Tài chính - ngân hàng trước TPP: Đối mặt với cạnh tranh
Cạnh tranh về dịch vụ, đặc biệt khả năng đáp ứng vốn trung dài hạn đang đặt ra thách thức cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang dần đi đến thời điểm có hiệu lực. Đó là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng.
Phóng viên: Qua nghiên cứu các quy định liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong TPP, ông thấy những vấn đề gì là đáng chú ý?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có lẽ, nội dung xuyên suốt và đáng chú ý của TPP về tài chính là liên quan đến vấn đề minh bạch hóa. Hiệp định này thúc đẩy việc tự do hóa cung cấp tài chính tại các nước thành viên.
Trong đó, nguyên tắc đặt ra là các nước thành viên phải đối xử công bằng, bình đẳng và minh bạch với tất cả các định chế tài chính (ĐCTC) ở các nước thành viên khác như với các tổ chức trong nước của mỗi thành viên. Đồng thời, các nước thành viên phải mở rộng thị trường cho các ĐCTC hoạt động và phải giảm thiểu những biện pháp hành chính trong quản lý hoạt động.
Chương tài chính của TPP cũng cho biết sẽ thành lập một hội đồng về các dịch vụ tài chính. Hội đồng này sẽ có trách nhiệm giám sát việc thực hiện những điều khoản liên quan đến hoạt động của các ĐCTC, cũng như tham gia vào giải quyết những xung đột xung quanh việc cung cấp dịch vụ tài chính, và có những đề xuất với các nước thành viên về biện pháp kiểm soát mà họ thấy cần thiết…
Các quy định đó sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động cho vay của các TCTD như thế nào?
Khi vào TPP, chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn mới, trong đó nhu cầu vốn càng ngày càng tăng. Muốn cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thì vấn đề vốn luôn là trọng tâm. Và muốn phát triển vốn, bơm được một nguồn vốn lớn hơn vào nền kinh tế để theo kịp các đòi hỏi của TPP thì các NH cần phải có những chương trình đáp ứng nhu cầu tín dụng đó.
Nhưng hiện tại, điều mà nhiều NH Việt Nam còn đang thiếu là nguồn vốn trung và dài hạn. Để chuẩn bị cho việc nắm bắt cơ hội từ những hiệp định như TPP, vấn đề quan trọng của nền kinh tế cũng như các DN là phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, cơ sở sản xuất kinh doanh… Để làm được điều đó thì không thể nào dùng những nguồn vốn ngắn hạn, mà phải có vốn 3 năm, 5 năm hay thậm chí dài hơn.
Ý ông là ở mảng dịch vụ cung ứng vốn trung dài hạn sẽ có sự xuất hiện của các NH nước ngoài, cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của thị trường?
Đúng vậy, vì các NH nước ngoài rất trường vốn, có những dòng vốn trung, dài từ các quỹ đầu tư, từ thị trường vốn dồi dào và chi phí thấp, nên nhiều khả năng các NH Việt Nam sẽ phải đối mặt với một sự cạnh tranh rất lớn.
Trong khi đó, có lẽ điều đáng quan tâm nhất là hiện xếp hạng tín nhiệm (XHTN) của Việt Nam, theo đánh giá của các tổ chức XHTN quốc tế, đều ở mức thấp hơn nhiều so với những thành viên khác trong TPP. Với trần XHTN quốc gia thấp như vậy thì XHTN của từng NH Việt Nam cũng không thể cao hơn được, dẫn đến huy động vốn ở nước ngoài với lãi suất thấp cũng khó khăn hơn.
Như vậy, nếu chúng ta không cải thiện được trong thời gian tới thì chắc chắn các ĐCTC nước ngoài sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong cạnh tranh với các TCTD trong nước. Đó là chưa kể, khi các DN, cá nhân vào làm ăn ở Việt Nam thì họ cần sự hỗ trợ của các NH tại đây. Nhưng nếu các NH Việt Nam với điểm tín nhiệm thấp thì có thể họ sẽ trở lại sử dụng các NH truyền thống của họ, và điều này cũng tạo một sự cạnh tranh nữa.
Ngoài ra, thị trường TPP là tự do, không chỉ về thương mại xuất nhập khẩu mà cả về tài chính. Như vậy, các NH nước ngoài họ có thể cho các DN ở Việt Nam vay được và dĩ nhiên các NH nước ngoài không cần yêu cầu DN Việt Nam phải chứng minh "các ông phải có nguồn thu ngoại tệ". Thành ra, hiện tượng tự do hóa trong TPP sẽ trở thành hiện tượng tự do hóa trong ngành tài chính Việt Nam và những quy định về tỷ giá, chính sách về tỷ giá có lẽ sẽ có nhiều thay đổi trong giai đoạn 5-10 năm tới.
Trước hết, chúng ta cần rà soát lại toàn bộ những quy định pháp luật. Với hệ thống NH, những quy định liên quan đến tài sản bảo đảm, an toàn vốn, thanh khoản… của các TCTD cần làm sao để một mặt đồng bộ, ăn khớp với nhau ngay ở trong nước, đồng thời phải dần khớp với thông lệ, quy định quốc tế. Song song với đó, cần các nỗ lực để cải thiện XHTN quốc gia và XHTN của các NH.
Nội bộ các NH cần tập trung tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tái cơ cấu nội bộ, đặc biệt là nâng cao chất lượng quản trị DN, quản trị rủi ro. Điều này vô cùng quan trọng bởi, đến nay, với Basel 1 mình còn đang loay hoay, nói gì đến Basel 2, Basel 3. Trong khi các NH nước ngoài rất mạnh về quản trị rủi ro, từ thế mạnh đó họ sẽ tạo được uy tín với người dân và DN trong nước…
Về phía các TCTD, theo ông họ đã sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh với các đối thủ ngoại chưa?
Rất kỳ vọng trong khoảng 3 năm tới, chúng ta phải có ít nhất được một NH rất mạnh, với vốn chủ sở hữu phải ở mức 5 tỷ USD, tổng tài sản khoảng 50 tỷ USD để đi vào khu vực cạnh tranh. Giải pháp có thể là để các NH lớn sáp nhập với nhau, hay xem xét nới room sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài, và có lẽ nên mở room cho đến ít nhất là 51%...
Xin cảm ơn ông!