Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về đào tạo nghề tại tỉnh Bắc Ninh


Bắc Ninh là Tỉnh có mật độ dân số cao, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động khá dồi dào, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ được Tỉnh đặc biệt quan tâm thời gian gần đây.

Theo Kế hoạch, năm 2021, toàn tỉnh Bắc Ninh đào tạo nghề cho 2.500 lao động.
Theo Kế hoạch, năm 2021, toàn tỉnh Bắc Ninh đào tạo nghề cho 2.500 lao động.

Thực trạng quản lý nhà nước về đào tạo nghề tại Bắc Ninh

Thực hiện dự án "Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN)" thuộc Chương trình mục tiêu GDNN - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020, thời gian qua, Bắc Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Theo đó, hệ thống các cơ sở GDNN không ngừng được đầu tư nâng cấp. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Ninh, đến nay toàn Tỉnh có 49 cơ sở GDNN và 9 cơ sở khác có hoạt động GDNN: gồm 14 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 17 trung tâm GDNN, trong đó, có 7 cơ sở GDNN thuộc các bộ, ngành đóng trên địa bàn Tỉnh (05 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp, 1 trung tâm GDNN).

Chất lượng và hiệu quả quản lý về đào tạo GDNN tại Bắc Ninh thời gian qua đã chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Đào tạo GDNN từng bước chuyển từ hướng “cung” sang “cầu”, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Số cơ sở GDNN công lập được phê duyệt các ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 1836/QĐ-TBXH ngày 27/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gồm 7 trường, trong đó 4 trường thuộc tỉnh Bắc Ninh (gồm: Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành, Trường Cao đẳng y tế Bắc Ninh, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh); 3 trường thuộc bộ, ngành đóng trên địa bàn Tỉnh (gồm: Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy Sản, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Ninh).

Trong đó, có 3 trường được đầu tư ngành nghề trọng điểm cấp quốc tế và cấp khu vực ASEAN (cấp quốc tế 7 nghề, cấp khu vực ASEAN 4 nghề); 1 cơ sở được phê duyệt đầu tư trường nghề chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 (Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo. Trong giai đoạn 2016-2019, 3 cơ sở giáo dục dạy nghề thuộc Tỉnh được hỗ trợ kinh phí đầu tư các nghề trọng điểm: Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành, Trường Cao đẳng Y tế Bắc Ninh), với tổng kinh phí 14 tỷ đồng từ ngân sách trung ương. Xây dựng mới Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành, Trường Cao đẳng Y tế Bắc Ninh…

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Ninh, đến nay toàn Tỉnh có 49 cơ sở giáo dục nghề nghiệpvà 9 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp: gồm 14 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 17 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 7 cơ sở giáo dục nghề nghiệpthuộc các bộ, ngành đóng trên địa bàn Tỉnh (05 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Về chuẩn hóa, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDNN. Các cơ sở giáo dục dạy nghề hàng năm xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo; Quan tâm, bố trí, tạo điều kiện cho nhà giáo có năng lực tham gia học tập nâng cao trình độ như thạc sỹ, tiến sỹ; Bồi dưỡng tham gia hội thi, hội giảng cấp tỉnh, cấp quốc gia. 

Công tác tuyên truyền về giáo dục dạy nghề cũng được quan tâm, chú trọng tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh cũng tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn ở các cấp độ và phạm vi khác nhau về phát triển nâng cao chất lượng GDNN gắn với nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm bền vững; Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp…

Hầu hết các trường trung cấp, cao đẳng đều thành lập các phòng, tổ công tác tuyển sinh trực tiếp đến các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để tuyên truyền, tư vấn GDNN. Đặc biệt, nhiều trường đã trực tiếp phối hợp với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh nhằm giúp các em nắm bắt đầy đủ thông tin về GDNN, từ đó có cơ sở để lựa chọn ngành nghề.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đào tạo nghề tại tỉnh Bắc Ninh còn gặp một số vướng mắc, hạn chế sau:

- Nguồn nhân lực chưa đảm bảo về số lượng để phục vụ quản lý nhà nước về đào tạo nghề.

- Phát huy quyền hạn, trách nhiệm và năng lực quản lý của đơn vị, cán bộ quản lý nhà nước về đào tạo nghề chưa thật sự hiệu quả. Công tác điều hành, hoạt động, phân cấp, phân quyền quản lý chưa thực sự thống nhất.

- Công tác điều tra, phân tích cung – cầu lao động chưa thật sự nghiêm túc dẫn đến công tác dự báo, định hướng cho công tác đào tạo nghề chưa hợp lý, hiệu quả.

- Chất lượng đội ngũ giảng viên đào tạo nghề chưa đồng đều, dẫn đến chất lượng đào tạo nghề không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trên địa bàn.

- Chương trình, giáo trình đào tạo nghề còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chậm đổi mới, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.

- Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho đào tạo bị lỗi thời so với tiến trình Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyên nhân chủ yếu là do: Trong một thời gian dài công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chưa được quan tâm đúng mức;  Công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề còn dập khuôn, máy móc. Các bộ phận tham mưu thiếu thông tin hoặc thu thập thông tin còn chưa chính xác, kiến thức tổng hợp, phân tích nhu cầu thị trường lao động hạn chế.

Việc bố trí, sắp xếp nhân sự, nhất là đội ngũ giáo viên vẫn chưa hợp lý với điều kiện thực tế. Trình độ giáo viên chưa thực sự thích ứng với sự thay đổi linh hoạt của thị trường lao động, xu thế của thời đại. Nguồn lực dành cho công tác đào tạo nghề còn hạn chế. Các cơ sở tư thục của doanh nghiệp trong những năm gần đây không mặn mà đầu tư cho công tác đào tạo nghề…

Cơ sở công lập mặc dù quan tâm nhưng đầu tư chưa đúng mức, hoặc nếu có kế hoạch đầu tư thì chậm triển khai, dẫn đến chưa đáp ứng với yêu cầu hiện tại. Sự quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu, xây dựng giáo trình đào tạo của cơ sở đào tạo chưa được quan tâm đúng mức…

Đề xuất, khuyến nghị

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước đối với GDNN, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước đối với đào tạo nghề:

- Đảm bảo hệ thống hoạt động được thống nhất, thuận tiện cho việc điều hành quản lý của các cán bộ.

- Tăng cường số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho công tác quản lý nhà nước về dạy nghề. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về đào tạo nghề còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, do vậy công tác quản lý vẫn còn nhiều vấn đề cần có giải pháp khắc phục. Yêu cầu với nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có ý thức trách nhiệm trong công viêc, có sức khỏe và sử dụng thành thạo máy vi tính và biết khai thác công nghệ thông tin. Thủ trưởng các đơn vị cần phân công đúng người đúng việc, đúng chuyên môn nhằm đảm bảo chất lượng công việc được giao.

- Thực hiện việc phân cấp quản lý mạnh mẽ, rõ ràng, dứt khoát, nhất quán giữa cấp Tỉnh và cấp xã, thị trấn; Phân quyền và giao trách nhiệm cụ thể về công tác tổ chức, tài chính cho các đơn vị quản lý nhà nước về đào tạo nghề; Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi đơn vị và mỗi cơ sở đào tạo nghề; Tăng cường quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý nguồn lực của cơ sở đào tạo nghề.

- Tăng cường và đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đào tạo nghề.

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý, các cơ sở đào tạo nghề thực hiện nghiêm túc việc cử cán bộ đi tập huấn và triển khai ứng dụng tốt hệ thống thông tin quản lý đào tạo nghề của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Khuyến khích tự nghiên cứu để tăng cường hệ thống thông tin quản lý đào tạo nghề.

Hai là, làm tốt công tác dự báo, điều tra, phân tích, định hướng công tác đào tạo nghề.

- Xây dựng kế hoạch điều tra khoa học, hiệu quả.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều tra cung – cầu lao động phải căn cứ số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, số lượng và cơ cấu dân số trên địa bàn để xác định hiệu quả thực hiện.

- Khẩn trương triển khai ứng dụng phần mềm quản lý lao động – việc làm để hỗ trợ cho công tác điều tra cung – cầu lao động, hỗ trợ cho công tác phân tích cung – cầu lao động và định hướng đào tạo nghề.

- Kinh phí cho việc điều tra hàng năm được sử dụng từ ngân sách nhà nước cấp, chính quyền địa phương cũng cần tạo điều kiện huy động từ nguồn xã hội hóa bổ sung cho công tác này.

Ba là, nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên đào tạo nghề.

- Tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ giảng viên đào tạo nghề theo hướng chuẩn hóa, có trình độ năng lực, phẩm chất, bảo đảm số lượng, đồng bộ về cơ cấu thông qua việc thực hiện bồi dưỡng tại chỗ, rút kinh nghiệm thực tiễn từ giảng dạy, tham gia các chương trình tập huấn nâng cao trình độ do Tổng cục GDNN tổ chức.

- Huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên bằng hình thức tiếp nhận họ đến thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành nghề, tiếp cận công nghệ mới....

- Đào tạo, bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng tay nghề cao đã làm việc tại doanh nghiệp; Thực hiện mô hình đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa để hình thành đội ngũ cán bộ quản lý GDNN chuyên nghiệp với mô hình một nhà giáo kiêm nhiệm nhiều ngành nghề đào tạo.

Bốn là, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nghề:

- Yêu cầu các cơ sở đào tạo nghề thẩm định giáo trình thông qua Tổng cục GDNN đào tạo nghề một cách nghiêm túc. Khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nghề; liên thông giữa các trình độ đào tạo nghề phù hợp thực tiễn trên địa bàn Tỉnh và hội nhập với quốc gia.

- Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra trong độ đào tạo nghề:

- Thí điểm đào tạo theo đơn đặt hàng và có sự giám sát của doanh nghiệp.

- Lựa chọn các ngành nghề đào tạo sở trường, phù hợp với xu thế thị trường lao động của địa phương để lập đề án đăng ký ngành đào tạo trọng điểm quốc gia.

Năm là, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật phục vụ đào tạo nghề.

- Ứng dụng nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao công nghệ thay thế các trang thiết bị đào tạo nghề đã lỗi thời.

- Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị theo ngành, nghề. Đẩy mạnh xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa...

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2012), Bộ luật Lao động năm 2012;

2. Quốc hội (2014), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014;

3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh (2020), Báo cáo 5 năm (2015-2020) về lao động việc làm Bắc Ninh;

4. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh (2020), Báo cáo đào tạo nghề 5 năm (2015 – 2020), Bắc Ninh;

5. Phòng thống kê tỉnh Bắc Ninh (2020), Báo cáo thống kê 5 năm (2015 – 2020), Bắc Ninh.

(*) Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Hương - Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Nguyên.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.