Nâng cao tính hiệu quả trong cổ phần hóa

Theo Kim Ngân/nhandan.com.vn

Tại cuộc sơ kết sáu tháng đầu năm 2018 của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, cần phải đề cao chất lượng cổ phần hóa (CPH), sao cho Nhà nước có lợi nhiều nhất, cũng như cần nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau CPH.

Tổng số tiền thu từ CPH, thoái vốn từ năm 2016 đến nay đạt mức cao, gấp 2,5 lần tổng số thu từ CPH, thoái vốn giai đoạn 2011 - 2015.
Tổng số tiền thu từ CPH, thoái vốn từ năm 2016 đến nay đạt mức cao, gấp 2,5 lần tổng số thu từ CPH, thoái vốn giai đoạn 2011 - 2015.
“Độ sâu của cổ phần hóa”

Điểm nổi bật trong báo cáo của thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN về tình hình sắp xếp, CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và phát triển DN 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm 2018, chính là chất lượng của công tác này đã được cải thiện.

Đối với việc sắp xếp, CPH DNNN, Ban Chỉ đạo cho biết, trong nửa đầu năm 2018 đã phê duyệt phương án CPH 19 DNNN (bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017), tổng giá trị DN là hơn 40.600 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là hơn 23 nghìn tỷ đồng. Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của 19 DN này là hơn 22 nghìn tỷ đồng, trong đó, Nhà nước nắm giữ gần 13 nghìn tỷ đồng (chiếm 58,83% tổng vốn điều lệ), bán cho người lao động hơn 112 tỷ đồng (chiếm 0,51% vốn điều lệ), bán cho nhà đầu tư bên ngoài DN gần 9.000 tỷ đồng (chiếm 40,66% tổng vốn điều lệ).

Trong sáu tháng đầu năm 2018 cũng đã IPO và bán cho cổ đông chiến lược 16 DN, trong đó có tám DN phê duyệt phương án CPH năm 2017 và tám DN của năm 2018, thu về gần 22.500 tỷ đồng. Theo phương án CPH được phê duyệt, 16 DN này có vốn điều lệ là hơn 136 nghìn tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 54,12%, người lao động nắm 0,52% và bán cho cổ đông bên ngoài là 45,36%.

Trong đó, có một số DN quy mô lớn như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn công nghiệp cao - su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền nam, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Thương mại Hà Nội...

Về thoái vốn nhà nước tại DN, báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo cho thấy, đã thoái vốn nhà nước tại 42 DN với giá trị sổ sách hơn 1.800 tỷ đồng, thu về gần 5.600 tỷ đồng (gấp 3,08 lần giá trị sổ sách), trong đó 10 DN thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg.

Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá, tổng số tiền thu từ CPH, thoái vốn từ năm 2016 đến nay đạt mức cao, gấp 2,5 lần tổng số thu từ CPH, thoái vốn giai đoạn 2011 - 2015 (khoảng 78 nghìn tỷ đồng). Số tiền chuyển Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội là 115 nghìn tỷ đồng /250 nghìn tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch của cả giai đoạn 2016 - 2020.

Riêng số tiền thu được từ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) các DNNN trong nửa đầu năm 2018 cũng đạt được gần 22.500 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với số tiền thu về từ việc bán cổ phần lần đầu năm 2017 (5.200 tỷ đồng).

Tuy nhiên trên nền bức tranh chung có khởi sắc vẫn còn nổi lên một số vấn đề. Chẳng hạn như, còn tồn tại một số hạn chế như: tiến độ CPH DNNN chậm so với kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, năm 2018 phải hoàn thành CPH 85 DN nhưng đến nay mới CPH được 19 DN.

Mặt khác, tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN cũng chậm so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2017 có 135 DN phải thực hiện thoái vốn, nhưng chỉ mới thoái vốn được 17 DN. Năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, nhưng đến nay, mới thực hiện thoái vốn tại 10 DN.

Cùng với đó, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt tại một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Có tới 747 DN chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo báo cáo của Bộ Tài chính tính đến ngày 15-8-2017...

Nhận định về thực tế trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra, tuy sáu tháng đầu năm số lượng DNNN CPH, bán vốn ít, chậm so với kế hoạch nhưng đều là những DNNN có quy mô lớn, số vốn nhà nước thu về nhiều. Đây là độ sâu của CPH hiện nay, khi mà trước đây, CPH, bán vốn ở nhiều DNNN nhưng số vốn nhà nước bán ra lại nhỏ.

Đề cao chất lượng

Hiện nay vướng mắc lớn làm cản trở tiến độ CPH, thoái vốn chính là khâu xác định, phê duyệt đất đai của DNNN CPH. Bên cạnh đó còn do số lượng DNNN thực hiện kiểm toán, trước khi CPH tăng mạnh, nhiều DNNN có quy mô lớn thực hiện CPH. Ngoài ra, còn do các hướng dẫn chưa được ban hành đầy đủ, thị trường chứng khoán giảm mạnh trong vài tháng qua.

Muốn thực hiện được điều này, cũng như bảo đảm sáu tháng cuối năm hoàn thành được kế hoạch sắp xếp, CPH, thoái vốn DNNN năm 2018 đã đề ra, Thường trực Ban Chỉ đạo kiến nghị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần nỗ lực, khẩn trương, quyết liệt triển khai các quyết nghị của Chính phủ, các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp với các bộ tổng hợp, rà soát, điều chỉnh kế hoạch CPH, thoái vốn để chốt lại kế hoạch bổ sung, làm căn cứ đánh giá kế hoạch thực hiện từ nay tới cuối năm. Phương châm đặt ra là: Không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh chuyện dồn ép mà không đạt hiệu quả tối đa.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải đề cao chất lượng CPH bảo đảm Nhà nước có lợi nhiều nhất, cũng như phải nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN sau CPH.

Tổng thu từ CPH, thoái vốn trong sáu tháng đầu năm 2018 đạt hơn 28 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ CPH gần 22.500 tỷ đồng, thu từ thoái vốn hơn 5.600 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số thu từ CPH, thoái vốn đạt khoảng 198 nghìn tỷ đồng, bao gồm năm 2016 là 30 nghìn tỷ đồng; năm 2017 là 140 nghìn tỷ đồng và năm 2018 là 28 nghìn tỷ đồng.