xuất hiện của trường đại học hay viện nghiên cứu khoa học, trung tâm nghiên cứu khoa học, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nào của Việt Nam.

Khó khăn, vướng mắc trong triển khai chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Trong quá trình thực hiện triển khai chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, có một số khó khăn, cụ thể gồm:

Một là, các NHTM cũng như các doanh nghiệp đầu tư vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp có nhiều rủi ro nhưng thiếu cơ chế dự phòng xử lý rủi ro xảy ra, nhất là chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi.

Hai là, tài sản hình thành từ các dự án trên đất nông nghiệp phục vụ cho chính hoạt động sản xuất nông nghiệp (nhà kính, ao nuôi...) có giá trị đầu tư lớn nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng trong việc định giá và nhận thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Ba là, việc ký kết hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và người dân một số nơi còn lỏng lẻo và chưa có chế tài cụ thể để tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng của người dân và doanh nghiệp.

Bốn là, hiện nay, số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận còn ít. Trình tự, thủ tục xác nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được hướng dẫn cụ thể nên các địa phương còn lúng túng và các NHTM chưa có cơ sở để cho vay.

Năm là, hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học, trung tâm nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo chưa gắn với thực tiễn, chưa tạo lập được mối liên kết với các doanh nghiệp, hộ nông dân để hình thành nên chuỗi giá trị từ sản xuất, thu mua, chế biến đến tiêu thụ và xuất khẩu.

Một số khuyến nghị

Từ những ví dụ tiêu biểu nêu trên, để phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, những vấn đề cần lưu ý gồm:

Thứ nhất, đối với các mô hình liên kết chuỗi giá trị: Hiện nay trong thực tế tồn tại nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị khác nhau. Bên cạnh các mô hình liên kết hoàn chỉnh, NHTM cho vay doanh nghiệp đầu mối để cung ứng vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm cho hộ nông dân liên kết thì vẫn tồn tại các mô hình liên kết mà doanh nghiệp chỉ cam kết thu mua sản phẩm cho người dân, do vậy cả doanh nghiệp đầu mối và các hộ dân tham gia đều phải vay vốn NHTM. Trong nhiều trường hợp, đòi hỏi sự chủ động, mạnh dạn của các NHTM đứng ra làm đầu mối của chuỗi liên kết hoặc cần chấp nhận cho hộ dân vay vốn không có tài sản bảo đảm.

Thứ hai, về sự ràng buộc trách nhiệm của các bên trong hợp đồng liên kết: Các dự án được đưa vào chương trình thí điểm đều là các dự án điển hình tại địa phương, được UBND cấp tỉnh giới thiệu và trực tiếp chỉ đạo, giám sát vì vậy không phát sinh hiện tượng hộ dân và doanh nghiệp đơn phương phá vỡ hợp đồng liên kết khi có biến động giá sản phẩm. Tuy nhiên, trong thực tế thì việc phá vỡ cam kết là khá phổ biến, gây thiệt hại không nhỏ cho đối tác liên kết và cả ngân hàng cho vay. Vì vậy, cần nghiên cứu làm rõ trách nhiệm của các bên khi tham gia hợp đồng liên kết và vai trò của chính quyền các cấp, các hợp tác xã, các tổ chức chính trị xã hội… trong việc hỗ trợ các bên thực hiện các cam kết của mình.

Thứ ba, Các NHTM Việt Nam nên tham khảo cách làm của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) và Standard Chartered Bank Việt Nam; của BacABank với TH True Milk; hoạt động chuỗi liên kết giá trị của VinGroup và Vinamilk… mạnh dạn hình thành nên các chuỗi liên kết giá trị giữa ngân hàng-doanh nghiệp và người sản xuất, người nông dân.

Thứ tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm trong việc triển khai dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chính sách bảo hiểm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Thứ năm, UBND tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp những lợi ích thiết thực của việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất quy mô lớn nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Thứ sáu, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Khoa học và công nghệ, có chính sách và biện pháp cụ thể khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, theo hướng gắn với thực tiễn, gắn với nhu cầu của thị trường, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. AGPPS (2021), “Báo cáo Đại hội cổ đông năm 2020”, tài liệu lưu hành nội bộ, tháng 4/2021;

2. BacA Bank (2020), “Dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp (TH true MILK); Vinamilk (2017), “Vinamilk đầu tư nhiều trang trại bò sữa công nghệ cao”.

3. Hải Đăng (2017), “VinEco đã đầu tư 14 nông trường, 3.000 ha nông nghiệp công nghệ cao sau 2 năm gia nhập thị trường”;

4. Hà Nguyễn (2018), “TH khánh thành trang trại đầu tiên của dự án 2,7 tỷ USD ở Nga”.

Thông tin tác giả:

(*) TS. Nguyễn Xuân Huynh - Khoa Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2021