Nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức đảng tại doanh nghiệp nhà nước

Hoàng Hương

Nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức đảng tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025" vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với DNNN về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội".
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với DNNN về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội".

Theo đó, quan điểm, mục tiêu đề ra tại Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” là quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thống nhất trong nhận thức, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại DN.

Cơ bản hoàn thành sắp xếp lại khối DNNN, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các DN yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN. Cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại DN bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không làm mất thương hiệu, bản sắc DN; đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực vốn, đất đai, thương hiệu. Tiếp tục đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra hoạt động của DNNN, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong DN; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước...

Trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu trên, Chính phủ đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức đảng tại DNNN. Theo đó, đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong DNNN; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và quản lý cán bộ trong DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả và vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng tại DNNN trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Phân định rõ giữa lãnh đạo quản lý và điều hành DN. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong DNNN khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm.

Trong tổ chức thực hiện, các Bộ, ngành, Cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cần tiếp tục tiếp tục phát huy vai trò, đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể khác trong quá trình cơ cấu lại DNNN từ việc định hướng, chỉ đạo quán triệt đầy đủ các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước đến việc tổ chức thực hiện, giám sát quá trình cơ cấu lại theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức Đảng trong DNNN khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.