Nhiều doanh nghiệp trao hàng trăm tỷ đồng góp vào Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19

Thanh Sơn

Thời gian qua, hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp cho Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động, hàng trăm doanh nghiệp mặc dù phải đối mặt với khó khăn do tác động dịch bệnh nhưng rất tích cực đóng góp cho Quỹ.

Ông Lê Văn Kiểm, chủ tịch HĐQT Golf Long Thành, trực tiếp trao số tiền đóng góp cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại buổi lễ ra mắt. Ảnh internet
Ông Lê Văn Kiểm, chủ tịch HĐQT Golf Long Thành, trực tiếp trao số tiền đóng góp cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại buổi lễ ra mắt. Ảnh internet

Để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện mục tiêu sớm tiêm vắc-xin miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm. Tiêm vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, Đảng và Nhà nước đã và đang cố gắng nhưng cần sự chung tay góp sức bằng tấm lòng và trái tim của cả cộng đồng, xã hội. Do vậy, tối 5/6, thay mặt Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi toàn thể nhân dân đồng lòng, chung tay phòng, chống dịch thông qua việc ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid với ý nghĩa: Mỗi đóng góp đều có ý nghĩa cho sự an toàn hơn cho bản thân, gia đình chúng ta, cho cộng đồng và cả xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí ước tính hơn 25.000 tỷ đồng.

Do vậy, Chính phủ quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp cả ở trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách Nhà nước thực hiện hiệu quả “chiến lược vắc-xin” gồm mua, nhập khẩu vắc-xin, chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước để tiêm chủng cho người dân.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, đặc biệt đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ như: Du lịch, khách sạn... Nhưng khi Tổ quốc cần, rất nhiều doanh nghiệp đã trao hàng trăm tỷ đồng đóng góp vào Quỹ.

Đến nay, danh sách các doanh nghiệp ủng hộ quỹ ngày càng dài. Cụ thể, Công ty Golf Long Thành 500 tỷ đồng, Tập đoàn Vingroup 480 tỷ đồng; Tổng Công ty Viễn thông Quân đội - Viettel 450 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam mỗi đơn vị 400 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tập đoàn Sơn dầu Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone - mỗi đơn vị ủng hộ 200 tỷ đồng; Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh ủng hộ 170 tỷ đồng; Tập đoàn T&T Group ủng hộ 1 triệu liều vaccine tương đương 120 tỷ đồng; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Sovico, HD Bank - mỗi đơn vị ủng hộ 100 tỷ đồng...

Theo báo cáo từ Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, tính đến 17h00 ngày 9/6/2021 là 4.215 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi); đã có 253.721 tổ chức, cá nhân đóng góp vào Quỹ. ủng hộ Quỹ phòng, chống COVID-19.

Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 do Chính phủ thành lập, Bộ Tài chính quản lý, với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân. Quỹ hoạt động trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật, thuận lợi nhất cho việc đóng góp.