Để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Văn Phúc - Thu Hà

Thời gian qua, mặc dù Việt Nam đã có nhiều giải pháp khắc phục thực trạng những yếu kém, hạn chế trong việc tham gia vào chuối cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh mới, cần tiếp tục có những nỗ lực, giải pháp tham gia sâu hơn, Thiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cấu lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tiễn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam

Trong những năm qua, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có nhiều nỗ lực để thâm nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, củng cố vị thế để đảm bảo sự phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, giai đoạn 2016- 2020, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng của các DN Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, trong đó các DN 100% vốn trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng năm 2017, 2018, 2019 và 2020 của các DN 100% vốn trong nước lần lượt là 31,8%, 36,9%, 39,7%  và 33,1%; Các DN FDI lần lượt là 27,2%, 25,5%, 8,3% và 51,1%. Năm 2021, các chỉ số tăng trưởng giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng trên của các DN 100% vốn trong nước và DN FDI ở Việt Nam (so với cùng kỳ năm trước) lần lượt là -15% và 78,1%.

Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng lần lượt là 38,5 tỷ USD (tăng 11,2 tỷ USD, tương ứng với 41%) và 46,3 tỷ USD (tăng 9,04 tỷ, tương đương với 24,3% so với năm trước).

Cũng trong năm 2021, ngành Dệt- may- da- giày Việt Nam đã nhập khẩu 26,37 tỷ USD nguyên phụ liệu và xuất khẩu 32,78 tỷ USD hàng dệt may, 17,75 tỷ USD giày dép các loại (giá trị nhập khẩu chiếm 52,19% giá trị kim ngạch xuất khẩu, so với 46,21% năm 2020). Đối với nhóm sản phẩm điện thoại và linh kiện, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 21,43 tỷ USD và xuất khẩu 57,54 tỷ USD (giá trị nhập khẩu tương đương với 37,24% giá trị kim ngạch xuất khẩu, so với 32,5% năm 2020).

Những chỉ số này cho thấy sự tham gia tích cực hơn của các DN Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong một số ngành công nghiệp có vai trò quan trọng đối với Việt Nam, nhưng cũng cho thấy tình trạng dễ bị chi phối của sự tham gia này.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, Việt Nam là nước có trình độ phát triển công nghiệp còn thấp, tiềm lực hạn chế, nhiều lợi thế cạnh tranh còn yếu. Do vậy, quyền chủ động của Việt Nam trong việc lựa chọn các lĩnh vực có thể xâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng hiện đang bị hạn chế về nhiều mặt.

Việt Nam cần phải chủ động tăng cường sự tham gia vào các chuỗi cung ứng trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để tạo ra những lợi thế cho mình, xây dựng và củng cố vị thế của mình trong hệ thống các chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai.

Một số lĩnh vực cần được lựa chọn là: Những chuỗi cung ứng mà các DN Việt Nam đã khẳng định được vị thế và có lợi thế cạnh tranh; Những chuỗi cung ứng các sản phẩm/dịch vụ có vai trò quan trọng đối với việc ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ trog tương lai; Những chuỗi cung ứng mà việc tham gia chúng sẽ tạo ra tác động tích cực lớn đối với sự phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp của Việt Nam; Những chuỗi cung ứng mà khi thâm nhập sâu cho phép tận dụng tốt các lợi thế trước mắt và góp phần giúp Việt Nam giải quyết tốt các vấn đề kinh tế- xã hội của đất nước.

Một số giải pháp đề xuất

Để các DN Việt Nam tham gia sâu hơn và có hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong giai đoạn tới, Nhà nước cần ưu tiên triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tổ chức nghiên cứu, phân tích, đánh giá cơ hội, khả năng và cách thức thâm nhập và củng cố, phát huy vị thế của các DN Việt Nam (kể cả DN FDI) trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Những kết quả nghiên cứu này vừa giúp Nhà nước có định hướng phù hợp trong điều kiện nguồn lực có hạn và chịu ràng buộc từ nhiều phía, vừa cung cấp cho các DN những cơ sở ban đầu để lựa chọn định hướng, xây dựng chiến lược và phương án cụ thể để thâm nhập và củng cố vị thế của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là việc mà các DN phải chủ động tự thực hiện nhưng hiện các DN Việt Nam hầu hết chưa có năng lực và chưa thực sự quan tâm tới việc này.

Thứ hai, định vị lại nền kinh tế, đặc biệt là công nghiệp trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực. Tuy Việt Nam đã tiếp cận rất nhanh với những mô hình phát triển kinh tế- xã hội tiên tiến, nhưng vẫn là nước đang phát triển có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh còn yếu, cơ chế thị trường vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Bên cạnh đó, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, các địa phương, các ngành, các nhóm sản phẩm cũng như có sự phân hóa xã hội giữa các nhóm dân cư.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan tới hoạt động của DN trong việc thâm nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động của DN. Điều này là góp phần giảm chi phí cho DN.

Nhà nước cần ưu tiên nhiều hơn cho hoàn thiện chính sách và cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh để tạo ra những hiệu ứng bền vững. Các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cần chú trọng hơn tới các DN áp dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển giao công nghệ, chuyển giao năng lực cung cấp ổn định, bền vững các sản phẩm trung gian cho các chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ tư, thiết lập tài nguyên nhân lực với cơ cấu hợp lý và dễ tiếp cận cho các DN. Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì và tận dụng lợi thế lao động rẻ, nhưng lợi thế này sẽ sớm mất đi. Hơn nữa, điều mà DN cần để thâm nhập sâu, có hiệu quả vào các chuỗi cung ứng không phải là lao động rẻ, mà là chi phí nhân công tính trên một đơn vị sản phẩm thấp, có tính cạnh tranh cao so với các đối thủ cùng hoặc sẽ tham gia chuỗi.

Thực tế, đây là những điểm yếu của lực lượng lao động Việt Nam. Để giải quyết vấn đề kỷ luật lao động và đạo đức nghề nghiệp, cần sớm thực hiện giáo dục cộng đồng, bắt đầu từ các trường phổ thông về những nội dung liên quan. Đối với vấn đề trình độ chuyên môn, trước mắt, cần sử dụng các đòn bẩy kinh tế để phát triển và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ, thiết thực và có hiệu quả giữa các DN với các cơ sở đào tạo nghề.

Thứ năm, đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ lưu thông hàng hóa, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hệ thống logistics. Đối với Việt Nam, một quốc gia được đánh giá là có lợi thế về mặt địa lý, có tiềm năng lớn trong việc cung cấp dịch vụ vận tải nói riêng, logistics nói chung cho cả khu vực lẫn thế giới, sự mất cân đối giữa cung và cầu về dịch vụ du lịch cho thấy đây là một lĩnh vực cần được đầu tư xứng đáng và có hiệu quả hơn để có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong mạng lưới các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ sáu, rà soát, sửa đổi các tiêu chuẩn Việt Nam theo hướng tiếp cận tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn về môi trường, tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh và những tiêu chuẩn kinh tế- kỹ thuật quan trọng phổ biến trên thế giới.

Thứ bảy, lồng ghép các yêu cầu tham gia sâu hơn, có hiệu quả hơn, bền vững hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chính sách và biện pháp của Nhà nước về việc tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu phải được đặt trông tổng thể chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, gắn với và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội khác của đất nước.

Trong thời gian tới, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục và tái cấu trúc, Việt Nam cần nhanh chóng định hình và thực hiện chiến lược để thâm nhập sâu hơn, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn trong hệ thống này để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế- xã hội của đất nước.