Bảo đảm an toàn thực phẩm phải xuyên suốt

Theo daibieunhandan.vn

Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên đến sức khỏe nhân dân, đến sự phát triển giống nòi. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo đảm ATTP vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần có những giải pháp đồng bộ để hoạt động này được thực hiện xuyên suốt trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Những kết quả đạt được

Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Trần Việt Nga, những năm gần đây, công tác ATTP đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ. Hệ thống tổ chức quản lý ATTP bước đầu đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP.

Việc áp dụng các chế tài xử phạt cũng được đẩy mạnh qua các năm, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 30% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016. Các đoàn thanh kiểm tra đã kiên quyết xử lý tiêu hủy đối với sản phẩm không bảo đảm ATTP, cũng như thu hồi các loại giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Hầu hết trường hợp vi phạm đã được thông báo công khai, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn đã tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm đã góp phần tích cực giúp các địa phương đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, đồng thời cảnh báo mối nguy và triển khai thanh tra dựa trên nguy cơ. Ngoài việc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nhờ tuân thủ về vệ sinh ATTP, đến nay, nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 120 nước và vùng lãnh thổ. Nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada... đã sử dụng thực phẩm của Việt Nam với doanh số gần 40 tỷ USD, Nhiều loại nông sản như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu... của Việt Nam đã đứng vào tốp đầu trong các nước xuất khẩu.

Thị trường thực phẩm trong nước cũng được quan tâm nhiều hơn, nhiều vùng nguyên liệu an toàn như vùng rau sạch, chăn nuôi an toàn... đã được xây dựng; nhiều nhà máy chế biến thực phẩm đã được thế giới chứng nhận về hệ thống ATTP.

Triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp

Mặc dù vậy, công tác bảo đảm ATTP vẫn còn một số vướng mắc. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, song số lượng văn bản quá nhiều, lại do 3 ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương cùng ban hành gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện. Một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm chất lượng, ATTP chưa thực sự hiệu quả do thủ tục để được hưởng hỗ trợ còn khó khăn, phức tạp.

Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Chưa kể, việc thực thi pháp luật ở nhiều địa phương còn hình thức, chưa công khai và xử lý chưa nghiêm các vi phạm, cũng như chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn…

Việc toàn xã hội quan tâm đến ATTP vừa là cơ hội, nhưng cũng vừa là thách thức với cơ quan quản lý. Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Trần Việt Nga, để tăng cường công tác bảo đảm ATTP, trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ triển khai đồng bộ ba nhóm giải pháp về thể chế chính sách, tổ chức thực hiện và nguồn lực.

Cụ thể là rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất quy mô lớn, bảo đảm ATTP gắn với thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu phù hợp với đặc thù của địa phương.

Bên cạnh đó, củng cố, kiện toàn các cơ quan kiểm tra nhà nước về ATTP; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kết nối một cửa quốc gia đối với kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Tăng cường biên chế cho đội ngũ chuyên trách ATTP của các tuyến, đủ khả năng quản lý và điều hành các hoạt động bảo đảm ATTP trên phạm vi toàn quốc.

Bảo đảm cấp đủ ngân sách nhà nước cho hoạt động quản lý nhà nước về ATTP, chú trọng đầu tư cho công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP, trang thiết bị kiểm nghiệm, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP, tuyên truyền phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP…