Chính phủ báo cáo Quốc hội việc xử lý kỷ luật tại 12 dự án thua lỗ

Theo Linh Linh/thoibaonganhang.vn

Bộ Công Thương đang khẩn trương xem xét thi hành kỷ luật về mặt hành chính đối với các tập thể và cá nhân của Vinachem. Đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém, đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở 12 dự án thua lỗ.

Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình cótổng nợ phải trả 11.063 tỷ đồng; tổng lỗ lũy kế 3.217 tỷ đồng. Nguồn: Internet
Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình cótổng nợ phải trả 11.063 tỷ đồng; tổng lỗ lũy kế 3.217 tỷ đồng. Nguồn: Internet

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội cụ thể tình hình, kết quả rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại và phương án xử lý dứt điểm đối với 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương. Trong đó, có báo cáo về việc xử lý vi phạm của các tập thể, cá nhân tại 12 dự án, doanh nghiệp (DN) này.

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43.673 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay là 47.451 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Vốn vay các ngân hàng trong nước 41.801 tỷ đồng vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ  6.617 tỷ đồng.
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.126 tỷ đồng; tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985 tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55.063 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299 tỷ đồng.

Mặc dù thuộc các nhóm ngành khác nhau và đưa vào khai thác ở những thời điểm khác nhau, nhưng các dự án này đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư làm tăng giá thành sản phẩm hoặc làm cho dự án không còn khả thi, buộc phải dừng thực hiện. Bên cạnh đó, tiến độ kéo dài, có dự án chậm tiến độ 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, khiến cho tình trạng đội vốn càng trầm trọng hơn.

Chưa kể, hầu hết các gói thầu EPC của dự án đều có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Nhiều dự án đã kết thúc nhưng vẫn chưa thanh lý được hợp đồng, chưa quyết toán được dự án. Tất cả các dự án khi đi vào vận hành sản xuất đều gặp khó khăn về tài chính.  

Chính phủ cho biết, tính đến thời điểm này, các tập thể, cá nhân có sai phạm, khuyết điểm đã được xem xét, xử lý. Cụ thể, Bộ Công thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hội đồng thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Hội đồng quản trị của Tập đoàn cổ phần Dệt may (Vinatex) phải chịu trách nhiệm với những khuyết điểm, sai phạm liên quan đến các dự án và bị đề xuất hình thức kỷ luật là phê bình nghiêm khắc.

Tại thông báo kết luận của kỳ họp thứ 17 ngày 18/9/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu xem xét thi hành kỷ luật đối các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) các nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010 - 2015.

Tất cả 14 cá nhân nguyên là ủy viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc PVN qua các thời kỳ từ 2006 đến 2015 đều bị xử lý kỷ luật; 01 người đang bị tạm giam để điều tra nên chưa xem xét trách nhiệm về mặt hành chính; 02 người bị hình thức kỷ luật cảnh cáo và 10 người nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định cách chức Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu, khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn và cảnh cáo đối với ông Nguyễn Quốc Khánh đều là nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn PVN.

Riêng trường hợp ông Đinh La Thăng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật theo thẩm quyền. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định kỷ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.

Với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), tất cả thành viên Hội đồng quản trị của qua các thời kỳ từ 2008 đến 2014 đều bị phê bình nghiêm khắc và kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Đối với các cá nhân thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn; kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Quốc Tuấn - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; Kỷ luật cảnh cáo với các ông Đỗ Quang Chiểu - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty và ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Vinachem.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang khẩn trương xem xét thi hành kỷ luật về mặt hành chính đối với các tập thể và cá nhân của Vinachem.

Về lộ trình xử lý 12 dự án này, Chính phủ báo cáo, trong năm 2017 sẽ hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, DN và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện. Đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, DN. Đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở 12 dự án này.

Hiện tại, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động chi tiết để triển khai thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương để báo cáo xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo. Dự kiến sẽ ban hành vào đầu tháng 11 năm 2017 để tiếp tục thống nhất phối hợp triển khai thực hiện giữa các Bộ ngành, đơn vị có liên quan, bảo đảm mục tiêu và lộ trình đã đề ra.