Trái phiếu doanh nghiệp: kênh huy động vốn hữu dụng

Hải An

(Tài chính) Năm 2014 sẽ là năm đánh dấu những bước hồi phục của nền kinh tế. Nhu cầu đầu tư tái sản xuất, kinh doanh sẽ tăng trở lại. Theo đó, nhu cầu vốn trong khối doanh nghiệp (DN) sẽ tăng lên. Trái phiếu DN (TPDN) sẽ là kênh huy động vốn hữu dụng bên cạnh các công cụ vay qua kênh tín dụng truyền thống.

Những chuyển biến tích cực trong năm 2013

Năm 2013, được coi là năm “được mùa” của TPDN. Số liệu thống kê công bố ngày 10/1/2014 của Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính cho thấy, 34.412 tỷ đồng TPDN đã được phát hành trong năm 2013. Khối lượng này trong năm 2012 là 28.707 tỷ đồng, trong năm 2011 là 25.000 tỷ đồng, trong năm 2010 là 30.000 tỷ đồng. Tính theo dư nợ trên GDP, tỷ lệ dư nợ TPDN/GDP của năm 2013 đạt 2,65%, cao hơn so với tỷ lệ 1,95% của năm 2012.

Có thể điểm tên những DN thành công nhất trong phát hành TPDN năm 2013 là Công ty cổ phần tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD Group phát hành 7.600 tỉ đồng), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… 

Trái phiếu doanh nghiệp: kênh huy động vốn hữu dụng  - Ảnh 1Nguồn: Đầu tư chứng khoán

Trên thực tế, những con số trên đây chưa phải thống kê đầy đủ về thị trường trái phiếu công ty bởi trên thị trường còn có những đợt phát hành riêng lẻ của các DN cho tổ chức tín dụng và mua bán trái phiếu giữa các DN không được công bố.

TPDN được coi là “điểm nóng” trong năm qua vì đây là kênh huy động vốn hữu dụng bên cạnh các công cụ vay qua kênh tín dụng truyền thống. Theo các chuyên gia kinh tế, phát hành TPDN không làm pha loãng lợi ích cổ đông, ngược lại giúp DN chủ động hơn về nguồn vốn và lãi suất, do lãi suất TP thường xác định trước.

So với vay ngân hàng, huy động vốn qua TPDN có một số ưu điểm như không cần có tài sản thế chấp. DN được chủ động sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng. DN chỉ phải trả lãi theo kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm và chỉ trả gốc vào cuối kỳ. Lãi suất TPDN không bị khống chế bởi trần lãi suất nên có tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư…

Trong khi đó, với tín dụng truyền thống, DN phải trả cả lãi và một phần gốc khoản nợ hàng kỳ. Ưu điểm trên giúp nhiều DN đang ở giai đoạn đầu của quá trình đầu tư, dòng tiền thu về chưa có, sẽ ưu tiên công cụ huy động vốn trái phiếu.

Về phía các nhà đầu tư, lãi suất được coi là một trong những yếu tố hấp dẫn, khiến họ đầu tư mạnh tay hơn vào TPDN. Trên thực tế, TPDN đã trở thành kênh đầu tư có lợi suất trên danh nghĩa cao nhất trong năm vừa qua. Lãi suất phát hành cho năm đầu tiên của các DN sản xuất lớn vào khoảng 11-12%/năm và biên lãi suất khoảng 3-3,5%/năm. Lãi suất phát hành của các DN rủi ro cao hơn như bất động sản có thể lên tới 14%/năm.

Đặc biệt, TPDN thời gian gần đây rất được các ngân hàng quan tâm. Theo ông Phạm Xuân Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) thì dù lãi suất TPDN đã có xu hướng giảm trong thời gian qua nhưng thực tế, các ngân hàng vẫn tìm đến TPDN. Nguyên do là bởi đây là loại tài sản không tốn nhiều chi phí giám sát như kênh tín dụng truyền thống; lãi suất TPDN vẫn cao hơn lãi suất tín dụng truyền thống khoảng 3 - 3,5%/năm.

Ngoài ra, ngân hàng khi tham gia đầu tư TPDN sẽ được hưởng những giá trị gia tăng nhất định, ví dụ DN đó mở tài khoản tiền gửi thu về từ hoạt động kinh doanh, đầu tư dự án tại ngân hàng để ngân hàng kiểm soát dòng tiền trả nợ, qua đó ngân hàng có thể cung ứng nhiều dịch vụ giá trị gia tăng phi tín dụng khác cho DN là tổ chức phát hành trái phiếu.

Nhu cầu đầu tư TPDN trong năm 2014

Để tận dụng cơ hội lãi suất đã hạ xuống mức thấp trong nhiều năm qua, các DN lớn đang chuẩn bị cho các đợt vay vốn hàng ngàn tỷ đồng bằng trái phiếu. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) dự kiến phát hành trái phiếu có quy mô 3.000 tỷ đồng. Tập đoàn đã được Bộ Công Thương phê duyệt về chủ trương. Vinacomin đang làm việc với bên tư vấn và chờ báo cáo tài chính năm 2013 để chuẩn bị cho các thủ tục phát hành.

Một tập đoàn ngành hàng tiêu dùng và tài nguyên là Masan Group cũng đang chuẩn bị cho một đợt phát hành trái phiếu quy mô lớn khoảng vài ngàn tỷ đồng, một nguồn tin liên quan đến thương vụ cho biết. Bên cạnh đó, hiện trên thị trường trái phiếu đang có thông tin Hoàng Anh Gia Lai chuẩn bị phát hành trái phiếu với khối lượng dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng - tương tự các đợt phát hành của DN này năm 2013 và 2012.

Đánh giá về nhu cầu đối với TPDN trong năm 2014, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, hiện có những yếu tố thuận lợi cho việc đầu tư vào TPDN là: quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những kết quả nhất định; khối DN trải qua quá trình sàng lọc và nhiều DN tự nâng cao chất lượng hoạt động; các ngân hàng có nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm đầu tư.

Trong bối cảnh đó, nhu cầu đầu tư sẽ tập trung vào trái phiếu của những DN có khả năng vượt qua khủng hoảng. Bản thân những DN này có mức độ tín nhiệm tốt, nên khi phân loại nợ, trái phiếu của những DN này cũng sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới công cuộc xử lý nợ xấu hiện tại của các ngân hàng.

Tuy nhiên, xung quanh vấn đề đánh giá tín nhiệm DN, nhiều ý kiến cho rằng người dân còn thiếu thông tin về DN, chưa có tổ chức nào của Nhà nước đứng ra đánh giá tín nhiệm DN dẫn đến tình trạng DN thực lực yếu phát hành trái phiếu, khiến quyền lợi nhà đầu tư chưa được bảo đảm.

Theo các chuyên gia kinh tế, sau này, không chỉ cần tổ chức nhà nước đứng ra đánh giá tín nhiệm DN mà cần có một hệ thống tiêu chí pháp luật đánh giá DN ở mức độ thế nào, trong khả năng ra sao, vốn chủ sở hữu bao nhiêu... Hiện nay, trên thế giới có cả những đơn vị tư nhân đăng cai đánh giá tín nhiệm DN và hoạt động rất hiệu quả. Căn cứ vào các kết quả đưa ra, các tổ chức tín dụng, tài chính cho vay sẽ nâng lãi suất, giảm thời gian ân hạn, thậm chí là không cho DN vay nữa…