Xu thế mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam trong trạng thái bình thường mới

ThS. Tạ Thị Bích Thuỷ - Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng

Tìm hiểu thực trạng thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam hiện nay, bài viết nhận diện những vấn đề đặt ra khi Việt Nam đứng trước cơ hội lớn đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ những thị trường lớn... từ đó, định hình xu thế M&A doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp hiện nay

Thời gian vừa qua, nền kinh tế thế giới đã chứng kiến làn sóng M&A diễn ra mạnh mẽ với quy mô lớn. Những đợt sóng này đã không còn bó hẹp trong phạm vi các quốc gia có nền kinh tế phát triển mà đã lan toả sang các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Nga, Ấn Độ…

Tại Việt Nam, thị trường M&A diễn ra sôi động với khá nhiều thương vụ lớn, trở thành điểm đến M&A hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Nhiều nhà đầu tư quốc tế đã lựa chọn Việt Nam để thực hiện nhiều thương vụ M&A lớn và thu được lợi nhuận đáng kể từ việc tận dụng những nền tảng kinh doanh sẵn có của các doanh nghiệp Việt Nam sau khi M&A.

Xu thế mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam trong trạng thái bình thường mới - Ảnh 1

Thống kê trong giai đoạn 2007-2017, hoạt động M&A tại Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, năm 2017 đạt khoảng 10 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp 50% giá trị của thương vụ Sabeco. Giai đoạn 2018-2019, giá trị M&A tuy giảm nhẹ, song năm 2019, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt khoảng 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018.

Như vậy, năm 2019 về giá trị tuy giảm so với giai đoạn 2016-2017, nhưng trên thị trường M&A Việt Nam vẫn xuất hiện nhiều yếu tố tích cực, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ lớn với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn tư nhân lớn. Điển hình như: Thương vụ hợp nhất, hoán đổi cổ phần giữa VinCommerce & VinEco với Masan Group. KEB Hana Bank (Hàn Quốc) mua lại 15% vốn điều lệ của BIDV…

Năm 2020, do tác động bởi đại dịch Covid-19, hoạt động M&A trên thế giới và Việt Nam có xu hướng giảm mạnh và hoạt động này dự báo sẽ phục hồi trở lại vào cuối năm 2021. Theo đó, hoạt động M&A doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ những thị trường lớn; từ thực hiện cam kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; từ việc sửa đổi luật pháp về đầu tư kinh doanh; từ việc đẩy mạnh M&A từ các tập đoàn lớn trong chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị...

Có nhiều yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam làm điểm đến chuyển hướng đầu tư kinh doanh, nhưng nhìn chung yếu tố giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế là sự ổn định chính trị, kinh tế đạt mức tăng trưởng dương trong khi đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng trên toàn cầu. Hơn nữa, với dân số 100 triệu dân, cùng với lực lượng lao động dồi dào, Việt Nam được coi là thị trường tiêu thụ lớn.

Xu thế mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam trong trạng thái bình thường mới - Ảnh 2

Đặc biệt, với xu thế dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Việt Nam là nơi đặt nhà máy. Việc xây dựng nhà máy lại từ đầu cũng khiến nhà đầu tư tốn nhiều thời gian, chi phí, vì vậy, việc tận dụng các nhà máy của Việt Nam sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài không bị gián đoạn, nhanh chóng vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dự báo xu hướng M&A trong thời gian tới

Trong giai đoạn 2019-2020, trạng thái bình thường mới có tác động hai mặt về tích cực và tiêu cực đến thị trường M&A. Trên phạm vi toàn cầu, giá trị M&A năm 2020 đã ghi nhận suy giảm; trong đó, Việt Nam được đánh giá ít bị tác động nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á.

Tương tự, các quốc gia khác trên thế giới, đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra hàng loạt áp lực cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung và từng ngành nghề, lĩnh vực nói riêng. Tuy nhiên, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn sau khi khống chế thành công đại dịch Covid-19. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia hấp dẫn để gia nhập hoặc mở rộng đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Bấp chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam hiện là nước duy nhất có mức tăng trưởng dương, trong khi các nước trong khu vực Đông Nam Á tăng trưởng âm.

Dự báo, trong giai đoạn 2021-2022, hoạt động M&A doanh nghiệp Việt Nam sẽ phục hồi; trong đó, khối ngoại, nhất là nhà đầu tư đến từ các quốc gia như: Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... tiếp tục tham gia M&A tại Việt Nam. Nhiều cơ hội mở ra khi sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường lớn nhưng kém an toàn; các Hiệp định thương mại tự do mới như: CPTPP, EVFTA, EVIPA; việc sửa đổi một loạt các luật quan trọng mới về đầu tư kinh doanh trong đó, có các quy định mới cởi mở hơn, minh bạch hơn cho hoạt động M&A; việc đẩy mạnh hoạt động M&A của nhiều tập đoàn lớn trong chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị…

Xu thế mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam trong trạng thái bình thường mới - Ảnh 3

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19, có thể nhận diện xu hướng M&A theo một số lĩnh vực cụ thể như sau:

Lĩnh vực phân phối bán lẻ

Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Nổi bật là Quốc hội đã chính thức thông qua Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA. Đây là cơ sở để củng cố làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ. Lĩnh vực này dự báo sẽ dẫn đầu và phát triển mạnh trong thời gian tới, khi một số loại thuế quan áp dụng cho hàng hóa từ châu Âu được dỡ bỏ ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, Việt Nam cũng đồng ý bãi bỏ yêu cầu về kiểm tra nhu cầu kinh tế theo lộ trình cam kết. 

Lĩnh vực thương mại điện tử

Đại dịch Covid-19 xảy ra từ cuối năm 2019 và bắt đầu lan rộng ra toàn cầu từ đầu năm 2020, với việc ban hành các quy định về giãn cách xã hội đã làm thay đổi mạnh mẽ thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, thương mại điện tử ở Việt Nam đang từng bước hình thành, tăng trưởng mạnh mẽ và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong phân phối hàng hóa.

Với tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử, thời gian gần đây thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Ba yếu tố nổi bật của lĩnh vực này là đầu tư gia tăng mạnh, ứng dụng công nghệ tiên tiến và cạnh tranh khốc liệt.

Nhận thấy nhu cầu về tốc độ giao hàng nhanh chóng và kịp thời của người tiêu dùng là chính đáng, các công ty thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam đang chạy đua để cải thiện tốc độ giao hàng với nhiều chiến lược khác nhau để gia tăng trải nghiệm của khách hàng.

Cạnh tranh giao nhận hàng hóa nhanh hay chậm trên thị trường ngày càng trở nên khắc nghiệt khi DHL cam kết giao hàng trong ngày, Lazada mở dịch vụ hỏa tốc, Tiki với tuyên ngôn giao hàng trong vòng 2 giờ, Shopee cam kết giao hàng trong 4 giờ với dịch vụ Shopee Express. Có thể nói, việc thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19 và sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực thương mại điện tử đã khiến người tiêu dùng nhanh chóng chuyển sang sử dụng các kênh mua sắm trực tuyến, đem lại tiềm năng thu hút hoạt động M&A trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Xu thế mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam trong trạng thái bình thường mới - Ảnh 4

Lĩnh vực y tế

Những năm gần đầy, M&A trong lĩnh vực y tế diễn ra khá sôi động khi nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của đại bộ phận dân cư ngày càng tăng cao. Không thể phủ nhận, việc phát triển nhanh chóng của các bệnh viện quốc tế hoặc các bệnh viện được vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế đã giúp giảm tải cho hệ thống bệnh viện công.

Cùng với đó là uy tín của Việt Nam ngày càng tăng khi có nhiều quyết sách nhằm ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19, giữ được đà phát triển kinh tế với mức tăng trưởng dưng, cũng như nỗ lực được xã hội ghi nhận của ngành Y tế nói riêng, đã tạo nên nhiều cảm hứng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Lĩnh vực bất động sản

Kịch bản M&A trong lĩnh vực bất động sản có thể khác biệt đối với các phân khúc khác nhau. Đối với các nhà đầu tư có nguồn vốn vững mạnh, họ có khuynh hướng đầu tư vào các khu vực bất động sản có vị trí đắc địa mà trước đây chưa thể đầu tư vì nhiều lý do. Hiện nay, các giao dịch trong lĩnh vực bất động sản đang hướng tới phát triển các dự án nghỉ dưỡng hoặc các khách sạn ở vị trí trung tâm và thu hút dân cư. Tuy nhiên, trước bối cảnh ngành Du lịch và khách sạn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, sự quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này dự kiến có thể có sự điều chỉnh trong ngắn hạn.

Theo đó, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản có thể sẽ chuyển hướng phát triển mạnh trong lĩnh vực văn phòng hoặc những dự án phức hợp căn hộ và thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, tùy vào loại hình dự án, nhà đầu tư cần kiểm tra tính pháp lý liên quan đến mục đích sử dụng đất, hình thức sử dụng đất, các tài liệu liên quan đến quyền sở hữu của dự án mục tiêu để có thể đưa ra một chiến lược đầu tư hiệu quả.

Các ngành dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

Năm 2020, thị trường M&A trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm khá trầm lắng, nguyên nhân là do các nước thắt chặt và thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh Covid-19, rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng, nợ xấu gia tăng và lợi nhuận của ngân hàng Việt Nam theo đó cũng bị ảnh hưởng, điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và không đưa ra quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh chóng hơn các quốc gia khác, cộng thêm sự thay đổi tích cực của các ngân hàng từ công nghệ, quản trị, dịch vụ… thì lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm dự báo sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, có khả năng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng mua cổ phần các ngân hàng nhỏ hoặc công ty tài chính có nền tảng công nghệ yếu, mua cổ phần và đầu tư công nghệ để phát triển các dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ, đặc biệt là thanh toán điện tử, cho vay tiêu dùng, tài chính vi mô, bảo hiểm...

Theo dự báo, thị trường M&A doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Theo đó, thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.

Kết luận

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức và cũng tạo không ít cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy hoạt động M&A doanh nghiệp ở Việt Nam không còn sôi động như những năm trước đây, nhưng với những thay đổi về chính sách đầu tư, tư tưởng mở rộng trong hội nhập quốc tế cùng với uy tín hiện có, thị trường M&A doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo dự báo sẽ chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ.          

Tài liệu tham khảo:

1. Nhóm Nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (2020), “Thị trường M&A Việt Nam 2019-2020: Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới”, Viện Nghiên cứu Đầu tư và Mua bán sáp nhập;

2. Trúc Linh (2020), Thị trường mua bán, sáp nhập: Thận trọng trước xu hướng ngoại hóa doanh nghiệp nội, Tạp chí Con số và Sự kiện;

3. Vũ Long (2020), Mua bán sáp nhập doanh nghiệp: Bật tăng vào năm 2021? Báo Lao động.

(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021