Doanh nghiệp khởi nghiệp cần tránh tư duy dựa dẫm vào ưu đãi

Theo Đặng Hoa/theleader.vn

Việt Nam cần có sự thay đổi mạnh mẽ về mặt thể chế, ủng hộ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nếu không chúng ta sẽ bị mất đi nguồn lực rất lớn, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định.

Trong những năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam tăng lên mạnh mẽ. Nguồn: internet
Trong những năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam tăng lên mạnh mẽ. Nguồn: internet

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), để hình thành một doanh nghiệp không khó nhưng để nó có thể tồn tại và phát triển thì không hề đơn giản. Ngoài các ý tưởng và sáng kiến độc đáo, sáng tạo, người sáng nghiệp phải có các kỹ năng cần thiết khác.

Ông Thành cho rằng ý tưởng chỉ chiếm 10% thành công, còn thiếu kỹ năng và kiến thức thì việc dẫn đến thất bại sẽ ở mức 90%. Nếu những người khởi nghiệp không hiểu rõ điều này thì cái giá phải trả sẽ rất lớn.

Trong những năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam tăng lên mạnh mẽ. Chỉ trong năm ngoái đã có tới gần 127.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Tuy nhiên, năm 2017 cũng ước tính có tới hơn 60.000 doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, hiện nay trình độ phát triển công nghệ ở Việt Nam còn thấp và cần phải nỗ lực rất nhiều bằng việc đưa ra các chính sách về công nghệ cũng như các chính sách về giáo dục, đào tạo cả ở hai mảng chuyên môn và kỹ năng để có thể làm việc được trong môi trường khởi nghiệp.

“Chúng ta đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cấu trúc của nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khai thác các nguồn lợi sẵn có như lợi thế về lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, chưa vượt lên được bằng các yếu tố như công nghệ, tính hiệu quả và năng suất lao động”, bà Lan đánh giá.

Có chung quan điểm, ông Thành cho rằng, các chính sách liên quan cần phải nằm trong tổng thể các chính sách của nhà nước bao gồm khuyến khích các doanh nghiệp khu vực tư nhân, khuyến khích việc làm ăn kinh doanh và chú trọng khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo.

Các chuyên gia cũng đánh giá cao việc thay đổi vấn đề hỗ trợ tài chính do các chính sách hỗ trợ tài chính của Chính phủ hiện nay còn trải ra quá rộng ở nhiều lĩnh vực dẫn đến nhiều lúc việc hưởng lợi từ các chính sách của các doanh nghiệp khởi nghiệp không rõ ràng, không biết liệu có ưu đãi, ưu việt gì so với các doanh nghiệp khác.

Theo bà Phạm Chi Lan, trong dự thảo hiện nay cho đặc khu kinh tế cũng đang có các ưu đãi lớn hơn cho các doanh nghiệp làm casino, cho các doanh nghiệp phát triển các khu nghỉ dưỡng so với các doanh nghiệp bên ngoài. 

Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khó cạnh tranh về thu hút tài chính cũng như khiến công nghệ cao khó phát triển và cũng khó mang lại sự thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu của kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên theo ông Thành, ưu đãi chỉ là một phần để doanh nghiệp dựa vào phát triển, phần cốt yếu vẫn ở chính các doanh nghiệp.

“Trong môi trường đã có sẵn, ai đi được con đường riêng và tạo được thế mạnh riêng của mình thì người đấy sẽ thành công. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cần tránh tư duy dựa dẫm vào ưu đãi để tạo sự khác biệt vì xét cho cùng thị trường vốn rất nghiệt ngã”, ông Thành khẳng định

Bên cạnh đó, các vấn đề về đất đai cũng được đánh giá là một trở ngại của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, đặc biệt là quá trình thuê mặt bằng khởi nghiệp. 

Giá thuê cao và nếu có thuê được và làm tốt thì người cho thuê cũng thường đòi lại và bắt chước kinh doanh. Lúc này, các doanh nghiệp lại phải bắt tay làm lại từ đầu ở một nơi khác.

Đó là còn chưa kể đến việc lĩnh vực kinh doanh của họ là các lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt trên thị trường toàn cầu mà Việt Nam đứng ở một thế yếu hơn hẳn so với các nước khác.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam cần có sự thay đổi mạnh mẽ về mặt thể chế, ủng hộ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nếu không chúng ta sẽ bị mất đi nguồn lực rất lớn. Hiện nay, nhiều bạn trẻ Việt đã sang Singapore khởi nghiệp, đóng thuế cho Singapore và đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Singapore.

Có chung quan điểm với ông Doanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhìn nhận, mấu chốt vẫn là vấn để thể chế vì nó định ra giới hạn cho môi trường kinh doanh. Theo đó, cần đặt các doanh nghiệp vào thị trường và cạnh tranh, đồng thời tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp của các ngành kinh tế.

“Chúng ta còn phải cải thiện nhiều hơn nữa về mặt thể chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp của nhiều người trẻ rất đáng hoan nghênh; nếu tạo được môi trường tốt thì sẽ có nhiều người khởi nghiệp thành công, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Việt Nam, vào sự thay đổi về kết cấu của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.