Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nguyên nhân và phương thức các nước áp dụng


Ngày 6/7/2018, chính quyền Mỹ chính thức "khai hỏa" chiến tranh thương mại với Trung Quốc bằng việc áp thuế quan 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia này trị giá 34 tỷ USD vào thị trường Mỹ. Trung Quốc lập tức đáp trả bằng cách áp thuế 25% lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này đã gây căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt nguồn từ đâu, phương thức các nước áp dụng thế nào được phân tích cụ thể trong bài viết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung "khai hỏa"

Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017, ông Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ có biện pháp mạnh nhằm trả đũa trong lĩnh vực thương mại đối với Trung Quốc. Thực tế từ khi ông Trump lên nắm quyền, 2 bên đã tổ chức đàm phán nhằm tìm kiếm thỏa thuận và nhượng bộ, song không thành công.

Ngày 6/7/2018, chính quyền Mỹ đã chính thức tuyên bố áp thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giá trị lên tới 34 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao như người máy, công nghệ thông tin (chip bán dẫn, ổ đĩa máy tính), hàng không vũ trụ, máy in, mô tô... Ngay sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế 25% đối với 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ (chủ yếu là các mặt hàng nông sản như đậu tương, cao lương, thịt bò, bông, hải sản...) với tổng giá trị 34 tỷ USD.

Nguyên nhân dẫn tới chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân cụ thể.

Nguyên nhân sâu xa

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Dự báo, đến năm 2030, GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Song, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP của Trung Quốc hiện nay đã vượt Mỹ. Mỹ và Trung Quốc cũng là 2 cường quốc thương mại: Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu thứ nhì thế giới; Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu thứ nhì thế giới (Bảng 1).

Những năm gần đây, sự cạnh tranh giữa 2 siêu cường càng trở nên gay gắt trong bối cảnh sức mạnh của Mỹ có dấu hiệu suy giảm trong khi Trung Quốc đang bộc lộ tham vọng thay thế Mỹ ở vị trí thống lĩnh bàn cờ địa chính trị thế giới.

Nguyên nhân cụ thể

Các vấn đề sau đây được xem là những nguyên nhân cụ thể gây ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt từ sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, dẫn đến chiến tranh thương mại hiện nay.

Thứ nhất, chính sách bảo hộ của chính quyền Tổng thống Trump.

Từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch với mục tiêu “nước Mỹ trên hết” và “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Chính sách bảo hộ mậu dịch này không chỉ dẫn đến chiến tranh thương mại với Trung Quốc, mà còn dẫn đến xung đột thương mại với những nước được xem là đồng minh của Mỹ (như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc) hay láng giềng gần của Mỹ (như Canada, Mexico).

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nguyên nhân và phương thức các nước áp dụng - Ảnh 1

Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã rút khỏi hoặc yêu cầu đàm phán lại một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Mỹ đã ký kết hoặc đang thực thi.

Thứ hai, thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Trung Quốc.

Thâm hụt thương mại của Mỹ được xem là nguyên nhân trực tiếp gây căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Năm 2017, Mỹ nhập khẩu 506 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi chỉ xuất khẩu 131 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc. Như vậy, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên đến 375 tỷ USD.

Đáng lưu ý là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc liên tục tăng từ khi Trung Quốc gia nhập WTO (từ 100 tỷ USD năm 2001 lên 375 tỷ USD năm 2017). Chính quyền Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Trung Quốc đáp trả rằng để giảm thâm hụt thương mại, chính Mỹ cần tăng cường hoạt động xuất khẩu của mình.

Thứ ba, tham vọng của Trung Quốc trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới.

Mặc dù thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc được xem là nguyên nhân bên ngoài của cuộc chiến tranh thương mại, song vấn đề cốt lõi của căng thẳng giữa 2 nước chính là Mỹ lo ngại về tham vọng của Trung Quốc trở thành quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới.

Với mục tiêu trở thành nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, không phụ thuộc vào nhập khẩu các công nghệ then chốt từ các đối thủ cạnh tranh chính, Trung Quốc hiện đang đổ hàng tỷ USD vào chương trình "Sản xuất tại Trung Quốc 2025 (Made in China 2025)" để tạo động lực phát triển các ngành công nghệ trọng yếu, trong đó có người máy, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, ô tô chạy điện, công nghệ Internet 5G.

Nghịch lý là tham vọng của Trung Quốc rất lớn trong khi trình độ công nghệ lại còn nhiều hạn chế. Để thực thi chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc 2025", các công ty Trung Quốc phải dựa vào các công nghệ cốt lõi từ Mỹ.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc bằng những thỏa thuận ngầm đang buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc trong liên doanh. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này. Tuy nhiên, Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc tìm mọi cách lấy công nghệ của Mỹ thông qua các phương thức như nhập khẩu công nghệ hay thậm chí ăn cắp công nghệ.

Một phương thức nữa được các công ty lớn của Trung Quốc (ví dụ như ZTE, Huawei, China Mobile) sử dụng để có công nghệ cao của Mỹ là thông qua mua bán, sáp nhập với các công ty Mỹ.

Thứ tư, tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc.

Mỹ nhiều lần cáo buộc về tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng ở Trung Quốc, đặc biệt là đối với bản quyền của các công ty Mỹ. Chính quyền Mỹ cho rằng, các công ty Mỹ đã mất nhiều tỷ USD mỗi năm do việc ăn cắp bí mật thương mại của Trung Quốc. Điều này xuất phát từ khả năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất yếu kém của hệ thống pháp luật Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nguyên nhân và phương thức các nước áp dụng - Ảnh 2

Mặc dù, Trung Quốc hiện nay đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, song phần lớn tiến bộ tập trung ở mảng bản quyền tác giả và nhãn hiệu, trong khi tình trạng bắt buộc chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghiệp then chốt vẫn tràn lan.

Thứ năm, các biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Quốc.

Mỹ phản ứng mạnh mẽ trước việc Trung Quốc không trao cho các công ty nước ngoài quyền tiếp cận thị trường nước này một cách tương xứng. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra cam kết là sẽ nới lỏng giới hạn chủ sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, đóng tàu và máy bay càng sớm càng tốt; đồng thời hứa thúc đẩy các biện pháp đã công bố nhằm mở cửa lĩnh vực tài chính của nước này.

Tuy nhiên, Mỹ tỏ ra hoài nghi cam kết trên, bởi Trung Quốc đã từng đưa ra những hứa hẹn tương tự khi gia nhập WTO năm 2001, song không thực thi. Nhờ đó, các công ty Trung Quốc đã tận dụng thời gian dài hàng chục năm được bảo hộ để tạo lập vị thế thống lĩnh tại thị trường nội địa, đồng thời có khả năng tiến ra đầu tư ở nước ngoài.

Phương thức áp dụng

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mà là cuộc cạnh tranh tổng lực giữa 2 siêu cường, nên mỗi bên sẽ áp dụng không chỉ các biện pháp thương mại, mà cả những biện pháp phi thương mại để tấn công nhau. Việc áp dụng phương thức nào phụ thuộc vào lợi thế mỗi bên nắm giữ cũng như điểm yếu của mỗi bên.

Phương thức Mỹ áp dụng

- Biện pháp thương mại: Mỹ hiện nhập khẩu lớn hàng hóa từ Trung Quốc (501 tỷ USD năm 2017). Do đó, điều dễ hiểu là công cụ chủ yếu được Mỹ sử dụng là đánh thuế cao lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Sau động thái đầu tiên áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD, chính quyền Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục áp thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD, sau đó áp thuế 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm. Mỹ cảnh báo tổng lượng hàng Trung Quốc bị áp thuế có thể lên đến hơn 500 tỷ USD, tức là lớn hơn cả kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc năm 2017.

- Biện pháp phi thương mại: Bên cạnh thuế nhập khẩu được xem là phương thức chính, Mỹ cũng sẽ sử dụng các biện pháp phi thương mại nhằm gây áp lực đối với Trung Quốc. Một trong các biện pháp là hạn chế đầu tư của Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ đang lên kế hoạch nhằm hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào một số ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ. Thông qua Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS - một cơ quan liên ngành do Bộ Tài chính Mỹ chủ trì), Chính phủ Mỹ tìm cách ngăn cản các công ty nước ngoài mua lại các công ty Mỹ.

Theo kế hoạch, các công ty có từ 25% vốn sở hữu Trung Quốc trở lên sẽ bị cấm mua lại những công ty Mỹ liên quan tới công nghệ như hàng không vũ trụ, người máy, ô tô. Trọng tâm của kế hoạch này trước hết nhằm vào chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, một chiến lược Trung Quốc đang theo đuổi nhằm chi phối các ngành công nghiệp của tương lai.

Mỹ còn có kế hoạch siết chặt kiểm soát xuất khẩu, nhằm ngăn chặn các công ty Mỹ chuyển công nghệ tới Trung Quốc. Chính quyền Mỹ đang soạn thảo các quy định xuất khẩu hướng tới ngăn chặn công nghệ cao chuyển tới Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế đầu tư có thể chặn đứng khả năng tiếp cận một số nguồn vốn nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ.

Phương thức Trung Quốc áp dụng

- Biện pháp thương mại: Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ (131 tỷ USD năm 2017) ít hơn nhiều so với Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc (506 tỷ USD). Do đó, công cụ thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu từ Mỹ tuy vẫn được Trung Quốc áp dụng, song tác dụng khá hạn chế. Hơn nữa, Trung Quốc ngần ngại áp thuế nhập khẩu cao lên các mặt hàng nhu yếu phẩm (một phần lớn trong đó nhập khẩu từ Mỹ) do không muốn người dân nước này phải chi trả lớn hơn cho các mặt hàng này.

Ngày 6/7/2018, Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu đối với 545 mặt hàng Mỹ, trên 90% trong số đó là nông sản. Động thái này khiến Đảng Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump gặp rắc rối chính trị tại các bang nông nghiệp Mỹ, những nơi đã giúp ông Trump thắng cử năm 2016 và hiện đang đối mặt với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 (bầu lại một số ghế thượng nghị sỹ, hạ nghị sỹ và thống đốc bang ở Mỹ). Tuy nhiên, việc áp thuế nhập khẩu nông sản cao cũng sẽ khiến Trung Quốc thiệt hại, do nó làm giá thực phẩm tại thị trường Trung Quốc tăng.

- Biện pháp phi thương mại: Bên cạnh biện pháp thương mại, Trung Quốc sẽ áp dụng nhiều biện pháp phi thương mại để đáp trả Mỹ như:

+ Chính sách tỷ giá: Chính phủ Mỹ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ để tạo lợi thế trong thương mại với Mỹ. Mỹ cho rằng, trong những năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần chủ động giảm giá đồng NDT để tạo ra tính cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc so với Mỹ và các đối thủ cạnh tranh khác.

Phía Trung Quốc luôn biện minh, giá trị đồng NDT là do các thị trường quyết định. Trong cuộc chiến tranh thương mại hiện nay, Trung Quốc sẽ không ngần ngại tiếp tục sử dụng tỷ giá như một công cụ tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu với Mỹ.

+ Sử dụng trái phiếu kho bạc Mỹ: Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, do đang nắm giữ một lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá khoảng 1.200 tỷ USD được mua vào trong những năm qua. Lượng trái phiếu này đủ để tác động đến thị trường trái phiếu Mỹ.

Trung Quốc có thể đột ngột bán ra một lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ (hoặc chỉ cần phát tín hiệu sẽ giảm mua trái phiếu Mỹ trong tương lai). Điều đó sẽ khiến lãi suất dài hạn ở Mỹ tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến Chính phủ và những người mua nhà ở Mỹ, do phí vay tăng lên. Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp trên, Trung Quốc cũng bị thiệt hại, do giá trị trái phiếu Mỹ họ đang nắm giữ bị giảm.

+ Kiện Mỹ lên WTO: Ngay sau khi Mỹ áp mức thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% với mặt hàng nhôm nhập khẩu ngày 23/3/2018, Trung Quốc đã đệ đơn kiện Mỹ tại WTO với cáo buộc Mỹ đã thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại dưới vỏ bọc an ninh quốc gia, vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử và cam kết giảm thuế theo quy định của WTO. Ngày 6/7/2018, ngay sau khi Mỹ áp thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, Trung Quốc cũng đệ đơn kiện Mỹ lên WTO.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO khó có tác dụng thực sự do các lý do sau: Là nền kinh tế lớn nhất thế giới đã từng ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại, Mỹ đóng vai trò then chốt đối với sự ra đời và tồn tại của WTO. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump từng đe dọa rút Mỹ khỏi WTO, thậm chí chỉ thị soạn thảo dự luật để kích hoạt quá trình này.

Việc Mỹ rút khỏi WTO sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn cho tổ chức này. WTO là nơi 164 nền kinh tế trên thế giới thỏa thuận về việc thực thi các cam kết hội nhập và giải quyết bất đồng, song tổ chức này hiện đang bất lực trong cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc.

+ Biện pháp hành chính: Trung Quốc có thể sử dụng nhiều biện pháp hành chính khác nhau để gây khó dễ cho các công ty Mỹ tại Trung Quốc.

Thứ nhất, gây khó khăn trong quá trình cấp giấy phép. Hầu hết lĩnh vực kinh doanh tại Trung Quốc đều phải được cấp phép. Cơ quan cấp phép Trung Quốc có thể trì hoãn quá trình cấp giấy phép, hoặc thậm chí thu hồi giấy phép của các công ty Mỹ.

Thứ hai, áp dụng các quy định mang tính phân biệt đối xử. Trung Quốc đã từng sử dụng các cuộc điều tra tham nhũng, thanh tra thuế, thậm chí hàng ngày tiến hành kiểm tra y tế hay an toàn lao động để gây cản trở hoạt động của các công ty nước ngoài, thậm chí đóng cửa những cơ sở này, vì các vi phạm nhỏ trong tuân thủ quy định của Trung Quốc. Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp tương tự khiến các công ty Mỹ phải trả giá lớn hơn cho các cơ sở sản xuất hay bán lẻ tại Trung Quốc.

Thứ ba, trì hoãn thủ tục hải quan. Trung Quốc đã từng sử dụng biện pháp như vậy đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, khiến hàng hóa bị ứ đọng trong thời gian quan hệ song phương căng thẳng.

+ Sử dụng truyền thông: Trung Quốc đã có kinh nghiệm trong việc sử dụng truyền thông tẩy chay hàng hóa nước ngoài. Trong cuộc chiến tranh thương mại hiện nay, Trung Quốc có thể sẽ lại sử dụng truyền thông kêu gọi người dân tẩy chay hàng hóa Mỹ và công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc có thể tẩy chay điện thoại iPhone của hãng Apple (Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ 3 của hãng này), hoặc tẩy chay hơn 3.300 cửa hàng cà phê Starbucks ở Trung Quốc.

+ Hạn chế du lịch ra nước ngoài của người Trung Quốc: Chính phủ Trung Quốc đã từng sử dụng các biện pháp hạn chế khách du lịch Trung Quốc bằng cách chỉ đạo các công ty du lịch Trung Quốc không bán gói tour du lịch tới một số địa điểm nhất định (Năm 2012, Bắc Kinh đã hạn chế người Trung Quốc du lịch tới Nhật Bản khi xảy ra vụ tranh chấp đảo Senkaku…).

Tuy Mỹ là một mục tiêu khó khăn hơn do nước này ít phụ thuộc vào các gói tour du lịch, song bất kỳ sự sụt giảm nào về số lượng khách du lịch Trung Quốc tới Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu 33 tỷ USD mà du khách Trung Quốc chi hàng năm ở Mỹ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), CIA Factbook (Sách dữ kiện thế giới của CIA). (https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/);
  2. S. Rossman, “What is a Trade War? And Why is Trump Targeting China?” (Chiến tranh thương mại là gì? Vì sao Trump nhắm vào Trung Quốc?). USA Today,  6/4/2018, (https://www.usatoday.com/story/money/nation-now/2018/04/06/trade-war-trump-us-china-tariffs/492616002/);
  3. B.W. Setser, “US-China Trade War: How We Got Here?” (Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Chúng ta đã tiến đến đó như thế nào?), Hội đồng Quan hệ đối ngoại (https://www.cfr.org/blog/us-china-trade-war-how-we-got-here);
  4. Tuấn Anh, “Giải mã nguyên nhân căng thẳng thương mại Mỹ - Trung” VietnamNet.vn, 4/5/2018.