Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp tục là ưu tiên hàng đầu
Đó là khẳng định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí về mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch cải cách và hiện đại hóa ngành Thuế năm 2018.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí cho biết, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành thuế xác định, việc đẩy mạnh các dịch vụ điện tử chính là chìa khóa mang tính đột phá để cải cách hành chính, giảm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp.
Theo đó, trong năm 2017, Tổng cục Thuế đã mở rộng diện thực hiện khai và nộp thuế điện tử (NTĐT). Với những lợi ích thiết thực về việc nộp thuế thuận tiện, nhanh chóng đơn giản, mọi lúc mọi nơi, đồng thời có thể theo dõi tiến trình nộp thuế nên dịch vụ này được đông đảo các doanh nghiệp ủng hộ.
Tính đến hết năm 2017 đã có 637.256 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,71%, với số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trên 45,6 triệu hồ sơ. Ngành thuế đã hoàn thành kết nối NTĐT với 47 ngân hàng thương mại, đã có 625.010 doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ, đạt tỷ lệ 97,79%. Trong 12 tháng năm 2017 đã có trên 2.724.718 giao dịch NTĐT với tổng số tiền đã nộp ngân sách nhà nước 520.300 tỷ đồng.
Để giúp doanh nghiệp được luân chuyển vốn nhanh, tạo nguồn lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế, trong năm 2017, ngành thuế đã triển khai cung cấp dịch vụ hoàn thuế điện tử cho tất cả người nộp thuế tại 63 tỉnh, thành phố. Tính đến hết tháng 12/2017, tổng số hồ sơ hoàn điện tử đã tiếp nhận là 8.184 hồ sơ.
Cơ quan thuế đã giải quyết 6.003 hồ sơ (gồm 5.319 hồ sơ hoàn xuất khẩu, 684 hồ sơ hoàn đầu tư) tương ứng với số tiền 34.114 tỷ đồng. Tổng cục Thuế tổ chức hỗ trợ cho hơn 200 doanh nghiệp triển khai hóa đơn điện tử có xác thực tại 02 Cục Thuế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã xác thực được 5.460.247 hóa đơn với số tiền thuế đã được xác thực trên 3.432 tỷ đồng.
Trong năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã triển khai thí điểm việc khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà ở Cục Thuế TP. Hà Nội, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và các chi cục thuế trực thuộc. Tính đến hết năm 2017 đã có trên 30.103 tài khoản cá nhân đăng ký giao dịch điện tử với khoảng 43.155 tờ khai đã được thực hiện. Theo phản ánh, việc thực hiện khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà rất thuận lợi.
Nếu như trước đây, hàng quý người cho thuê nhà phải đến chi cục thuế nơi có nhà cho thuê để kê khai thuế, sau đó đến ngân hàng, hoặc kho bạc để nộp thuế mất rất nhiều thời gian và chi phí thì với việc khai thuế qua mạng, cá nhân cho thuê nhà có thể khai thuế mọi lúc, mọi nơi, ở mọi thời điểm 24/7 mà không cần mất nhiều thời gian, công sức đi lại, chờ đợi. Việc khai thuế được thực hiện rất dễ dàng trên máy tính, thậm chí là trên điện thoại di động.
Để hiện thực hóa mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Tổng cục Thuế đã triển khai chương trình “đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp” trên phạm vi cả nước. Theo đó, nhằm giúp doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận được với các thông tin hỗ trợ, ngành thuế đã mở nhiều kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, lập các điểm hỗ trợ trực tiếp, bố trí số điện thoại, địa chỉ email hỗ trợ. Tại tất cả các địa phương đều xây dựng chuyên mục “đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp” trên website của cục thuế để cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết cho doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cục thuế các địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành; tiến hành kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như: các đại lý thuế, tổ chức T-VAN, doanh nghiệp cung cấp phần mềm kế toán, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thư số... để có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong năm đầu thành lập. Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp, ngành thuế cũng đã xây dựng và duy trì thường xuyên chức năng tra cứu thông tin người nộp thuế 24/24 trên website Tổng cục Thuế; triển khai thí điểm hệ thống thuế điện tử E-Tax giúp tra cứu thông tin nghĩa vụ NNT 24/24 tại tỉnh Bắc Ninh và Phú Thọ.
Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đại Trí, nhằm tiếp tục dành thêm những thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, thời gian tới, toàn ngành sẽ triển khai đồng bộ các chương trình, nội dung của kế hoạch cải cách quản lý thuế năm 2018, tập trung hoàn thiện và trình Quốc hội, Chính phủ ban hành Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế sửa đổi; rà soát và hoàn thiện các quy định, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quản lý rủi ro.
Về công tác tuyên truyền, hỗ trợ, ngành thuế sẽ hoàn thiện các dịch vụ công điện tử; triển khai dịch vụ một cửa điện tử và hỗ trợ trực tuyến tập trung trong toàn quốc để hỗ trợ NNT. Phấn đấu đến hết năm 2018 tối thiểu 70% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ hỗ trợ thuế điện tử. Cơ quan thuế sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của NNT, làm căn cứ để ngành thuế tiếp tục sửa đổi bổ sung, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, tạo thuận lợi cho NNT trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bên cạnh đó, nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, ngành thuế tiếp tục nâng cấp kịp thời các ứng dụng công nghệ thông tin, đường truyền đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc luôn thông suốt, đồng thời tăng cường đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ công chức.
Song song với đó, ngành thuế sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp T-Van, các đại lý thuế phát triển. Bởi đây chính là “cánh tay nối dài” của cơ quan thuế trong việc tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. Với các giải pháp đó, tin rằng các doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi trong hoạt động SXKD và sẽ thực hiện tốt nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước.