Một số vấn đề về chống chuyển giá của các doanh nghiệp FDI

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2019

Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nguồn vốn FDI trở thành một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, FDI cũng là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới mà đã đến lúc nước ta cần điều chỉnh và rà soát lại cho phù hợp.

Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nguồn: internet
Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nguồn: internet

Thành công và những thách thức mới trong thu hút FDI

Từ năm 1991 đến nay, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam; đóng góp ngày càng nhiều vào gia tăng giá trị sản lượng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu, nhập khẩu, GDP và tạo việc làm cho người lao động... Vốn FDI thực hiện trong giai đoạn 1991-2000 đạt 19,5 tỷ USD và tăng liên tục qua các năm.

Giai đoạn 2011-2016, vốn FDI thực hiện đạt 84 tỷ USD, bằng 4,5 lần giai đoạn 1991-2000 và bằng 1,4 lần giai đoạn 2001-2010. Lũy kế đến năm 2017, Việt Nam đã thu hút được 162 tỷ USD vốn FDI thực hiện. Đóng góp của khu vực doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài trong tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tăng từ 2% (năm 1992) lên 20% (năm 2016), tạo việc làm cho hàng triệu lao động và góp phần đưa mức thu nhập bình quân đầu người của nước ta lên gần 2.500 USD/1 năm như hiện nay.

Theo dự báo các chuyên gia kinh tế, xung lực thu hút FDI của Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục được duy trì nhờ những nỗ lực của Việt Nam kiên trì mở rộng hội nhập quốc tế, cam kết mạnh mẽ mở cửa thị trường, xóa bỏ các rào cản đầu tư, thương mại, thông qua những FTA thế hệ mới đã và bắt đầu có hiệu lực như CPTPP và EVFTA... Thêm nữa, công cuộc đổi mới của Việt Nam tiếp tục hướng vào cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, minh bạch hóa thủ tục hành chính, niềm tin của giới kinh doanh và nhà đầu tư ngày càng được củng cố nhờ các nỗ lực hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ kiến tạo.

Tuy nhiên, thực tiễn thu hút FDI trong hơn 30 năm qua cũng đặt ra nhiều vấn đề mà Việt Nam cần phải lưu tâm, đặc biệt trong bối cảnh chiến lược thu hút vốn FDI thế hệ mới đang được xây dựng nhằm đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước. Công tác quản lý đối với các DN FDI ở nước ta đang đứng trước những thách thức mới, cụ thể như:

- Về lĩnh vực đầu tư: Quá trình thu hút FDI đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Vốn vẫn đổ nhiều vào lĩnh vực thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là tình trạng chuyển giá, trốn thuế. Lĩnh vực nông nghiệp và vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn thiếu vắng các dự án FDI.

- Về thu hút công nghệ cao, công nghệ hiện đại: Trong số các DN FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ có 5% là công nghệ cao, 80% là công nghệ trung bình, 15% là sử dụng công nghệ thấp và công nghệ đã lạc hậu.

- Về phát triển công nghiệp phụ trợ và tăng tỷ lệ nội địa hóa: Mặc dù Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô lên 30% - 40%, nhưng thực tế chỉ đạt dưới 10%;  linh kiện, phụ kiện cho lắp ráp ô tô chủ yếu là nhập khẩu vì không có cơ sở công nghiệp phụ trợ ở trong nước.

- Về chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và sự lan tỏa từ các DN FDI ra toàn ngành và nền kinh tế: Một số DN nhà nước liên doanh với các DN FDI với mong muốn được tăng thêm tiềm lực về vốn, công nghệ, cơ chế quản lý mới để phát triển và bên Việt Nam được cùng tham gia vào quản lý DN, qua đó học tập, tiếp thu, nhận chuyển giao về bí quyết kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nhưng đến nay, hầu hết các DN liên doanh đều đã trở thành DN 100% vốn nước ngoài, với các hoạt động và quy trình quản lý khép kín.

- Về đóng góp cho ngân sách nhà nước: Mặc dù, chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu và chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp, nhưng khu vực DN FDI chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 15% - 19%, thấp nhất trong ba khu vực kinh tế (DNNN, tư nhân và FDI). Đáng chú ý là trong giai đoạn 2011-2015 có đến 50% số DN FDI kê khai lỗ, nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo số liệu từ Tổ chức Oxfarm, mỗi năm các quốc gia nghèo đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thất thu thuế khoảng 170 tỷ USD do chuyển giá. Có khoảng 80% khoản thu của DN “ngoại” được nộp về chính quốc, chỉ có khoảng 20% thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN (TNDN) của nước sở tại. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thực hiện dưới 3 hình thức (đăng ký mới, tăng thêm vốn trong các DN FDI đang hoạt động và góp vốn mua cổ phần).

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ sắp xếp 240 DN nhà nước, trong đó cổ phần hóa 137 DN. Các DN được cổ phần hóa và thoái vốn trong thời gian tới đa số là những DN có vị thế đầu ngành, kinh doanh có hiệu quả, có nhiều yếu tố thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư như: Thương hiệu, thị trường, vị trí đất đai, bề dầy lịch sử hoạt động.

Giải pháp chống chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI

Trước thực trạng về thu hút vốn FDI thời kỳ mới, đã có nhiều giải pháp được đề xuất như: Cần thay đổi về tư duy trong thu hút FDI, thay vì thu hút bằng mọi giá; cần tập trung vào thu hút có chọn lọc, hướng vào những dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sức lan tỏa trong nền kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ các dự án ngay từ khi xét duyệt cho đầu tư; tăng cường kết nối các DN FDI với các DN trong nước; tăng cường giám định về công nghệ đầu tư và thẩm định giá đối với các tài sản nhập khẩu để góp vốn...

Cùng với đó, tập trung triển khai các nội dung trọng tâm sau: Xét về bản chất kinh tế, chuyển giá là một thuật ngữ quốc tế phản ánh cách tính giá có thể cao hơn, hoặc thấp hơn giá thị trường trong các giao dịch kinh tế thuộc nội bộ giữa các bên trong cùng một tập đoàn, một tổng công ty đa quốc gia, nhằm đạt được nhiều mục tiêu khác nhau của nhà đầu tư, trong đó có mục tiêu chủ yếu và xuyên suốt là tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp, tối đa hóa lợi nhuận của cả tập đoàn, của cả tổng công ty.

Một số thủ thuật mà các nhà đầu tư nước ngoài thường sử dụng như:

Trước hết là thủ thuật nâng giá tài sản cố định (TSCĐ) khi góp vốn đầu tư. Theo đó, các DN đa quốc gia thường tính giá cao hơn so với giá thị trường cho những máy móc, thiết bị nhập khẩu để góp vốn đầu tư ở Việt Nam. Ví dụ: Năm 2003, Việt Nam có thuê Công ty Thẩm định giá quốc tế của Thụy Sĩ (SGS) thẩm định lại giá TSCĐ góp vốn của 13 DN liên doanh tại Việt Nam. Kết quả xác định các nhà đầu tư nước ngoài đã tính giá TSCĐ để góp vốn cao hơn thực tế lên tới trên 10 tỷ USD. Một cuộc điều tra khác của Bộ Công Thương thực hiện năm 1997 đối với 40 liên doanh đang hoạt động ở Việt Nam. Kết quả xác định bên nước ngoài đã tính giá TSCĐ để góp vốn vào liên doanh cao hơn thực tế lên tới trên 50 tỷ USD...

Bằng việc tính giá TSCĐ cao hơn thực tế khi góp vốn liên doanh như các trường hợp ở trên, nhà đầu tư nước ngoài thu được nhiều lợi ích và đạt được nhiều mục tiêu trong phát triển sản xuất kinh doanh của họ. Trước hết, việc tính giá TSCĐ cao hơn thực tế khi góp vốn liên doanh, bên nước ngoài sẽ nhanh chóng thu hồi được số vốn góp thông qua việc khấu hao TSCĐ hàng năm. Thứ hai là với số vốn góp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn của liên doanh, bên nước ngoài sẽ nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong liên doanh để dễ quyết định việc tính giá trong DN. Thứ ba là với số vốn lớn góp vào liên doanh, nên theo nguyên tắc phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp, bên nước ngoài sẽ được chia lợi nhuận nhiều hơn.

Thứ tư là khi tỷ trọng vốn góp của bên nước ngoài tăng lên cao hơn, họ sẽ yêu cầu bên Việt Nam phải góp bổ sung vốn cho tương xứng như đã thỏa thuận khi thành lập liên doanh. Thứ năm là từ việc tính giá TSCĐ góp vốn cao hơn thực tế, nên số khấu hao TSCĐ cũng tăng lên tương ứng làm tăng giá thành sản phẩm dẫn đến giảm lãi hoặc bị lỗ, do đó DN nộp ít hoặc không phải nộp thuế TNDN ở Việt Nam. Số thuế TNDN mà Việt Nam không thu được do DN khai “lỗ” sẽ biến thành lợi nhuận chuyển ra nước ngoài của các DN FDI ở Việt Nam.

Tương tự, việc tính giá TSCĐ cao hơn thực tế khi góp vốn đầu tư vào liên doanh như nói trên, các DN liên doanh còn có các thủ thuật khác để chuyển giá như nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất của DN điển hình như Công ty Bia Việt Nam khai giá nhập khẩu man và hoa bublong cao hơn 10 lần so với giá nhập khẩu nguyên liệu này ở nhà máy bia Sài Gòn. Giá đầu vào cho sản xuất thì tính cao nhưng DN lại tính giá bán sản phẩm thấp cho các công ty liên kết trong cùng một tập đoàn dẫn đến DN kê khai lỗ và không nộp thuế TNDN ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các DN FDI còn chuyển giá thông qua hình thức chuyển giao tài sản vô hình, thường là công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, nhãn mác, kỹ thuật quản lý, điều hành và quản trị DN... Các chi phí này thường chiếm một khoản rất lớn trong tổng chi phí của DN nên gây lỗ cho DN. Tài sản vô hình thường là tài sản độc quyền của chủ sở hữu bên nước ngoài nên bên Việt Nam rất khó thẩm định được giá theo nguyên tắc thị trường. Các DN FDI còn thực hiện chuyển giá thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ từ công ty mẹ ở nước ngoài. Các dịch vụ được cung cấp với giá rất cao, thường là sửa chữa máy móc thiết bị, bảo dưỡng, đào tạo công nhân kỹ thuật, hỗ trợ tìm kiếm khách hàng, môi giới...

Vậy chống chuyển giá là gì? Có thể hiểu chống chuyển giá trong quản lý thuế đối với các DN FDI là hoạt động của cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan có liên quan sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ và các thông tin về giá cả thị trường để đấu tranh đưa giá giao dịch liên kết về sát với giá giao dịch độc lập nhằm hạn chế thất thu thuế của Nhà nước.

Chuyển giá và chống chuyển giá đã trở thành vấn đề toàn cầu, các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ chống chuyển giá Việt Nam, đang được thừa hưởng các kết quả nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới, trong đó tiêu biểu là các biện pháp có tính phổ quát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và của Mỹ. Nhiều biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ về chống chuyển giá đã được xuất bản thành sách và thường xuyên được bổ sung hoàn thiện để phổ biến cho các nước tham khảo, vận dụng. Ở Việt Nam, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, trong đó có vận dụng các phương pháp, các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ về chống chuyển giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và của Mỹ.

Một số phương pháp cơ bản đã được đưa vào Nghị định số 20/2017/NĐ-CP như: So sánh giá giao dịch liên kết với giá giao dịch độc lập; so sánh tỷ suất lợi nhuận giữa các DN; phương pháp phân bổ lợi nhuận giữa các bên liên kết; phương pháp phân tích giao dịch cung cấp dịch vụ giữa các bên liên kết; áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá... Tuy nhiên, để thực hiện được những phương pháp này và nhất là mức độ về kết quả đạt được đến đâu còn tùy thuộc vào số lượng và chất lượng của những thông tin về giá cả thị trường, thông tin về hoạt động của các DN mà cơ quan thuế có được.

Rõ ràng trong quản lý, thông tin về đối tượng quản lý là quan trọng nhất, vì không hiểu biết về đối tượng quản lý thì không thể quản lý được. Có thể ví các phương pháp, biện pháp quản lý như máy móc thiết bị, còn các thông tin về giá cả thị trường, thông tin về hoạt động của DN như là nguyên vật liệu; có máy móc thiết bị hiện đại nhưng thiếu nguyên vật liệu phù họp thì không thể sản xuất ra sản phẩm được. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP cũng quy định về cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định, quản lý giá giao dịch liên kết. Tuy nhiên, từ quy định đến thực hiện và để có được cơ sở dữ liệu đầy đủ và tin cậy là việc làm khó khăn, phức tạp mà không phải nước nào cũng có thể thực hiện được một cách trọn vẹn và nhanh chóng.          

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Quang Thái (2017), “Phân tích GDP và sự phát triển bền vững về môi trường”, Tạp chí Kinh tế - Tài chính Việt Nam, số 2 tháng 4/2017, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính;

2. Diệu Linh (2017), “FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam nhờ FTA”, Thông tin Tài chính, số 7 tháng 4/2017, NIF;

3. Hoài An (2017), “Các nước đang phát triển có thể bị mất 100 tỷ USD tiền thuế mỗi năm”, Thông tin Tài chính, số 15/8/2017, NIF;

4. Việt Cường (2017), “Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Hướng đến vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Thông tin Tài chính, số 20 tháng 10/2017, NIF ;

5. Anh Thi (2017), “Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh: Chất lượng cần được chú trọng hơn”, Thông tin Tài chính, số 22 tháng 11/2017, NIF;

6. Vũ Nhữ Thăng (2017), “Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận: Thách thức toàn cầu và những khuyến nghị đối với Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế - Tài chính Việt nam, số 6 tháng 12/2017, NIF.