Không để thủ tục đất đai “cản trở” bước tiến của doanh nghiệp Việt

Theo Phương Hòa/daibieunhandan.vn

53,8% doanh nghiệp cho biết, những khó khăn về thủ tục đất đai đã khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư đã nản lòng trước những quy định chồng chéo của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai.
Nhiều nhà đầu tư đã nản lòng trước những quy định chồng chéo của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai.

Thủ tục đất đai “cản trở” doanh nghiệp

Tại hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi diễn ra mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết: Sự phức tạp của các thủ tục hành chính về đất đai là một “cản trở” khi doanh nghiệp tiếp cận đất đai, bên cạnh các nguyên nhân khác như quy hoạch đất đai của địa phương chưa phù hợp, giá đất cao tăng nhanh…

“53,8% doanh nghiệp cho biết những khó khăn về thủ tục đất đai đã khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh” - ông Công nhấn mạnh.

Việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cần gắn với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, bảo đảm tiết kiệm, vền vững, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá... và đặc biệt, cần tạo sự công bằng cho doanh nghiệp hoạt động, tăng trưởng, đóng góp vào nền kinh tế.

Là một trong những doanh nghiệp “gặp khó” khi thực hiện các quy định pháp luật về đất đai, thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hoàng – doanh nhân kiều bào Australia – chia sẻ: Đã đầu tư về Việt Nam hơn 30 năm nay theo Luật Đầu tư nước ngoài ban hành năm 1987, tuy nhiên vẫn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình hoạt động vì những quy định liên quan đến đất đai.

Cụ thể, doanh nghiệp của ông Hoàng có một dự án đầu tư hơn 10 năm trước tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời điểm đó Uỷ ban nhân dân tỉnh đã cấp đất cho doanh nghiệp với giá khung giá đất đã phê duyệt, để hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng 10 năm sau thì thanh tra vào làm việc với tỉnh thì yêu cầu truy thu và tăng tiền thuê đất vì cho rằng giá đó là thấp. Trong khi trước đó, địa phương đã thoả thuận giao đất với giá đó và đưa ra điều kiện để chúng tôi đầu tư.

“Doanh nghiệp đã đi khiếu nại gần 4 năm, gửi văn bản đến các cơ quan liên quan, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, chính vì điều này khiến dự án không triển khai được và gây ra khó khăn, mệt mỏi với doanh nghiệp” – ông Hoàng bày tỏ.

Luật chồng luật, doanh nghiệp “hứng đòn”

Bên cạnh thủ tục về đất đai, quy định, trình tự, thủ tục của Luật Đất đai và các luật khác liên quan cũng chưa thống nhất với nhau, tạo ra nhiều “điểm nghẽn” trong thực tế. Điều này được nêu ra tại khảo sát của VCCI tiến hành vào năm 2019, theo đó có ít nhất có 25 điểm mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, trong đó có nhiều điểm liên quan đến Luật Đất đai. Tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật này tạo ra rủi ro pháp lý cho các cơ quan thực thi, đồng thời làm đình trệ nhiều dự án và tăng chi phí cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Chưa kể, khối lượng văn bản hướng dẫn Luật Đất đai rất lớn, tốc độ thay đổi của văn bản rất nhanh, chất lượng của các văn bản hướng dẫn và chất lượng thực thi pháp luật về đất đai trên thực tế vẫn là câu hỏi lớn.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để thực hiện Luật Đất đai 2013, thời gian qua Chính phủ đã ban hành đến 25 nghị định (trong đó có 16 nghị định ban hành mới, 7 nghị định sửa đổi, bổ sung và 2 nghị định ban hành thay thế). Chưa kể, các bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì ban hành 46 thông tư.

Ngoài ra, nhiều vụ việc về đất đai vẫn tiềm ẩn các vấn đề về hiệu quả kinh tế, bất ổn xã hội, tác động lớn đến tình hình an ninh trật tự như nhiều dự án đầu tư chậm triển khai khiến nhiều khu đất bị bỏ hoang, gây lãng phí; hoạt động giải phóng mặt bằng chậm, các tranh chấp và khiếu kiện về đất đai vẫn còn lớn; các vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều… ; tỷ lệ số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn, chiếm đến hơn 70% trong tổng số vụ khiếu nại tố cáo.