Trao đổi về cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp
Ngày 7/4/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 28/2021/TT-BTC về tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 (Tiêu chuẩn thẩm định giá doanh nghiệp) quy định cụ thể các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp.
Để góp phần giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những nội dung liên quan đến thẩm định giá, bài viết trao đổi, làm rõ các quy định về phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp.
Cơ sở giá trị của thẩm định giá doanh nghiệp
Thẩm định giá (TĐG) là việc cơ quan, tổ chức có chức năng TĐG xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn TĐG.
Cơ sở giá trị doanh nghiệp (GTDN) là giá trị thị trường hoặc giá trị phi thị trường. Cơ sở GTDN được xác định trên cơ sở mục đích TĐG, đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và đặc điểm thị trường của DN cần TĐG, yêu cầu của khách hàng TĐG tại hợp đồng TĐG và quy định của pháp luật có liên quan.
Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Tiêu TĐG Việt Nam số 2 và số 3. Căn cứ vào triển vọng thực tế của DN, thị trường kinh doanh của DN, mục đích TĐG và quy định của pháp luật, thẩm định viên đưa ra nhận định về tình trạng hoạt động, tình trạng giao dịch (thực tế hoặc giả thiết) của DN cần TĐG sau thời điểm TĐG. Việc áp dụng các phương pháp TĐG DN cần xem xét sự phù hợp với cơ sở GTDN và nhận định của thẩm định viên về trạng thái hoạt động của DN tại và sau thời điểm TĐG.
Cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp
Các cách tiếp cận áp dụng trong TĐG DN bao gồm: Tiếp cận từ thị trường; Tiếp cận từ chi phí; Tiếp cận từ thu nhập. DN thẩm định giá cần lựa chọn cách tiếp cận, phương pháp TĐG trên cơ sở hồ sơ, tài liệu được cung cấp và thông tin tự thu thập để TĐG DN. Cụ thể:
Thứ nhất, cách tiếp cận từ thị trường. GTDN được xác định thông qua giá trị của DN so sánh với DN cần TĐG về các yếu tố: Quy mô, ngành nghề kinh doanh chính, rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính, các chỉ số tài chính hoặc giá giao dịch đã thành công của chính DN cần TĐG. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ thị trường để xác định GTDN là phương pháp tỷ số bình quân và phương pháp giá giao dịch.
Phương pháp tỷ số bình quân ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG thông qua tỷ số thị trường trung bình của các DN so sánh. DN so sánh là DN thỏa mãn các điều kiện sau: Tương tự với DN cần TĐG về các yếu tố: Ngành nghề kinh doanh chính, rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính, các chỉ số tài chính. Có thông tin về giá cổ phần được giao dịch thành công trên thị trường tại thời điểm TĐG hoặc gần thời điểm TĐG nhưng không quá 1 năm tính đến thời điểm TĐG.
Trường hợp áp dụng phương pháp tỷ số bình quân phải có ít nhất 3 DN so sánh. Ưu tiên các DN so sánh là các DN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Có 3 bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu của DN: Bước 1-Đánh giá, lựa chọn các DN so sánh; Bước 2-Xác định các tỷ số thị trường được sử dụng để ước tính GTDN cần TĐG; Bước 3-Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG trên cơ sở các tỷ số thị trường phù hợp để sử dụng và thực hiện các điều chỉnh khác biệt.
Phương pháp giá giao dịch ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG thông qua giá giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cổ phần thành công trên thị trường của chính DN cần TĐG.
Trường hợp áp dụng phương pháp giá giao dịch là DN cần TĐG có ít nhất 3 giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cổ phần thành công trên thị trường, đồng thời, thời điểm diễn ra giao dịch không quá 01 năm tính đến thời điểm TĐG. Thẩm định viên cần đánh giá, xem xét việc điều chỉnh giá các giao dịch thành công phù hợp với thời điểm thẩm định giá.
Giá trị vốn chủ sở hữu của DN cần thẩm định giá được tính theo giá bình quân theo khối lượng giao dịch của ít nhất 3 giao dịch thành công của việc chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần gần nhất trước với thời điểm TĐG.
Trường hợp DN cần TĐG là DN đã niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán hoặc đã đăng ký giao dịch trên UPCoM, giá cổ phần để tính giá thị trường vốn chủ sở hữu là giá giao dịch, hoặc giá đóng cửa của cổ phần của DN cần TĐG hoặc gần nhất với thời điểm TĐG và phải có giao dịch của cổ phần này trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm TĐG trở về trước.
Thứ hai, cách tiếp cận từ chi phí, GTDN được xác định thông qua giá trị các tài sản của DN. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ chi phí để xác định GTDN là phương pháp tài sản.
Phương pháp tài sản là phương pháp ước tính GTDN cần TĐG thông qua tính tổng giá trị của các tài sản thuộc quyền sở hữu và sử dụng của DN cần TĐG. Việc xác định GTDN nhà nước và công ty TNHH một thành viên do DN nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ để chuyển thành công ty cổ phần bằng phương pháp tài sản được áp dụng theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.
Có 3 bước tiến hành: Bước 1-Ước tính tổng giá trị các tài sản hữu hình và tài sản tài chính của DN cần TĐG; Bước 2-Ước tính tổng giá trị các tài sản vô hình của DN cần TĐG; Bước 3-Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG.
Thứ ba, cách tiếp cận từ thu nhập, GTDN được xác định thông qua việc quy đổi dòng tiền thuần trong tương lai có thể dự báo được về thời điểm TĐG. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ thu nhập để xác định GTDN là phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của DN, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức và phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu.
Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của DN xác định GTDN cần TĐG thông qua ước tính tổng của giá trị chiết khấu dòng tiền tự do của DN cần TĐG với giá trị hiện tại của các tài sản phi hoạt động của DN tại thời điểm TĐG.
Trường hợp DN cần TĐG là công ty cổ phần, phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của DN được sử dụng với giả định coi các cổ phần ưu đãi của DN cần TĐG như cổ phần thường. Giả định này cần được nêu rõ trong phần hạn chế của chứng thư TĐG và báo cáo kết quả TĐG.
Có 4 bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu của DN: Bước 1-Dự báo dòng tiền tự do của DN cần TĐG; Bước 2-Ước tính chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền của DN cần TĐG; Bước 3-Ước tính giá trị cuối kỳ dự báo; Bước 4-Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG.
Để ước tính giai đoạn dự báo dòng tiền, thẩm định viên căn cứ vào đặc điểm của DN, lĩnh vực kinh doanh và bối cảnh kinh tế để lựa chọn các mô hình tăng trưởng phù hợp. Giai đoạn dự báo dòng tiền tối thiểu là 3 năm.
Đối với DN mới thành lập hoặc đang tăng trưởng nhanh thì giai đoạn dự báo dòng tiền có thể kéo dài đến khi DN bước vào giai đoạn tăng trưởng đều. Đối với DN hoạt động có thời hạn, thì việc xác định giai đoạn dự báo dòng tiền cần đánh giá, xem xét đến tuổi đời của DN.
Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức xác định giá trị vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG thông qua ước tính tổng của giá trị chiết khấu dòng cổ tức của DN cần TĐG. Trường hợp DN cần TĐG là công ty cổ phần, phương pháp chiết khấu dòng tiền cổ tức của DN được sử dụng với giả định coi các cổ phần ưu đãi của DN cần TĐG như cổ phần thường. Giả định này cần được nêu rõ trong phần hạn chế của chứng thư TĐG và báo cáo kết quả TĐG.
Có 4 bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu:
Bước 1-Dự báo dòng cổ tức của DN cần TĐG. Thẩm định viên cần dự báo tỷ lệ chia cổ tức và tỷ lệ tăng trưởng cổ tức của DN cần TĐG. Để ước tính giai đoạn dự báo dòng cổ tức, thẩm định viên căn cứ vào đặc điểm của DN, của lĩnh vực kinh doanh và bối cảnh kinh tế để lựa chọn các mô hình tăng trưởng phù hợp.
Giai đoạn dự báo dòng cổ tức tối thiểu là 3 năm. Đối với các DN mới thành lập hoặc đang tăng trưởng nhanh thì giai đoạn dự báo dòng cổ tức có thể kéo dài đến khi DN bước vào giai đoạn tăng trưởng đều. Đối với DN hoạt động có thời hạn thì giai đoạn dự báo dòng cổ tức được xác định theo tuổi đời của DN;
Bước 2-Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu theo hướng dẫn tại tiết d điểm 6.4 Tiêu chuẩn này;
Bước 3-Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo theo dòng cổ tức sau giai đoạn dự báo là dòng tiền không tăng trưởng và kéo dài vô tận và dòng cổ tức sau giai đoạn dự báo là dòng tiền tăng trưởng đều đặn mỗi năm và kéo dài vô tận. Tốc độ tăng trưởng của dòng cổ tức được dự báo trên cơ sở tỷ lệ lợi nhuận sau thuế để lại để bổ sung vốn, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Trường hợp DN chấm dứt hoạt động vào cuối kỳ dự báo, giá trị cuối kỳ dự báo được xác định theo giá trị thanh lý của DN cần TĐG;
Bước 4-Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG bằng cách cộng giá trị hiện tại thuần của các dòng cổ tức của DN và giá trị hiện tại vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo với giá trị các tài sản phi hoạt động và tài sản hoạt động chưa được thể hiện trong dòng cổ tức của DN cần TĐG.
Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu xác định giá trị vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG thông qua ước tính tổng của giá trị chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG. Trường hợp DN cần TĐG là công ty cổ phần, phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu được sử dụng với giả định coi các cổ phần ưu đãi của DN cần TĐG như cổ phần thường. Giả định này cần được nêu rõ trong phần hạn chế của chứng thư TĐG và báo cáo kết quả TĐG.
Có 4 bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu:
Bước 1-Dự báo dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG. Để ước tính giai đoạn dự báo dòng tiền, thẩm định viên căn cứ vào đặc điểm của DN, của lĩnh vực kinh doanh và bối cảnh kinh tế để lựa chọn các mô hình tăng trưởng phù hợp.
Giai đoạn dự báo dòng tiền tối thiểu là 3 năm. Đối với DN mới thành lập hoặc đang tăng trưởng nhanh thì giai đoạn dự báo dòng tiền có thể kéo dài đến khi DN bước vào giai đoạn tăng trưởng đều. Đối với DN hoạt động có thời hạn thì việc xác định giai đoạn dự báo dòng tiền cần đánh giá, xem xét đến tuổi đời của DN;
Bước 2-Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của DN cần thẩm định giá theo hướng dẫn tại tiết d điểm 6.4 Tiêu chuẩn này;
Bước 3-Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo trong trường hợp dòng tiền sau giai đoạn dự báo là dòng tiền không tăng trưởng và kéo dài vô tận và dòng tiền sau giai đoạn dự báo là dòng tiền tăng trưởng đều đặn mỗi năm và kéo dài vô tận.
Tốc độ tăng trưởng của dòng tiền vốn chủ sở hữu được dự báo trên cơ sở tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận hoạt động sau thuế, triển vọng phát triển của DN, tốc độ tăng trưởng dòng tiền trong quá khứ của DN, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tỷ lệ tái đầu tư... Trường hợp DN chấm dứt hoạt động tại cuối kỳ dự báo, giá trị cuối kỳ dự báo được xác định theo giá trị thanh lý của DN cần TĐG;
Bước 4-Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG bằng cách cộng giá trị hiện tại thuần của dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu và giá trị hiện tại vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo với giá trị các tài sản phi hoạt động và tài sản hoạt động chưa được thể hiện trong dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG, sau đó trừ đi các khoản nợ phải trả chưa được thể hiện trong dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của DN cần TĐG.
Khi xác định GTDN bằng cách tiếp cận từ thu nhập cần cộng giá trị của các tài sản phi hoạt động tại thời điểm TĐG với giá trị chiết khấu dòng tiền có thể dự báo được của các tài sản hoạt động tại thời điểm TĐG.
Trong trường hợp không dự báo được một cách đáng tin cậy dòng tiền của một số tài sản hoạt động thì thẩm định viên có thể không dự báo dòng tiền của tài sản hoạt động này và xác định riêng giá trị của tài sản hoạt động này để cộng GTDN. Riêng phương pháp chiết khấu cổ tức thì không cộng thêm phần tài sản phi hoạt động là tiền mặt và tương đương tiền.
Kết luận
Như vậy, Bộ Tài chính đã ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá và quy định cụ thể các cách tiếp cận và phương pháp thẩm GTDN. Các DN tuỳ vào trường hợp cụ thể để áp dụng đúng các phương pháp TĐG.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2012), Luật Giá;
2. Bộ Tài chính (2021), Thông tư số 28/2021/TT-BTC ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12;
3. https://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/03-cach-tiep-can-va-phuong-phap-tham-dinh-gia-doanh-nghiep-333703.html;
4. https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thong-bao-van-ban-moi/email/35540/ tieu-chuan-tham-dinh-gia-doanh-nghiep-ap-dung-tu-01-7-2021.
(*) ThS. Nguyễn Khánh Thu Hằng - Trường Đại học Duy Tân
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021