Phát triển kinh tế du lịch gắn với phát huy, bảo tồn giá trị di sản văn hoá tại TP. Hà Nội


Thời gian qua, TP. Hà Nội luôn bám sát chủ trương, định hướng về phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng… để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói, đóng góp nhiều hơn cho nguồn thu ngân sách nói riêng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói chung.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng phát triển kinh tế du lịch TP. Hà Nội trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Thống kê cho thấy, trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, tốc độ tăng trưởng hàng năm của du lịch TP. Hà Nội luôn ở mức trên 10%. Riêng năm 2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 28,945 triệu lượt khách, trong đó có 7,025 triệu lượt khách quốc tế. Riêng năm 2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 28,945 triệu lượt khách, trong đó có 7,025 triệu lượt khách quốc tế. Tỷ lệ đóng góp của du lịch vào tổng sản phẩm nội địa của TP. Hà Nội đạt 12,54%.

Thống kê sau 2 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, các khách sạn trên địa bàn Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nặng nề, có 950/3.587 khách sạn ở Hà Nội phải tạm dừng hoạt động. Công suất sử dụng phòng trung bình các khách sạn từ 1-5 sao năm chỉ đạt gần 30%, giảm 38% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, khách du lịch đến TP. Hà Nội sụt giảm đáng kể, cụ thể chỉ đạt 8,65 triệu lượt khách, bằng 30% của năm 2019; trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,11 triệu lượt khách, giảm 84%; khách nội địa ước đạt 7,54 triệu lượt khách, giảm 65%.

Thống kê sau 2 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, các khách sạn trên địa bàn Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nặng nề, có 950/3.587 khách sạn ở Hà Nội phải tạm dừng hoạt động. Công suất sử dụng phòng trung bình các khách sạn từ 1-5 sao năm chỉ đạt gần 30%, giảm 38% so với năm trước đó.

Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cả quốc tế và nội địa cũng ở trong tình trạng tương tự. Trên địa bàn Thành phố có 1.307 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cả quốc tế và nội địa, nhưng có đến 90% số doanh nghiệp lữ hành phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Năm 2020, đã có 159 công ty du lịch tổ chức các tour du lịch cho khách nước ngoài và 8 công ty kinh doanh khách nội địa xin rút giấy phép kinh doanh. Thực trạng trên khiến cho ngành công nghiệp du lịch của Hà Nội thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trước sự bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên khắp cả nước, Hà Nội và một số tỉnh, thành phải thực hiện các biện pháp giãn cách, dự báo ngành du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số liệu của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội chỉ đón được 2,9 triệu lượt khách du lịch, chủ yếu là khách du lịch nội địa, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020; Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao chỉ đạt khoảng 24%, giảm 7,8 % so với cùng kỳ năm 2020; Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước...

Vai trò của giá trị di sản văn hóa đối với phát triển kinh tế du lịch TP. Hà Nội

Theo các chuyên gia du lịch, sản phẩm du lịch về Hà Nội hiện nay rất phong phú và đa dạng. Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, tài nguyên nhân văn giàu có phân bố hầu khắp ở các khu vực khác nhau. Cụ thể, Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có 01 di sản văn hóa thế giới, 16 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia… và 1.350 làng nghề, làng có nghề, nhiều lễ hội lớn... 

Nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, TP. Hà Nội đã và đang đưa ra các giải pháp nhằm duy trì sự tăng trưởng và đóng góp của ngành Du lịch cho sự phát triển của kinh tế Thủ đô. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề phát triển kinh tế du lịch gắn với phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hoá trên địa bàn Thành phố. Phát triển kinh tế du lịch gắn với phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hoá có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội. Cụ thể:

Về kinh tế: Phát triển kinh tế du lịch gắn với phát huy bảo tồn giá trị di sản văn hóa. Tạo ra nhiều việc làm mới cho doanh nghiệp, người dân tham gia; gia tăng số lượng các điểm tham quan, các sự kiện trên địa bàn Thủ đô; Mang lại thu nhập cho cộng đồng cư dân tham gia hoạt động du lịch văn hóa, cho doanh nghiệp và đóng góp cho ngân sách nhà nước; Thúc đẩy việc bảo tồn và bảo vệ các nguồn tài nguyên của Thủ đô, đồng thời bước đầu đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nhất là giữa doanh nghiệp với điểm du lịch văn hóa và người dân.

Về xã hội: Góp phần khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia làm đẹp hình ảnh của Thủ đô hòa bình, an toàn, hấp dẫn, thân thiện, hiếu khách. Giá trị của di sản văn hoá, lịch sử ngày càng được người dân quan tâm phát huy tạo ra sự hứng thú cho du khách. Du lịch gắn kết với phát huy, bảo tồn di sản văn hoá góp phần thúc đẩy bảo tồn truyền thống, phong tục và văn hóa địa phương; Thúc đẩy chính quyền địa phương đầu tư vào các điểm có tài nguyên về di sản văn hoá và thúc đẩy phát triển du lịch.

Về môi trường: Tăng cường nhận thức của người dân về những điểm du lịch, điểm có ý nghĩa về giá trị văn hoá, lịch sử; Tăng cường ý thức của người dân, khách du lịch và các tổ chức doanh nghiệp về trách nhiệm bảo tồn và giữ gìn tài nguyên nhân văn và tự nhiên. Phát huy tốt giá trị văn hóa, lịch sử vào phục vụ cuộc sống và du lịch góp phần vào công tác bảo tồn di sản. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, thị hiếu của khách du lịch có thể thay đổi theo thời gian, nhất là thời kỳ hậu đại dịch COVID-19. Có thể du khách sẽ tìm đến những điểm đến an toàn, mong muốn được gặp những người dân địa phương để tìm hiểu văn hóa bản địa, họ cần những nét chân thực và tham gia trải nghiệm chứ không phải chỉ tham quan, quan sát. Như vậy, hoạt động du lịch sẽ phải điều chỉnh phù hợp để du khách có thể trải nghiệm, thích ứng với môi trường, xã hội tốt nhất.

Giải pháp phát triển kinh tế du lịch gắn với phát huy, bảo tồn giá trị di sản văn hóa

Để tăng cường hơn nữa vị thế cốt lõi trong hệ thống của sản phẩm du lịch trên địa bàn Thủ đô, cũng như tạo đà cho phát triển loại hình du lịch văn hóa, trong thời gian tới, cần tập trung triển khai một số vấn đề sau:

Một là, để phát triển du lịch dựa vào giá trị di sản văn hoá cần xác định tầm quan trọng của việc thu hút cộng đồng tham gia vào hoạt động văn hóa. Cộng đồng người dân địa phương và doanh nghiệp du lịch sẽ xây dựng và tạo thành hệ thống trải nghiệm cho du khách, thu hút và giữ chân du khách ở lại với địa phương lâu hơn; Từ đó, đồng bộ với các dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo ấn tượng riêng biệt cho du khách trong thời gian lưu lại và cuối cùng là những trải nghiệm trở thành kỷ niệm mang về. Bên cạnh các hướng dẫn viên du lịch cần nhận thức rõ hơn vai trò của người dân địa phương trong hoạt động phát triển du lịch dựa vào giá trị di sản văn hoá. Thời gian tới cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, qua đó hình thành ý thức để mỗi người dân nhận thức được vai trò và trở thành “đại sứ” cho điểm đến du lịch.

Hai là, mở rộng mạng lưới các chương trình du lịch văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Hiện nay, các chương trình du lịch, tham quan tập trung chủ yếu vào khu vực trung tâm của Thành phố, đó là khu vực phố cổ Hà Nội (hồ Hoàn Kiếm, 36 phố phường); khu vực quảng trường Ba Đình (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, quảng trường Ba Đình); Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thời gian tới, cần mở rộng và đẩy mạnh các tuor dẫn khách tới các địa điểm khác của Thành phố như: Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), khu vực Ba Vì, Thành Cổ Loa (Đông Anh), khu vực Sóc Sơn, Mê Linh… Các khu vực này đều có các di sản văn hoá và lịch sử, tổng hợp thành sự đa dạng và đặc sắc cho du lịch của Thủ đô. 

Ba là, thúc đẩy du lịch làng nghề. Hà Nội có hơn 1.000 làng nghề và làng có nghề, với sự đa dạng của sản phẩm được sản xuất ra hàng năm, nhưng điểm du lịch làng nghề lại chưa hình thành nhiều, chủ yếu là làng nghề gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... Hạ tầng du lịch làng nghề cũng cần được đầu tư đổi mới. Chương trình du lịch làng nghề cần được xây dựng trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa người dân làng nghề và các doanh nghiệp lữ hành. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tính biểu tượng hình ảnh cho Thủ đô, cũng như giá trị sưu tầm cho chuyến đi của du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

Bốn là, nâng cao chất lượng dịch vụ tổ chức du lịch văn hóa, trong đó, cần tập trung một số vấn đề sau:

- Xây dựng sản phẩm du lịch sáng tạo: Phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử thông qua các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn du khách. Cách truyền tải về giá trị văn hóa không phải chỉ là thông tin mà là câu chuyện, cách kể chuyện, trình diễn… Tour đêm tại di tích nhà tù Hỏa Lò với chủ đề “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt hay Sống như những đóa hoa” là một ví dụ để tham khảo.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ trung tâm thông tin du lịch: Trung tâm thông tin du lịch, quầy thông tin có vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, không những cần ở vị trí có vị trí thuận tiện, cảnh quan đẹp, mà cần có tính hấp dẫn với biển báo nhằm làm nổi bật các chủ đề văn hóa, cập nhật với các sự kiện văn hóa, triển lãm, nghệ thuật, điêu khắc, lễ hội.. đang diễn ra trên địa bàn TP. Hà Nội. Trung tâm phải là nơi cung cấp thông tin địa điểm và giới thiệu về các câu chuyện của địa phương và các hoạt động văn hóa độc đáo; Cung cấp bản đồ được thiết kế chuyên nghiệp, chỉ dẫn tuyệt vời cho du khách đến các điểm tham quan. Nhân viên của Trung tâm phải được đào tạo chuyên nghiệp, có nghiệp vụ tư vấn du lịch, kết nối bán hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ…

- Cung cấp hệ thống wifi miễn phí tại các khu vực du lịch và các ứng dụng chất lượng sẽ giúp du khách tìm kiếm và sử dụng thông tin, dịch vụ dễ dàng. Chuyển tải thông tin về hoạt động văn hóa, sự kiện, điểm di tích, bảo tàng, phòng trưng bày mỹ thuật, các dịch vụ liên quan khác thông qua các ứng dụng trên nền tảng điện thoại thông minh, điều này sẽ kích thích quyết định sử dụng dịch vụ, lập kế hoạch tham quan, thanh toán của khách hàng.

Năm là, tăng cường mối quan hệ hiệu quả giữa các đối tác. Mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị du lịch, văn hóa và người dân địa phương sẽ giúp cho du khách cơ hội trải nghiệm tốt hơn.

Nhìn chung, phát triển kinh tế du lịch gắn với phát huy, bảo tồn giá trị di sản văn hoá là một thế mạnh của du lịch Thủ đô. Chìa khóa cho sản phẩm du lịch văn hóa là tính chân thực được truyền tải đến du khách một cách hấp dẫn, nhẹ nhàng mà lôi cuốn. Chìa khóa cho quản lý phát triển du lịch văn hóa là sự đồng bộ hợp tác giữa đơn vị du lịch và văn hóa tạo ra hệ thống cung cấp dịch vụ có chất lượng về du lịch văn hóa. Trong thời gian tới, TP. Hà Nội cần đồng bộ triển khai các giải pháp trên để tăng cường hơn nữa vị thế cốt lõi trong hệ thống của sản phẩm du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội, tạo đà cho phát triển loại hình du lịch văn hóa, góp phần thúc đẩy sự đóng góp của ngành công nghiệp không khói đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.   

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2017), Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017;

2. Sở Du lịch Hà Nội (2020), Báo cáo tổng kết 2020 và khai nhiệm vụ năm 2021;

3. Tổng cục Du lịch (2021), Du lịch Hà Nội cần phát triển các sản phẩm đặc thù, tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, truy cập từ link: https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/35385;

4. Ngọc Hà (2021), Một năm hiếm có, Hà Nội thiệt hại gần 3,6 tỷ USD, Báo điện tử Vietnamnet. Truy cập từ link: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/du-lich/du-lich-ha-noi-thiet-hai-gan-3-6-ty-usd-707097.html;

5. Bảo Thoa (2021), Những kết quả nổi bật của ngành Du lịch Hà Nội trong năm 2020, Báo Lao động Thủ đô;

6. Du lịch Hà Nội phấn đấu đạt 19 triệu lượt khách năm 2021, Thông tấn xã Việt Nam.

(*) Nguyễn Văn Dũng - Tổng Công ty Du lịch Hà Nội.      

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2021.