Thu hút FDI 6 tháng đầu năm: Nhiều điểm sáng

Theo Nguyễn Hòa/congthuong.vn

Theo ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bức tranh FDI những tháng đầu năm chỉ có vốn góp, mua cổ phần giảm, còn nhiều điểm sáng, đó là vốn đăng ký mới và tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vốn vào công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong tổng số 15,27 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm thì vốn FDI đăng ký mới của 804 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư đạt 9,55 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; vốn điều chỉnh của 460 lượt dự án đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6%; vốn góp, mua cổ phần của 1.855 lượt dự án đạt 1,61 tỷ USD, giảm 54,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Bình luận về con số này, ông Phạm Đình Thúy cho rằng, chỉ có vốn góp, mua cổ phần trong 6 tháng đầu năm giảm, còn vốn đăng ký mới và tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước với mức tăng lần lượt 13,2% và 10,6%. Đây là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và được coi là điểm sáng trong bức tranh FDI những tháng đầu năm.

Một điểm sáng nữa trong bức tranh FDI 6 tháng, theo ông Phạm Đình Thúy, đó là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực của Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sức hấp dẫn của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài; và là dấu hiệu tích cực của tăng trưởng kinh tế những năm tới.

Cần nâng cao chất lượng lao động

Nhận định về cơ hội thu hút FDI những tháng cuối năm, ông Phạm Đình Thúy cho rằng, với những lợi thế về chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao trong nhiều năm liền, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và thành công trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19, môi trường đầu tư Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về độ an toàn. Đây là yếu tố thuận lợi để Việt Nam có thêm cơ hội thu hút FDI vào những tháng cuối năm.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá rất tích cực khi làn sóng FDI lần thứ 4 đang diễn ra và Việt Nam là điểm đến của sự dịch chuyển này. Song trong bối cảnh caånh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt giữa các quốc gia trên thế giới và khu vực, hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài còn gặp khó khăn do những tác động từ đại dịch Covid-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam phải thích ứng, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong thu hút đầu tư, có như vậy mới tận dụng được cơ hội từ làn sóng FDI thứ 4.

Để biến những cơ hội thành hiện thực, theo ông Thúy, vấn đề cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cần được quan tâm. Bởi thực tế thời gian qua đã có những nhà đầu tư lớn trên thế giới vào tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhưng vì chất lượng nguồn lao động không đáp ứng được yêu cầu nên họ đã chuyển sang quốc gia khác để đầu tư. “Nếu chất lượng nguồn lao động không nhanh chóng được cải thiện, thì Việt Nam sẽ mất đi những cơ hội thuận lợi trong thu hút FDI” - ông Thúy nhấn mạnh.

Bên cạnh việc hoàn thiện về chính sách, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông… thì vấn đề nâng cao chất lượng lao động cũng là yêu cầu cần thiết giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút FDI với các đối tác trên thế giới.