Tiếp cận nguồn vốn đối với doanh nghiệp tư nhân

Theo An Thiện/daibieunhandan.vn

Theo Trưởng ban Chương trình Quốc gia, Cơ quan đại diện thường trú Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường, có nhiều mô hình phát triển doanh nghiệp tư nhân ở các nước mà Việt Nam có thể học hỏi. Nhưng quan trọng nhất với Việt Nam là cải thiện môi trường kinh doanh...

Quan trọng nhất là cải thiện môi trường kinh doanh.
Quan trọng nhất là cải thiện môi trường kinh doanh.

Có rất ít doanh nghiệp tư nhân lớn

PV: Những năm gần đây Chính phủ Việt Nam tập trung phát triển kinh tế tư nhân. Theo quan sát của ông, kinh tế tư nhân hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Cường.
Ông Nguyễn Minh Cường.

Nguyễn Minh Cường: Hiện nay, Việt Nam có kinh tế nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và kinh tế tư nhân. Trong đó kinh tế tư nhân rất quan trọng, đáng ra phải đóng góp chủ yếu vào GDP, nhưng hiện nay mới chỉ đóng góp khoảng 10%. Đáng chú ý là, khu vực này chủ yếu gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, có rất ít tập đoàn tư nhân lớn. Theo số liệu thống kê, 10 năm qua, số doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lên nhưng số tập đoàn lớn chững lại và có xu hướng giảm nên chúng ta cần phải xem xét.

Nếu như kinh tế tư nhân được tính cả hộ kinh tế gia đình thì đóng góp vào GDP sẽ lớn hơn rất nhiều, khoảng trên 40%. Nhưng sự đóng góp của kinh tế tư nhân phụ thuộc nhiều vào việc liệu doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển thành doanh nghiệp lớn hay không, bởi vì để đóng góp được lớn cho GDP thì cần phải có những doanh nghiệp lớn và tham gia rất sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi kinh tế tư nhân trong nước vẫn trên nền tảng yếu như vậy thì cạnh tranh với doanh nghiệp FDI như thế nào?

Đây là câu chuyện rất lớn. Ngoài vấn đề cạnh tranh còn là sự tương tác giữa hai khu vực này. Trong 10 năm qua, doanh nghiệp tư nhân đã có những bước phát triển tương đối khả quan, xuất hiện những dấu hiệu tham gia trực tiếp, đầu tư thẳng ra nước ngoài. Một số doanh nghiệp thiết lập, tham gia vào cung ứng cấp độ 1 với các doanh nghiệp FDI, nhưng tốc độ đó vẫn rất chậm mà đa số vẫn đang tham gia cung ứng ở cấp độ 2 và cấp độ 3. Trong khi những doanh nghiệp FDI lớn rất cần có sự cung ứng thì doanh nghiệp nội địa lại chưa thể đáp ứng được bởi thiếu đổi mới, thiếu đầu tư và chiến lược dài hạn.

Nếu như thời gian tới, khu vực FDI tiếp tục tăng thì vấn đề đặt ra là chúng ta cần tăng cường tính cạnh tranh và tính tương tác, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp FDI để có thể nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng, hiện nay vì chưa có được mối liên kết đó nên sự cạnh tranh của các khối kinh tế này rất mạnh mẽ. Do đó, trước mắt cần những chính sách bảo hộ nhất định cho doanh nghiệp trong nước nhưng không vi phạm những nguyên tắc trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Hiệu quả sử dụng vốn thấp

Các doanh nghiệp tư nhân trong nước luôn luôn mong muốn được hỗ trợ về vốn, chính sách, ưu đãi… Theo ông, Nhà nước có cần hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tư nhân như vậy không?

Quan sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, một trong những vấn đề hàng đầu của doanh nghiệp tư nhân trong nước luôn được nêu ra là về tiếp cận nguồn vốn. Nhưng thực tế, Nhà nước đã tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau. Chẳng hạn thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; ngân hàng thương mại nhà nước cũng đều có các chương trình dành cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; quỹ đầu tư của các tỉnh cũng hỗ trợ cho khu vực này. Tất nhiên, vấn đề vốn rất quan trọng nhưng vấn đề sử dụng hiệu quả vốn cũng quan trọng không kém.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, hiện nay việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp tư nhân trong nước so với doanh nghiệp các nước trong khu vực ASEAN (ngoại trừ Singapore) là không thấp, nhưng hiệu quả sử dụng vốn lại gần như thấp nhất. Hiệu quả sử dụng vốn liên quan đến vấn đề về trình độ người lao động, kỹ năng quản lý, tiếp cận với khoa học công nghệ, điều này có nghĩa là doanh nghiệp trong nước chưa được tiếp cận các yếu tố quan trọng này.

Trong khi đó, những yếu tố này không thể dùng biện pháp hành chính để làm tăng cường khả năng quản lý mà thực sự phải qua hội nhập, liên kết sâu giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với chuỗi giá trị toàn cầu, với doanh nghiệp FDI. Cải thiện kỹ năng của người lao động, ứng dụng công nghệ mới, đổi mới và sáng tạo thì doanh nghiệp nhỏ và vừa mới không bị tụt hậu trên con đường hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện nay, Chính phủ các nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho khu vực tư nhân phát triển. Vậy, Việt Nam nên học hỏi mô hình phát triển doanh nghiệp tư nhân của nước nào thì phù hợp, thưa ông?

Có rất nhiều mô hình phát triển doanh nghiệp tư nhân ở các nước phát triển như Mỹ, các nước Bắc Âu, hay các nước trong khu vực như Singapore, Philippines, Thái Lan… Thế nhưng quan trọng nhất đối với Việt Nam là cải thiện môi trường kinh doanh... trong đó cần tiếp tục cải cách các thủ tục về thuế để doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển mạnh hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta cần bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước. Việt Nam có độ mở cửa gần như lớn nhất trong khu vực và trên thế giới khi tham gia nhiều các hiệp định song phương, đa phương. Cho nên, một chính sách vừa hỗ trợ để bảo hộ doanh nghiệp trong nước mà vẫn không vi phạm những thỏa thuận mà Việt Nam tham gia là rất cần thiết.

Xin cảm ơn ông!