Mạnh tay thanh lọc thị trường xăng dầu
Việc tước giấy phép 7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vi phạm được đánh giá là biện pháp mạnh, hướng đi đúng để thanh lọc, lành mạnh thị trường xăng dầu. Tất nhiên, việc thanh, kiểm tra cần phải thực hiện thường xuyên, có biện pháp răn đe hơn để các doanh nghiệp tuân thủ quy định trong việc đảm bảo nguồn cung, đặc biệt trong giai đoạn giá cả, thị trường xăng dầu biến động như hiện nay.
Mới đây, Bộ Công Thương công bố thông tin tước giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu trong 1-2 tháng (tùy đơn vị) của 7 doanh nghiệp (DN) đầu mối: Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hoà Khánh; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV; Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil; CTCP nhiên liệu Phúc Lâm; CTCP Phúc Lộc Ninh và Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long.
Đối tác lo bị liên luỵ
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, quyết định xử phạt hành chính các DN trên được đưa ra trên cơ sở kết quả thanh tra tại 33 DN đầu mối từ tháng 3. Hành vi vi phạm chủ yếu là duy trì mức dự trữ và nhập khẩu xăng dầu thấp hơn mức quy định tối thiểu; chủng loại được phân giao hàng năm; không có biện pháp phòng ngừa; ứng phó sự cố hóa chất mà vẫn đưa dự án vào hoạt động...
Các quyết định xử phạt đưa ra trong tháng 7 nhưng thông tin này mới được Bộ Công Thương cập nhật. Do đó, một số thương nhân phân phối cho biết họ vẫn giao dịch với các đầu mối này theo hợp đồng đã ký trước đó do không nắm được thông tin.
Liên quan tới vụ việc trên, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVNDB) cũng đã có văn bản gửi Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Theo đại diện PVNDB, DN đang thực hiện bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn theo các hợp đồng kinh tế với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong năm 2022, PVNDB đã ký kết và triển khai thực hiện 22 hợp đồng dài hạn với 22 khách hàng là các thương nhân đầu mối trên cả nước.
Theo thông tin cập nhật từ Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, có một số thương nhân đầu mối đang ở tình trạng bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Trong đó có cả các thương nhân đầu mối đang là khách hàng của Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn hoặc đang đề nghị đàm phán để trở thành khách hàng của DN này.
Vì vậy, PVNDB đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn, chỉ đạo về quyền mua các sản phẩm xăng dầu của các thương nhân đầu mối này từ nhà máy lọc dầu trong nước do Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn bao tiêu.
“Việc đó làm cơ sở để DN này tuân thủ đúng Nghị định 95 của Chính phủ trong quá trình thực hiện tiêu thụ sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiêu thụ, giải phóng sản phẩm xăng dầu Nghi Sơn giai đoạn hiện nay”, PVNDB nêu.
Tương tự, một thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng lo ngại vì thiếu thông tin về việc tước giấy phép của 7 thương nhân đầu mối trên, một số nhà máy lọc dầu, thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu vẫn giao dịch, mua bán với những đầu mối bị tước giấy phép theo hợp đồng đã ký trước đó. Việc DN bị thu hồi giấy phép mà vẫn mua xăng dầu thì được cho là mua bán lậu. Ngược lại, DN vẫn bán hàng cho đơn vị bị thu hồi giấy phép được coi là đang "tiếp tay", làm trái phép…
Thanh kiểm tra cần thường xuyên, xử phạt răn đe hơn
Về góc nhìn của chuyên gia, PGS., TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng thực tế các DN cần phải nắm rõ thông tin về đối tác, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 thì việc tìm kiếm thông tin sẽ rõ ràng hơn. Nếu cứ đổ tại Bộ Công Thương không công khai sớm là lý do các DN nêu ra để nguỵ biện cho việc lơ là trong cập nhật thông tin, đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Bản thân các DN phải xem xét lại, cần cập nhật thông tin từ nhiều kênh khác nhau.
Tuy nhiên, vấn đề mà PGS.TS. Ngô Trí Long băn khoăn nhất khi trao đổi với VnBusiness là công tác thanh, kiểm tra cần thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt xăng dầu là mặt hàng chiến lược, vật tư quan trọng. Trong tình hình nguồn cung khó khăn như hiện nay, giá cả cao thì càng phải tăng cường kiểm tra, hay nói cách khác là đây là thời điểm “nước sôi lửa bỏng” thì việc làm này rất quan trọng để đưa những DN vi phạm ra khỏi thị trường.
Ông Long nhấn mạnh thêm, việc công khai các DN vi phạm cũng là nhiệm vụ bình thường mà Bộ Công Thương phải làm. Đối với các DN cố tình vi phạm, vi phạm từ lần thứ 2 trở đi cần có xử phạt nghiêm, mạnh tay hơn để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN làm ăn chân chính, thay vì việc kiểm tra chỉ diễn ra ở một thời điểm, sau đó đâu lại vào đấy.
Trên thực tế, việc dự trữ mặt hàng xăng dầu thời gian gần đây cũng có nhiều vấn đề đáng để bàn. Tại báo cáo về quản lý nhà nước về mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết trong một số thời điểm, nhất là giai đoạn nguồn cung trong nước gặp sự cố như hồi đầu năm, lượng hàng dự trữ của DN không đủ 20 ngày.
Việc này dẫn tới khi nhu cầu tăng vọt, lượng hàng mà DN cung ứng cho hệ thống phân phối trực thuộc giữa các địa bàn không đồng đều, chưa cung ứng kịp cho các cửa hàng bán lẻ. Nguồn cung xăng dầu tại một số địa phương vì thế mà gián đoạn, thiếu cục bộ. Nguyên nhân là do DN phải tự bỏ chi phí, trong khi giá tăng cao nên chi phí dự trữ tăng. Giá bán do Nhà nước kiểm soát lại gần như không gồm chi phí dự trữ, nên để đảm bảo hiệu quả, DN phải giảm tối đa hàng lưu kho.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện các DN đầu mối cũng như phân phối vi phạm là cách làm căn cơ để phát triển thị trường xăng dầu theo hướng thị trường hóa. Mà để nhanh chóng thực hiện được mục tiêu này thì cần mạnh tay xử lý với những vi phạm, không bao che, dung túng cho những hành vi vi phạm, ảnh hưởng tới lợi ích của người tiêu dùng.
“Hơn ai hết, chính các DN hiểu rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Cơ quan quản lý về cung ứng xăng dầu trao cơ chế cho DN tự chủ, nhưng các DN cố tình trục lợi, không làm đúng chức trách. Vì vậy, cơ quan quản lý cần phải mạnh tay xử lý để răn đe những trường hợp khác hoặc các hành vi sau này”, một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương
Các DN kinh doanh xăng dầu đã là kinh doanh thì khi lỗ khi lãi là chuyện bình thường. Những đơn vị được cấp phép hoạt động thì ngoài việc kinh doanh lấy lãi còn nhiệm vụ chính trị. Đối với DN đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ nếu đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, viện cớ thì cần dứt khoát rút giấy phép.
TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Việc đưa 7 DN đầu mối vào diện tước giấy phép, 11 DN vi phạm hành chính bị xử phạt, công bố hàng loạt tên DN xăng dầu vi phạm… cho thấy không có sự phân biệt, đối xử giữa các DN kinh doanh xăng dầu, điều này đáng được hoan nghênh… Những DN không đủ điều kiện cần bị loại khỏi thị trường. Hoạt động này cần được tiến hành thường xuyên để đảm bảo an ninh năng lượng, quyền lợi cho người tiêu dùng.
PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính
DN sợ nhất là bị bêu tên vi phạm, tước các quyền của mình. Đây cũng là việc xưa nay hiếm và cần được khuyến khích nhân rộng để cho thị trường minh bạch. Thiếu xăng cục bộ thì phải do ai, lỗi ở đâu và dư luận cần nhận được câu trả lời. Quan trọng hơn, việc quản lý của Bộ Công Thương cần làm chặt hơn trong thời gian tới, những DN vi phạm không chỉ là bị tước giấy phép xuất nhập khẩu, mà còn giấy phép kinh doanh với thời gian dài, tránh tình trạng DN tái hoạt động rồi tiếp tục vi phạm do xử phạt quá nhẹ.