Thu hút FDI cần chính sách dài hơi

Theo Đỗ Huyền/diendandoanhnghiep.vn

Nhiều chuyên gia cảnh báo, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 với sức tàn phá dữ dội có thể làm gia tăng tâm lý phân vân, e ngại của giới đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng đầu năm. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ).

Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC mới công bố gần đây cho rằng, Việt Nam là điểm đến tăng trưởng hấp dẫn, đầu tư tốt nhất trong khu vực.

Dù có nhiều điểm nổi trội từ việc thu hút FDI song nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 với sức tàn phá dữ dội có thể làm gia tăng tâm lý phân vân, e ngại của giới đầu tư. Chính vì vậy, việc cải thiện môi trường đầu tư, linh hoạt trong giải pháp phòng, chống dịch là nhiệm vụ căn cơ lúc này.

Chuyên gia kinh tế, PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng ở thời điểm hiện tại ngoài yêu cầu bắt buộc là mở cửa nền kinh tế thì các chính sách dài hơi cũng là điều cần được quan tâm ngay lúc này để có thể giữ chân các doanh nghiệp FDI.

“Đây là đòi hỏi bắt buộc để phục hồi và tăng trưởng. Trước hết, có thể nới lỏng và tổ chức lại hoạt động kinh doanh tại “vùng xanh”, khu vực an toàn, không có F0 trong cộng đồng trong 2, 3 tuần. Những người quay trở lại sản xuất, kinh doanh nên được tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine và kèm theo đó là bảo đảm 5K”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cũng nhận định, khi nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn có hàng chục nghìn công nhân thì lực lượng lao động này không phải đến từ một vùng, mà có thể đến từ “vùng xanh, vàng, đỏ” nên phải phân loại kỹ lưỡng.

Cùng với đó, các chuyên gia kinh tế đều nhất quán, kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế cần phải thực hiện từng bước, hài hòa với các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.  

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định rằng dù triển vọng thu hút FDI rất sáng nhưng sự cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần lưu ý một số vấn đề.

“Đó là các nhà đầu tư FDI mới và FDI dịch chuyển. Làn sóng dịch chuyển FDI khiến các nước phải có phương án giữ chân, mời chào. Cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài và thu hút dòng vốn dịch chuyển hết sức quyết liệt. Để tận dụng dòng vốn ngoại, Việt Nam cần có khả năng cạnh tranh, hiệu suất cao hơn trong sản xuất để duy trì lợi thế, giữ chân nhà đầu tư nước ngoài”, ông Toàn nhấn mạnh.

Theo quan điểm của ông Toàn, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các biện pháp giãn cách làm hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và triển khai dự án tại Việt Nam, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng chỉ giảm nhẹ (2,1%) so với cùng kỳ năm ngoái; đặc biệt, vốn đăng ký mới vẫn tăng mạnh (16,3%), vốn giải ngân vẫn đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ 2020, điều đó càng chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

“Do vậy, triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn rất sáng. Với niềm tin của cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả để phát huy nội lực, tận dụng ngoại lực cho phát triển kinh tế”, ông Toàn nói.