Một số vấn đề về phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam
Trong nền kinh tế mở cửa và hội nhập quốc tế, kế toán và kiểm toán không chỉ là công cụ quản lý kinh tế - tài chính mà trở thành một ngành dịch vụ hỗ trợ quản lý kinh doanh quan trọng. Do xuất phát điểm của các dịch vụ kế toán, kiểm toán của Việt Nam tham gia hội nhập còn khá thấp nên việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp nhằm phát triển và nâng cao dịch vụ kế toán, kiểm toán của nước ta có ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến trình tham gia hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán.
Vai trò quan trọng trong nền kinh tế
Kế toán nói chung và kiểm toán độc lập mặc dù mới xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90 (thế kỷ XX) với 02 công ty kiểm toán đầu tiên là Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO) và Công ty Dịch vụ kế toán và kiểm toán Việt Nam (AASC), nhưng lĩnh vực này đã phát triển rất nhanh, sớm tạo dựng vị thế trong nền kinh tế.
Tính đến nay đã có tới 140 công ty dịch vụ kiểm toán, cả công ty nhà nước, công ty tư nhân, công ty 100% vốn nước ngoài và công ty liên doanh, với hàng nghìn kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề tại hầu hết các thành phố và các tỉnh trên cả nước.
Thực hiện các cam kết quốc tế thời gian qua, hệ thống kế toán Việt Nam đã có những cải cách căn bản. Khuôn khổ pháp lý về kế toán đã được tạo dựng và tiếp tục hoàn thiện, phát triển, các chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán, kiểm toán được ban hành.
Ngay từ 1989, Câu lạc bộ Kế toán trưởng các doanh nghiệp toàn quốc ra đời và sau đó năm 1994, Hội Kế toán Việt Nam nay là Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) được thành lập với tính chất là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đảm nhiệm vai trò giao lưu, phổ biến, thông tin và nâng cao năng lực chuyên môn cho hàng chục nghìn hội viên là những người làm nghề kế toán và kiểm toán trong cả nước.
Sau ít năm hoạt động, với sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu, của các Tổ chức nghề nghiệp khu vực và thế giới: Hội Kế toán Cộng hòa Pháp, Thái Lan, Úc), VAA đã được kết nạp làm thành viên của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC), của Hiệp hội Kế toán ASIAN (AFA).
Hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam không ngừng được cải thiện về chất lượng dịch vụ, khẳng định được vị trí trong nền kinh tế quốc dân.
Các công ty dịch vụ kế toán và kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp, tư vấn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về pháp luật, chế độ, thể chế tài chinh, kế toán của nhà nước, cũng như việc lập, ghi sổ kế toán, tính thuế, lập báo cáo tài chính.
Đội ngũ kế toán và kiểm toán cũng đã đạt được một số thành công nhất định, tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, hoạt động kế toán, kiểm toán Việt Nam còn tồn tại những bất cập sau:
Thứ nhất, về phía các tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán: Mặc dù trong những năm gần đây, số lượng các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán đã tăng nhanh, đặc biệt là sau khi thực hiện Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có một số công ty có khả năng về quy mô, phạm vi và chất lượng hoạt động.
Một số công ty chỉ có 1 hoặc 2 kiểm toán viên, hoạt động trong phạm vi, quy mô nhỏ lẻ, các loại hình dịch vụ cung cấp không nhiều, chất lượng dịch vụ còn thấp, chưa đạt yêu cầu. Chất lượng các dịch vụ kế toán, kiểm toán chưa được kiểm soát, do chạy đua về giá nên chưa thực sự đồng đều. Công tác đào tạo ở các công ty, đặc biệt là các công ty nhỏ, mới thành lập chưa được đề cao và quan tâm đúng mức.
Thứ hai, về góc độ thị trường và khách hàng: quy mô thị trường còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội, khách hàng chủ yếu vẫn kiểm toán theo quy định, số tự nguyện không nhiều.
Thứ ba, về các loại hình dịch vụ: Thực tế cho thấy, tỷ trọng cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính vẫn chiếm số lượng khá cao. Các loại hình dịch vụ khác như dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn thuế còn thấp, đặc biệt là khối các doanh nghiệp trong nước.
Các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán đang tập trung hoạt động ở một số thị trường lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tại các địa phương khác tuy có chi nhánh nhưng phân bổ không đều. Điều này dẫn đến việc khai thác không triệt để nhu cầu thị trường, làm cho nhiều đơn vị, tổ chức không có những hiểu biết về tình hình, ý nghĩa của các loại hình dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu là do hành lang pháp lý chưa đầy đủ; hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán mới chỉ thực hiện trong phạm vi từng công ty, chưa ban hành đầy đủ hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam…
Một số giải pháp
Để kế toán và kiểm toán Việt Nam trở thành công cụ quản lý kinh tế tài chính tin cậy, góp phần tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh và hội nhập thành công, cần phát triển kế toán, kiểm toán theo hướng trở thành một nghề nghiệp hoạt động độc lập, khách quan và được xã hội hóa.
Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp thực hiện chức năng quản lý chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người hành nghề kế toán, kiểm toán, thay thế dần công việc quản lý trực tiếp của cơ quan Nhà nước.
Kế toán, kiểm toán phải trở thành một loại hoạt động dịch vụ, phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ đắc lực của doanh nghiệp và Nhà nước. Chất lượng dịch vụ được quốc tế hóa, phát triển phù hợp với thông lệ quốc tế, được quốc tế thừa nhận.
Để dịch vụ kế toán, kiểm toán phát triển đúng hướng, cần quan tâm đến một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán; Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với trình độ quản lý ở Việt Nam và xu hướng mở cửa, hội nhập.
Thứ hai, tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán. Cụ thể là: Khuyến khích các công ty kế toán, kiểm toán mở rộng quy mô; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ kế toán, kiểm toán; nâng cao khả năng, trình độ của nhân viên chuyên nghiệp, mở rộng diện được hành nghề cho cả cá nhân; chấn chỉnh các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán; đổi mới chương trình đạo tạo kiểm toán viên.
Thứ ba, tăng cường quản lý hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán: Nâng cao vai trò của Hội đồng quốc gia về kế toán và mối quan hệ của Hội đồng với cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường hoạt động thực tiễn của tổ chức nghề nghiệp này; hỗ trợ hoạt động nghề nghiệp của các Hội nghề nghiệp nhằm nâng cao tính chất nghề nghiệp trong hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ tư, phát triển nguồn lực kế toán kiểm toán phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Ngoài ra, cần đổi mới nội dung, chương trình, phương thức và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán ở mọi trình độ, mọi cấp độ, bồi dưỡng kế toán trưởng, thi tuyển chuyên gia kiểm toán và kiểm toán viên.