Báo cáo tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ
Báo cáo gửi đến các Đại biểu Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong số 12 dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh; 3 dự án đang dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn; 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn.
Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án, nhà máy nêu trên là 43.673,63 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%).
Trong đó vốn chủ sở hữu là 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%, còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16.126,02 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985,14 tỷ đồng.
Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.
Báo cáo cho biết, sau các chỉ đạo và công việc được triển khai, đến nay bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực ở một số dự án, doanh nghiệp. 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất đã vận hành sản xuất ổn định, đồng thời tiết giảm chi phí sản xuất, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu đạt và vượt kế hoạch, góp phần làm giảm chi phí biến đổi, khắc phục dần thua lỗ.
Về quan điểm, định hướng, giải pháp và phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp cũng được nêu tại báo cáo là sẽ kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp nêu trên. Một số mốc thời gian cụ thể là trong năm 2017 hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện.
Hết năm 2018 phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp. Đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.