Thanh tra đột xuất - thực phẩm càng bẩn hơn

Theo daibieunhandan.vn

Kinh nghiệm cho thấy, hầu hết các vụ phát hiện thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, sử dụng hóa chất độc hại… đều xuất phát từ các cuộc kiểm tra đột xuất hoặc ngoài giờ hành chính.

Cuộc kiểm tra đột xuất của đoàn công tác Bộ Y tế tại một cơ sở làm bánh, mứt kẹo làng La Phù, Hoài Đức, Hà Nội.
Cuộc kiểm tra đột xuất của đoàn công tác Bộ Y tế tại một cơ sở làm bánh, mứt kẹo làng La Phù, Hoài Đức, Hà Nội.

Từ một cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất

Cuối tháng 8/2016, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã về làng La Phù - một trong những “vựa” làm bánh mứt kẹo gia công của huyện Hoài Đức, Hà Nội để kiểm tra về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Đang tháng cao điểm phục vụ thị trường Trung thu nên Đoàn đã kiểm tra tại một số cơ sở làm bánh có dấu hiệu không bảo đảm VSATTP trên địa bàn xã và phát hiện nhiều vi phạm như: Dụng cụ đựng nguyên liệu làm bánh Trung thu được để trong thùng sơn; phụ gia dùng để chế biến bánh cũng không rõ nguồn gốc, bánh được đóng gói ngay trên nền nhà mất vệ sinh… Tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Ngọc Khánh, Đoàn đã yêu cầu cơ sở cung cấp các hóa đơn chứng từ về nguồn gốc nguyên liệu.

Kết quả cho thấy, chất phụ gia thực phẩm của cơ sở này sử dụng không có nhãn mác hợp quy, không có nguồn gốc rõ ràng. Tương tự, tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Cổ phần thực phẩm Tân Hoàng Gia (thuộc Khu công nghiệp La Phù), đoàn phát hiện nhiều lỗi vi phạm như: Nhân viên đóng bánh không mặc đồng phục, đeo khẩu trang, sử dụng găng tay; sản phẩm được đóng gói trực tiếp xuống mặt đất.

Đáng lưu ý là thực phẩm dùng trong nguyên liệu làm bánh (kem trộn) của cơ sở được đựng trong 1 thùng đựng sơn, bằng mắt thường cũng thấy là rất bẩn.

Chưa hết, khi đoàn lên tầng 2 của cơ sở kiểm tra cũng phát hiện nhiều sản phẩm bánh lỗi, vỡ và hết hạn, có nhiều mọt mối… Trước những vi phạm trên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu lập biên bản xử lý ngay tại chỗ, thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số kem trộn làm bánh không bảo đảm VSATTP.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất

Không giống như các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, lỗi vi phạm được phát hiện thường rất nhỏ, hiện trường cơ sở sản xuất hoặc chế biến thực phẩm cũng rất “sạch”… Các cuộc kiểm tra đột xuất, do yếu tố bất ngờ, nên hiện trường tại các cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo gần như vẫn được giữ nguyên, do đó vi phạm cũng được phát hiện nhiều hơn.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng công tác Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (VFA), Bộ Y tế Trần Văn Châu cho biết, để tăng cường quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm, mới đây Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2362 chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố thực hiện các hoạt động bảo đảm VSATTP trên địa bàn, phân công và quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, tổ chức và cá nhân, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Kể từ tháng 5/2016, chủ yếu áp dụng thanh tra hoặc kiểm tra theo hình thức đột xuất.

Tính đến tháng 6/2016, các lực lượng chức năng từ Trung ương đến cơ sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 600.000 cơ sở, trong đó kiểm tra 344.731 cơ sở thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, nước uống thiên nhiên, dịch vụ ăn uống, phát hiện 56.876 cơ sở có vi phạm về VSATTP (chiếm 16,5%), phát hiện xử lý 13.196 cơ sở (chiếm 3,83%), phạt tiền 8.842 cơ sở với tổng số tiền khoảng 30 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Châu cũng cho biết: Thanh tra, kiểm tra (theo kế hoạch và đột xuất). Thực tế, khi tiến hành thanh tra đột xuất thường thực hiện đối với những cơ sở có dấu hiệu vi phạm được người dân phản ánh hoặc được cấp báo. Do lực lượng chức năng còn mỏng nên các cuộc thanh tra, kiểm tra hiện nay chủ yếu được tiến hành theo kế hoạch.

Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh - một trong những thành phố được coi là điểm nóng về VSATTP, có nhiều chợ đầu mối, buôn bán thực phẩm tươi sống, hóa chất phụ gia, song công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý qua thanh tra, kiểm tra đột xuất chưa nhiều.

Cụ thể, sau hơn 3 tháng triển khai Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành, thì hình thức thanh tra, kiểm tra vẫn chủ yếu được thực hiện theo kế hoạch; kiểm tra được 251 đợt, phát hiện 47 cơ sở vi phạm, tổng số tiền xử phạt cũng chỉ hơn 150 triệu đồng… Con số này là quá khiêm tốn đối với một thành phố đang có 10 quận, huyện tiến hành thí điểm - đại diện VFA nhận xét.

Có thể thấy, thời gian qua, dư luận rất bức xúc trước vấn nạn sử dụng hóa chất tràn lan trong chăn nuôi, chế biến và bảo quản thực phẩm. Thực tế được biết, hàng năm Nhà nước chi không ít tiền cho các đoàn đi thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực ATTP, nhưng hiệu quả mang lại không cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, định kỳ như hiện nay rất hình thức, chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa”. Do vậy để cải thiện tình trạng này cần thay đổi hình thức thanh tra, kiểm tra, cụ thể cần tăng cường thanh tra đột xuất, dần loại bỏ hình thức kiểm tra mang tính kế hoạch, định kỳ.